Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, trong 06 tháng của năm 2019, trên các tuyến đường sắt quốc gia đã xảy ra 11 vụ trật bánh tàu hỏa, trong đó 7 vụ do nguyên nhân chủ quan; 4 vụ do nguyên nhân khách quan.
Tàu SE3 trật bánh khi qua đèo Hải Vân đêm 29/6. Ảnh Tiền phong. |
Các sự cố tàu hỏa trật bánhliên tiếp trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân và phía cơ quan chức năng đã có các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc này.
Thừa nhận các vụ trật bánh trong thời gian qua đã gây thiệt hại về người, tài sản, ách tắc giao thông đường sắt, làm giảm uy tín của ngành giao thông đối với dư luận xã hội, lãnh đạo Cục Đường sắt cũng chỉ ra những nguyên nhân chính là do chất lượng phương tiện và kết cấu hạ tầng đường sắt.
Cụ thể, về nguyên nhân chất lượng phương tiện là do van (tác dụng điều tiết cho đệm không khí của toa xe) bị hư hỏng hoặc hoạt động không ổn định gây trật bánh toa xe. Toa xe có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nên khi vận hành qua đường cong dẫn đến bánh xe bị thoát tải leo lên mặt ray gây trật bánh.
Ngoài ra, tàu trật bánh còn do gẫy ray; chất lượng đường không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (cự ly, thủy bình biến đổi, phương hướng đường cong) thay đổi quá quy định.
Chỉ trong 6 tháng, tuyến đường sắt Bắc-Nam đã xảy ra 11 vụ tàu gặp sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản và nỗi lo chất lượng tàu, hạ tầng đường sắt. |
Một nguyên nhân khác khiến xảy ra các vụ trật bánh là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường sắt không chú ý tín hiệu, quan sát hai phía gây tai nạn giao thông đường sắt và làm trật bánh tàu hỏa.
Bổ sung thêm, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sự cố trật bánh còn do yếu tố tình huống, trong một đoàn tàu có nhiều toa xe có cấu tạo hoàn toàn như nhau, có chung các điều kiện vận hành như gió, tốc độ chạy, bán kính cong... song sự cố trật bánh không xảy ra ở tất cả các trục bánh của toa xe mà chỉ ra ở một số trục bánh hoặc thậm chí chỉ một trục bánh xe nào đó trong đoàn tàu.
“Từ các lý do trên cho thấy, vấn đề phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân gây sự cố trật bánh đoàn tàu là rất khó khăn và phức tạp,” lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.
Đưa ra những giải pháp trước mắt nhằm hạn chế bớt sự cố trật bánh toa xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chủ động rà soát quy định thời gian sử dụng của phương tiện, đánh giá trạng thái kỹ thuật và tăng cường công tác kiểm định, đặc biệt là những phương tiện có thời gian sử dụng trên 30 năm.
Cục Đăng kiểm cũng phối hợp với Cục Đường sắt rà soát, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình sửa chữa đầu máy, toa xe các cấp và các quy trình khám chữa đầu máy, toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các Công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Các vụ trật bánh tàu hỏa trong thời gian qua đã gây thiệt hại về người, tài sản, ách tắc giao thông đường sắt, làm giảm uy tín của đường sắt với hành khách. |
Đối với phương tiện, VNR và các đơn vị quản lý phương tiện khẩn trương rà soát tình trạng kỹ thuật phương tiện, sửa đổi các quy trình sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu khai thác thực tế và tuổi thọ của phương tiện; bổ sung các quy định về độ hao mòn của các chi tiết, bộ phận thuộc giá chuyển hướng... trong quá trình khai thác trên đường sắt.
Cục Đăng kiểm cũng đề nghị tăng tần xuất kiểm tra chất lượng đường sắt về lý trình (vị trí đo), độ siêu cao của đường, độ mấp mô của bề mặt hai ray, độ thẳng của đường, cự ly ray, độ dốc của đường, độ vặn xoắn của đường, biến dạng ray…
6 tháng đã xảy ra 11 vụ trật bánh tàu hỏa
Vào lúc 11 giờ 10 phút ngày 29/6, tàu SE3 đang lưu thông hướng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đi đến Km764+700 khu gian Hải Vân Bắc-Hải Vân (đèo Hải Vân) chuẩn bị đi vào hầm thì bất ngờ một toa tàu chở khách gặp sự cố bị trật bánh 2 trục toa số 4 của đoàn tàu.
Ngày 27/1, tàu khách số SE1 tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh bị trật bánh khỏi đường ray khi chạy qua ghi 102 ga Sông Lòng Sông (thuộc xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Ngày 14/2, tàu khách số TN7 đến khu vực giao nhau với đường bộ Đồng Khỏi thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị trật bánh khỏi đường ray.
Ngày 18/2, tàu hàng số SBN1 bị trật bánh tại khu gian Mỹ Lý-Quán Hành (thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Sau đó, một ngày (ngày 19/2), tàu hàng số AH2 bị trật bánh tại ga Suối Kiết (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận).
Tới ngày 20/4, tàu SE7 bị trật bánh tại Km 1376+000 khu gian Ngã Ba-Cà Rôm (thuộc xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa). Ngày 22/4, tàu SE8 bị trật bánh tại Km 1374+770 khu gian Ngã Ba-Cà Rôm (thuộc xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa).
Tiếp đến, vào ngày 13/5, tàu HH4 bị trật bánh tại Km 81+680 khu gian Nam Định-Đặng Xá thuộc xã Mỹ Hưng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Mới đây nhất vào lúc 11h10 ngày 29/6, tàu SE3 đang lưu thông hướng Hà Nội-TP Hồ Chí Minh đi đến Km764+700 khu gian Hải Vân Bắc-Hải Vân (đèo Hải Vân, TP Đà Nẵng) chuẩn bị đi vào hầm thì bất ngờ một toa tàu chở khách gặp sự cố bị trật bánh (2 trục toa số 4).
Sự việc khiến nhiều hành khách trên chuyến tàu lo sợ. Sự cố bị trật bánh tàu SE3 cũng đã khiến nhiều chuyến tàu khác bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền./.
Tàu trật bánh tại Nghệ An khiến đường sắt Bắc-Nam tê liệt hàng giờ
Tàu hỏa SE4 tông vào tảng đá lớn khiến tàu trật bánh
Bộ GTVT yêu cầu điều tra nguyên nhân 2 vụ tàu trật bánh tại Yên Viên