Liên quan đến vụ việc tàu hỏa trật bánh xảy ra tại Ga Yên viên vào sáng 7/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa chính thức có thông tin nhanh về sự cố trong đó khẩn trương thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh, trước mắt cho phép các đoàn tàu chạy qua cụm ghi N112-120 với tốc độ 5km/giờ.

a12_bdxz.jpg
Sau sự cố hàng trăm công nhân ngành đường sắt được tăng cường để khắc phục, đảm bảo thông tàu sớm nhất.

Theo báo cáo của VNR, vào lúc 4 giờ 38 phút ngày 7/8, tàu SP2 do đầu máy 622 kéo 17 xe đang vào ga Yên Viên với tốc độ 15km/giờ, khi qua cụm ghi N1121-120 (thuộc địa bàn thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) thì 2 toa xe thứ 13, 14 trong đoàn tàu bị trật bánh.

Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người khi không có thiệt hại, hành khách đi trên đoàn tàu SP2 an toàn mà chỉ làm hư hỏng nhẹ 3 giá chuyển toa xe khách đồng thời làm chậm 4 đoàn tàu khách; giao thông đường sắt không bị ách tắc.

Sự cố 2 đoàn tàu bị trật bánh tại cùng một vị trí được cho là huy hữu trong ngành đường sắt.

Hiện, Tổng công ty đã khẩn trương thành lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra toàn bộ các yếu tố liên quan nhằm xác định nguyên nhân gây trật bánh, trước mắt cho phép các đoàn tàu chạy qua cụm ghi N112-120 với tốc độ 5km/giờ. 

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đánh giá sơ bộ ban đầu nguyên nhân dẫn đến 2 sự cố liên tiếp trong 2 ngày 6 và 7/8 tại ga Yên Viên nghiêng về yếu tố kỹ thuật nhiều hơn.

“Đây là sự cố hy hữu trong ngành đường sắt, dường như chưa ghi nhận sự cố nào tương tự, mặc dù sự cố tàu trật bánh bị lật toa đã từng xảy ra,” ông Hoạch khẳng định.

Để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra sự cố hy hữu này, theo lãnh đạo VNR phải đánh giá toàn bộ từ tốc độ chạy tàu có đúng tốc độ cho phép chạy trong ga (15km/giờ), toa xe có vi phạm gì về tiêu chuẩn chuyên môn không, bánh xe, phụ kiện có tồn tại vấn đề gì không….Rồi đánh giá toàn bộ hạ tầng khu vực từ ghi 110-112 có vi phạm tiêu chuẩn về cự ly, độ lún ray, độ vuốt đường cong có đảm bảo không….; hệ thống điều khiển ghi tàu có vào đúng đường đón không…?

“Đoạn ghi từ 110-112 khá cong, nên có thể nhìn nhận đây là một loại địa hình không thuận lợi cho tàu chạy,” vị Phó Tổng giám đốc VNR nhìn nhận.

Dự kiến, trong tuần này, ngành đường sắt sẽ tìm ra nguyên nhân của sự cố hy hữu này. Về lâu dài, VNR giao Ban Quản lý hạ tầng kiểm tra tổng thể đường cong và bình diện cụm ghi để đối chiếu kỹ thuật, để xuất giải pháp.  Tàu chạy Hà Nội- Lào Cai hiện có 6 chuyến/ngày như tàu SP2, SP4, LC1…/.