Công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái được 9 năm, năm 2017, bác sĩ Nguyễn Thị T. có một quyết định không hề dễ dàng, rời bỏ bệnh viện tỉnh về làm việc ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Được đào tạo chuyên khoa mắt nên khi về làm việc ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, được làm đúng chuyên khoa, bác sĩ Thư cảm thấy thoải mái. Bác sĩ T. chia sẻ, thời gian làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác không thuộc chuyên môn, chị T. cảm thấy khá áp lực, vất vả.

y_te_1_lfrz.jpg
(Ảnh minh họa)
Chia sẻ về mức thu nhập, chị T. cho biết, với thâm niên 9 năm công tác, hệ số lương 3,76, mỗi tháng chị T. được 5 triệu đồng. Cộng các khoản phẫu thuật viên, trực đêm, tiền dịch vụ... thì tổng mức lương của chị T. nhận được là 8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chuyển ra bệnh viện tư, lương cố định hàng tháng của chị T. đã 20 triệu đồng, cộng các khoản tiền phẫu thuật viên, dịch vụ, tổng thu nhập là khoảng 30 triệu/tháng.
“So với bệnh viện công, mức thu nhập ở bệnh viện tư chênh lệch rất lớn. Trong môi trường làm việc ở bệnh viện tư, bác sĩ được ưu ái, được học tập, tiếp xúc với nhiều kỹ thuật mới. Họ sẵn sàng tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên sâu. Bệnh viện tư có áp lực riêng là mình phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, nếu không sẽ bị đào thải. Họ trọng dụng mình nhưng cũng sẽ dễ dàng bị đào thải nếu không đáp ứng được.”- bác sĩ T. chia sẻ.

Cũng từng gắn bó và làm việc trong bệnh viện công được gần 10 năm, năm 2018, bác sĩ Lê Văn C. (quê ở Thanh Hóa) đã quyết định từ bỏ bệnh viện công để ra Hà Nội làm việc tại một bệnh viện tư nhân. Bác sĩ C. chia sẻ, môi trường làm việc ở bệnh viện công áp lực, phải khám hàng trăm lượt bệnh nhân/ngày. Việc khám quá nhiều bệnh nhân/ngày có thể dẫn đến chất lượng khám sẽ không tốt, đôi khi còn gây cho bác sĩ những tính xấu như cáu gắt, khiến bệnh nhân không hài lòng.

“Ở bệnh viện tư, số lượng bệnh nhân đến khám một ngày rất ít, bác sĩ khám kỹ hơn cho bệnh nhân, môi trường làm việc thoải mái. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ quyết định chọn bệnh viện tư nhân bởi ở đó họ được khẳng định nhiều hơn. Thu nhập có sự khác biệt rất nhiều, bệnh viện công mức lương khá thấp, không đủ sống dẫn đến nhiều hệ lụy trong đạo đức của các bác sĩ”- bác sĩ C. cho biết.

Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tính riêng năm 2018 có hơn 30 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 3 bác sĩ giữ các chức vụ là phó khoa và 8 bác sĩ có trình độ thạc sĩ. Trước đó, cũng trong năm 2018, có 23 nhân viên y tế gồm 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng, tài xế thuộc Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM nghỉ việc.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng-  Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế cho rằng, không phải bây giờ mới có tình trạng bác sĩ bệnh viện công được đào tạo bài bản ra bệnh viện tư làm mà việc này đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên gần đây, các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phát triển, các bác sĩ ra ngoài làm việc càng nhiều. Tình trạng này chủ yếu chỉ trong khối khám chữa bệnh, các lĩnh vực như y tế dự phòng, dược... thì chưa có nhiều.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, nguyên nhân chính là đến thời điểm này, thu nhập của bác sĩ nói riêng và nhân viên y tế nói chung thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài công lập. Bên cạnh đó, áp lực công việc ở bệnh viện công cao hơn so với khối tư nhân. Bởi hầu hết các trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm đều vào bệnh viện công lập để điều trị. Ngoài ra, điều kiện môi trường làm việc ở các cơ sở y tế công lập được đầu tư tốt hơn. Các doanh nghiệp làm y tế tư nhân thường xuyên có các cơ chế thu hút, động viên khuyến khích các bác sĩ, tạo điều kiện tốt nhất để họ làm công tác chuyên môn.

Bộ Y tế cho biết, năm 2006, một cuộc khảo sát về sự dịch chuyển cán bộ trong ngành y tế đã được thực hiện tại 1 bệnh viện tuyến trung ương ở TP HCM, chỉ trong 2 năm đã "ra đi" 116 người.

Theo các chuyên gia, nếu không có điều chỉnh về chính sách, chế độ đãi ngộ thì vẫn còn có sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực y tế ở các tuyến dưới, tuyến vùng sâu, vùng xa./.