Những số liệu và thông tin về tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cứ liên tục được đưa ra khiến ai cũng thấy lo lắng. Người lo lắng nhất và chật vật nhất chính là những người lao động, bởi vì chuyện mất việc này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bản thân họ và gia đình họ. Nhưng với người Việt Nam, trong cái khó ló cái khôn. Vấn đề là làm sao để cái khôn có cơ hội, có điều kiện xuất hiện. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính người lao động và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo số liệu tổng hợp của Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trên cơ sở các báo cáo của các địa phương, thì trong quý I năm nay có khoảng 50.000 lao động đã bị mất việc làm, trong khi cả năm 2008 có khoảng 80.000 người lâm vào tình trạng này. Dự báo trong quý II này, số lao động mất việc sẽ vào khoảng 17.000 người. Tuy nhiên với sự bình tĩnh và khôn khéo, nhiều người vẫn tìm được việc cho mình. Bằng chứng là theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, có đến khoảng 80% số lao động mất việc đã tìm được việc làm mới. Trong thực tế, xu hướng xoay xở được việc mới cũng đang diễn ra và có vẻ như khả quan - tất nhiên là đối với những người năng động.

Một trang web khá nổi tiếng về việc làm vừa thực hiện cuộc thăm dò gần 2.400 người về khả năng tìm việc mới hiện nay. Kết quả cho thấy 66% số người được hỏi cho biết tìm được việc là chuyện bình thường vì các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển lao động và 27% số người cho rằng rất khó vì các doanh nghiệp hầu như không tuyển người, số ít còn lại thì không có nhu cầu tìm việc vì vẫn đang muốn ở nguyên vị trí cũ. Như vậy, cùng về một vấn đề, mỗi người lao động có cách nhìn nhận khác nhau và từ mỗi cách nhìn nhận này sẽ đưa đến cách giải quyết khác nhau, và cuối cùng là tác động và mang lại kết quả khác nhau.

Đúng là đang có nhiều doanh nghiệp gặp khó nên phải giảm quy mô sản xuất kinh doanh, nhưng lại cũng rất nhiều doanh nghiệp nhân dịp này thực hiện cơ cấu lại lao động nên nhu cầu tuyển mới lại rất lớn. Các hoạt động này sẽ tạo ra sự luân chuyển lao động từ nơi này sang nơi khác và ở một mức độ nhất định làm cho thị trường lao động có nơi thì nhao nhác hơn nhưng nơi khác lại sống động hơn.

Có một số lao động trong lĩnh vực dây chuyền sản xuất bị giảm việc thì tranh thủ tìm việc tương tự ở doanh nghiệp khác, thậm chí địa phương khác và chấp nhận thu nhập thấp hơn để chờ khó khăn đi qua. Một số khác quay ra tìm các lao động công nhật, buôn bán nhỏ hay các việc thủ công khác. Một số khác tìm cách đi lao động ở nước ngoài. Một số lao động có tay nghề tổng hợp, cao hơn thì cùng nhóm họp và mở các cơ sở nhỏ, một số khác tạm trở về quê hương chờ đợi và cũng nhân dịp này ổn định lại cuộc sống gia đình sau những ngày tháng tha phương.

Với lao động có trình độ cao, có điều kiện sinh hoạt khá hơn thì chuyện tìm việc mới, thậm chí muốn thay đổi công việc dường như dễ dàng hơn nhiều tại các doanh nghiệp đang cơ cấu lại lao động. Thậm chí có những người nhân cơ hội công việc có vẻ như đang ngơi này mà tranh thủ đi học, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ, tay nghề. Với sự chuẩn bị như thế, khi kinh tế phục hồi, chắc chắn rằng cơ hội tạo dựng vị trí việc làm của họ sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Trước đó, hàng loạt chính sách đã được Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đó là chuyện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương hay giải quyết chế độ cho lao động mất việc, là chuyện cho vay có ưu đãi để giải quyết bảo hiểm cho người lao động... Mặc dù triển việc khai các chương trình này vào thực tế cũng nảy sinh những vướng mắc cần giải quyết nhưng đây thật sự là những cố gắng của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân góp phần chống suy giảm kinh tế.

Đáng mừng hơn là sự phục hồi của nền kinh tế cũng đã bắt đầu mở ra sau những giải pháp mà Chính phủ đang hỗ trợ cho doanh nghiệp và bà con nông dân, đặc biệt là chính sách hỗ trợ bù lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và bù lãi suất vay vốn cho bà con nông dân mua máy móc thiết bị sản xuất nông nghiệp, mua vật tư nông nghiệp và cả vật liệu xây dựng nhà ở ở nông thôn. Với sự hỗ trợ này doanh nghiệp có điều kiện tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, và đương nhiên là tạo thêm việc làm cho người lao động. Cũng với các chương trình hỗ trợ như thế, người nông dân có điều kiện đầu tư mua sắm thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm thất thoát trong các khâu thu hoạch và bảo quản, nâng cao chất lượng và giá trị hàng nông sản.

Tất cả những cố gắng từ nhiều phía sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động./.