Những đôi tay nhỏ gõ chiêng đều đặn, những đôi chân trần rắn chắc lúc chậm rãi, lúc gấp gáp rộn ràng say sưa theo từng “vũ điệu” cồng chiêng… đó là hình ảnh của đội “cồng chiêng nhí” làng Plei Djriêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai). Gần 10 năm nay, đội chiêng nhí Plei Djriêk đã tiếp bước lưu giữ âm thanh vang vọng của đại ngàn.

cong-chieng-2.jpg

Những đứa trẻ J’rai bị tiếng cồng, tiếng chiêng mê hoặc khi chúng bắt đầu chập chững biết đi

Với người J’rai, ngay từ nhỏ, tiếng cồng, tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt, khi đôi chân đã biết đi cũng là lúc chúng bị hút theo các lễ hội, tiếng cồng chiêng của buôn làng. Những âm thanh trong, vang pin poong mê hoặc khiến lũ trẻ háo hức đến quên ăn, quên ngủ. Các bài chiêng truyền thống của dân tộc J’rai như: mừng lúa mới, mừng đâm trâu, mừng chiến thắng, mừng mở cửa mả… đều được bọn trẻ thuộc nằm lòng. Như một bản năng, việc học và đánh cồng, chiêng đối với người J’rai còn nhanh hơn nhìn đúng mặt con chữ.

Đến thị trấn Nhơn Hòa, chúng tôi tình cờ được thưởng thức một buổi biểu diễn của đội “Cồng chiêng nhí” làng Plei Djriêk. Trong không gian lễ hội của buôn làng, các em đánh chiêng chuyên nghiệp không thua gì các nghệ sĩ lớn tuổi, âm thanh vang vọng, khỏe khoắn và nhịp bước linh hoạt vui tươi.

Khuôn mặt những đứa trẻ J’rai dù còn non nớt, ngây thơ, nhưng nhịp chiêng thì uyển chuyển, mạnh mẽ và có chiều sâu lắm… Các chiêng nhí chân trần, đóng khố “khập khiễng” mang những chiếc cồng, chiêng đánh các bài chiêng truyền thống khiến người xem phải ngơ ngẩn, thán phục.

Em Nay Sam (15 tuổi), thành viên năng động nhất trong đội khoe: “Em rất yêu cồng chiêng, từ năm em 11 tuổi đã biết đánh chiêng rồi. Em sẽ học tiếp để đánh thật đúng, thật hay, em muốn trở thành người giỏi nhất làng”.

Để tiếp nối và giữ gìn truyền thống, năm 2001, với nỗ lực của chính quyền và các nghệ nhân trong làng, đội cồng chiêng nhí Plei Djriêk được thành lập với 30 thành viên, độ tuổi từ 5 - 16. Nghệ nhân Nay Hiếu chia sẻ: “Phải dạy cồng chiêng cho tụi nhỏ để chúng lưu giữ truyền thống dân tộc, để chúng mê cồng chiêng mà luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp, không nghĩ đến những việc xấu, không làm việc xấu”.

Nghệ nhân Nay Hiếu kể tiếp: “Để tập cho tụi nhỏ biết đánh cho đúng âm, đúng nhịp phải vất vả lắm, nhiều lúc dạy mãi mà chúng vẫn không bắt nhịp được, mình mà nóng tính la mắng thì chúng tự ái không chịu học, bỏ về đi chơi liền. Thế nên phải tốn nhiều công sức và thời gian với tụi trẻ”.

Công việc này dù khó khăn, vất vả, mất thời gian nhiều mà lại không có thù lao nhưng với trách nhiệm của thế hệ đi trước trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc nên những nghệ nhân trong làng vẫn say mê gắn bó với các em.

Những đứa trẻ Tây Nguyên tham gia Festival Quốc tế cồng chiêng

Bước đầu, dạy bọn trẻ học cách gọi tên từng chiếc chiêng, cách đánh, thứ tự đánh từng chiêng trong bộ chiêng từ 15 - 20 chiếc... Sau khi đã thuộc hết tên cả bộ chiêng, chúng lại tiếp tục học âm của từng chiêng, tập đánh chiêng đồng để học cách nghe âm, cách theo âm của từng chiếc chiêng trong bộ chiêng. Để trở thành một “chiêng nhí”, ngoài sự chăm chỉ, các em nhỏ còn phải thực sự thích thú, đam mê và kiên trì. Em Nay Sam bộc bạch: “Em học cồng chiêng vì thấy yêu truyền thống của dân tộc mình và thấy đánh chiêng rất hay”.

Nhìn các thành viên Siu Sam, Siu Thanh, K’sor Sia… khua nhịp cồng chiêng, kết hợp nhịp nhàng với vòng múa xoang của các em nữ, ít ai phát hiện ra được sự khác biệt so với một đội chiêng của người lớn, đầy đam mê và ngẫu hứng. Bây giờ, cứ mỗi khi trong làng, trong huyện, trong tỉnh có hội lớn là đội cồng chiếng nhí lại “khăn gói” lên đường đi biểu diễn. Năm 2010, Festival cồng chiêng Quốc tế tổ chức tại Gia Lai, đội cồng chiêng nhí tự hào được đại diện cho huyện, cho tỉnh tham gia biểu diễn cồng chiêng để bạn bè trong nước và quốc tế cùng chiêm ngưỡng.

Cồng chiêng Tây Nguyên gắn bó với cuộc sống của người dân bản địa từ bao đời nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một vì sự xâm nhập của lối sống và văn hóa hiện đại. Một bộ phận dân cư, đặc biệt lớp trẻ đang trở nên thờ ơ đối với văn hóa của chính dân tộc mình để chạy theo luồng văn hóa mới. Chính vì thế, việc dạy cho thế hệ trẻ về truyền thống dân tộc, truyền cho các em những tinh hoa văn hoá của dân tộc là việc làm cấp bách và cần thiết. Đội cồng chiêng nhí làng Plei Djriêk là một điển hình trong sự kế tục truyền thống dân tộc J’rai, các em nhỏ đang góp phần đưa âm thanh cồng chiêng của người Tây Nguyên ngân vang hơn, xa hơn, vang mãi./.