Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, trong năm 2012 dù kinh tế khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tập trung cao cho vấn đề an sinh xã hội. Điều này thể hiện qua các chính sách điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đối với người có công, hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất, đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, người bị thu hồi đất sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo…
Nhìn nhận một cách khách quan, ông Vinh cho biết, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, lao động mất việc làm, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn….
Theo Bộ trưởng Vinh, nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này là do những hạn chế yếu kém trên có những nguyên nhân khách quan do khó khăn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm của một số nền kinh tế lớn, khủng hoảng nợ công kéo dài tại châu Âu, những bất ổn chính trị ở Trung Đông, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ trong nhiều năm và những yếu kém trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành và đơn vị cơ sở….
Tán thành bản báo cáo tổng kết kinh tế xã hội cũng như các bản dự thảo của đưa ra tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông nhận xét rằng, năm 2012 là năm thực sự khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả khả quan.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông cho rằng, trong việc triển khai chính sách vẫn còn chậm, cải cách hành chính vẫn còn cản trở đối với việc phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn từ góc độ của một tỉnh ở Tây Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông cho biết nói rằng, hiện vẫn còn một số tồn tại chung ở các tỉnh ở đây như: Di dân tự do, tái định cư, vấn đề bảo vệ rừng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng khó khăn.
Hiện nay Đắc Nông có hơn 23.000 hộ di dân tự do, hiện mới chỉ ổn định được hơn 10.000 dân. Hiện vẫn chưa bố trí được việc tái định cư của người dân, bởi vậy hiện nay họ vẫn sống rải rác ở trong rừng hoặc vùng sâu vùng xa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới phá rừng – vấn đề gây bức xúc lớn hiện nay.
Việc tái định cư cho đồng bào thủy điện khó khăn. Hiện chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn đang nợ của người dân hơn 80 tỷ đồng. Bởi vậy Chủ tịch tỉnh Đắc Nông mong Chính phủ đánh giá sâu sát khi thực hiện xây dựng các công trình thủy điện cũng như sâu sát trong việc để người dân ổn định tái định cư, ổn định cuộc sống. Hiện nguy cơ tái nghèo của người dân tái định cư trên địa bàn rất cao. “Khi những người dân này hưởng hết chính sách của nhà nước thì họ không còn biết làm gì”.
Đối với vấn đề bảo vệ rừng, tỉnh Đắc Nông đề nghị Chính phủ cần có biện pháp kiểm kê lại đất rừng, cho người dân hưởng lợi về rừng, có như vậy việc quản lý đất rừng và tài nguyên rừng mới tốt hơn.
Theo ông Đường, trồng rừng rất quan trọng. Trong chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu nội dung kinh tế xã hội rất lớn nên phải xem như việc trồng rừng là giải pháp tích cực nhằm tăng hệ số che phủ, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, đồng thời là biện pháp giải nghèo bền vững cho những tỉnh khó khăn về kinh tế nhưng có tiềm năng về rừng.
Ông Đường cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 147 của Chính Phủ, độ che phủ rừng của Bắc Kạn tăng nhanh. Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao hiệu quả trồng rừng, cần có chính sách cụ thể trong việc nâng cao cơ sở vật chất.
Về vấn đề triển khai Nghị quyết tại Kiên Giang, ông Lê Văn Thi - Chủ tịch UBND tỉnh nói: Thế mạnh của Kiên Giang là nông nghiệp nên còn có thể tăng sản lượng nếu giá cả tốt. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là đầu ra sản phẩm hàng hóa. Giá lúa mà không có đầu ra ổn định thì đời sống nhân dân sẽ rất khó khăn, không có thu nhập. Khi lúa đến mùa thu hoạch, người dân phải bán lúa với giá thấp, đến khi Hiệp hội lương thực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc mua tạm trữ thì người dân không còn lúa bán.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cũng cho rằng, nếu nông dân không có thu nhập thì việc thực hiện chính sách tam nông sẽ khó mà thành công./.