Báo chí vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đã có nhiều cuộc hội thảo về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp để tìm ra tiếng nói chung, xóa bỏ sự e ngại của doanh nghiệp khi tiếp xúc với báo chí. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn tự bó mình với báo chí. Cần làm gì để báo chí và doanh nghiệp gần gũi nhau hơn?
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Petrolimex: Doanh nghiệp - báo chí: Hai người bạn đồng hành
** Xin ông cho biết quan điểm của mình về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí hiện nay?
Có thể coi đó là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, thông tin về kinh tế và cả thông tin về chính trị… Trong nền kinh tế cạnh tranh bằng thông tin, ai nắm được thông tin thì người đó sẽ thắng. Ai chậm thông tin sẽ thua thiệt. Thông qua báo chí, chúng tôi xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Qua đó, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để hiểu rõ hơn, tin tưởng doanh nghiệp hơn.
Còn đối với báo chí, theo tôi, hoạt động của doanh nghiệp là một nội dung phản ánh rất quan trọng của các báo. Hoạt động của doanh nghiệp luôn bị báo chí “soi” ở các lĩnh vực: Kết quả kinh doanh, vấn đề môi trường, thuế, quyền lợi người lao động… Nhờ đó, doanh nghiệp biết những khiếm khuyết, điểm yếu của mình để khắc phục.
Ở góc độ khác, khi doanh nghiệp nhờ báo chí quảng bá cho thương hiệu và sản phẩm của mình, báo chí sẽ có nguồn thu. Đối với những doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ chính trị cũng rất cần tới báo chí để nói rõ những vấn đề quản lý, những chính sách của Nhà nước liên quan đến mặt hàng doanh nghiệp đảm nhiệm để người dân hiểu.
Ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều có bộ phận PR, tức là bộ phận quan hệ công chúng. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin từ báo chí và hướng báo chí tới những phòng, ban, lãnh đạo của doanh nghiệp để việc cung cấp thông tin được kịp thời, đảm bảo độ chính xác.
** Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ phóng viên, nhà báo hiện nay?
Dưới góc độ một độc giả tôi thấy, hiện nay chúng ta có một đội ngũ đông đảo các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo. Đầu năm, tôi được tham gia Đại hội lần thứ XI của Đảng, tôi thấy báo chí của chúng ta thông tin rất nhanh, chuẩn xác. Những người không có mặt trong hội trường, nhưng ngồi trước máy thu thanh, thu hình vẫn có cảm giác như đang được hưởng không khí rạo rực của Đại hội. Nói điều ấy để thấy rằng, đội ngũ phóng viên, nhà báo hiện nay rất tinh thông về nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thông tin của độc giả. Tuy nhiên, cũng có bài chưa phản ánh đúng và đầy đủ về thực tiễn cuộc sống.
Về nguyên nhân, tôi nghĩ rằng có thể việc phối kết hợp giữa báo chí và doanh nghiệp chưa thực sự khăng khít. Bản thân phóng viên chưa am hiểu lĩnh vực chuyên ngành mình viết. Kỳ thực, doanh nghiệp rất mong muốn được hợp tác với phóng viên, nhà báo. Mong báo chí có những trang chuyên ngành, phóng viên chuyên sâu vào từng lĩnh vực thì chắc chắn kết quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí cũng như chất lượng các bài báo sẽ tốt hơn nhiều.
Lễ trao giải "Thương hiệu kinh tế đối ngoại uy tín" và "Nhà hoạt động kinh tế đối ngoại tiêu biểu" được tổ chức lần đầu tiên tại Đài TNVN năm 2010 |
** Để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp ngày càng tốt đẹp, theo ông, cả hai cần phải làm gì?
Cả hai phía cần phải gần nhau, tôn trọng nhau. Và phải thấy rằng chúng ta rất cần có nhau. Tất nhiên, gần nhau không có nghĩa là thấy những sai phạm của doanh nghiệp mà báo chí làm ngơ thì cũng không được. Với doanh nghiệp, việc cung cấp thông tin phải chân thực, đầy đủ để phóng viên, nhà báo có cái nhìn đúng hơn về vấn đề mà độc giả đang quan tâm.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó TGĐ Siêu thị BigC Thăng Long: Báo chí giúp chúng tôi nhận ra khiếm khuyết
Siêu thị BigC là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối, là một trung tâm mua bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Chính vì vậy, qua báo chí, chúng tôi có thể chuyển tải những thông tin về quản lý chất lượng, giá cả hợp lý, những chính sách khuyến mại giảm giá đến với người tiêu dùng. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, thu thập thông tin.
Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của báo chí trong việc truyền tải thông tin từ phía doanh nghiệp đến người tiêu dùng, đối tác, cơ quan quản lý Nhà nước được thông suốt hơn. Qua báo chí, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi từ khách hàng, từ cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó giúp chúng tôi nhận ra khiếm khuyết để hoàn thiện hơn.
Để mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp tốt hơn, theo tôi, chúng ta cần phải cởi mở với nhau hơn nữa, đặc biệt là phải tin cậy, nương tựa, tôn trọng nhau. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin chính xác và báo chí cần thông tin khách quan. Bởi lẽ độc giả của báo chí cũng là khách hàng của doanh nghiệp.
Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit: Báo chí là cầu nối tốt nhất tới người tiêu dùng
Theo tôi, báo chí là cầu nối tốt nhất giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào không dành sự quan tâm thích đáng cho mối quan hệ với báo chí, doanh nghiệp đó làm ăn chưa bài bản, tự đánh mất đi một kênh thông tin hữu hiệu tới khách hàng.
Với Vinamit, chúng tôi luôn coi trọng mối quan hệ với báo chí. Qua báo chí, người tiêu dùng biết tới sản phẩm và thương hiệu của chúng tôi. Để sự phối hợp giữa doanh nghiệp và báo chí ngày càng tốt hơn, nhằm tạo nên nhiều lợi ích về mặt thông tin giúp độc giả, cơ quan quản lý Nhà nước hiểu và nắm được vấn đề quan tâm, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ vai trò của báo chí. Qua đó, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí./.