Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong 4 tháng qua, cả nước đã có gần 36.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 37,58% kế hoạch năm và xấp xỉ 104% so với cùng kỳ năm ngoái.

lao_dong_xuat_khau_qxpr.jpgLao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc)

Riêng trong tháng 4 vừa qua, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là gần 10 nghìn người. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn dẫn đầu trong việc tiếp nhận lao động Việt Nam, với hơn 6 nghìn 600 người; Nhật Bản hơn 2 nghìn lao động; tiếp đến là Malaysia; Ả rập - Xê út và Hàn Quốc...

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hôi cho biết: Hiện nay, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục được xác định là thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam, với mức lương cơ bản khá tốt so các thị trường hiện có. Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động đầy đủ từ cả hai phía và có sự phù hợp trên nhiều phương diện với nguồn lực lao động Việt Nam hiện nay. 

Đài Loan (Trung Quốc) luôn là thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam hàng năm. Đây là thị trường có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động vì họ có chính sách thu hút lao động nước ngoài để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động trong nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đài Loan đã có thay đổi chính sách tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc; đồng thời, một số nước như là Thái Lan, Indonesiaa, Philipines giảm cung lao động sang Đài Loan vì họ cũng thiếu hụt lao động lao động nhất định, cho nên đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam đưa lao động sang Đài Loan.

Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất của thị trường này đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học vừa làm trong thời gian tối đa là 3 năm. Ngoài ra, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý.

Còn thị trường Hàn Quốc, trong khuôn khổ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ngày 10/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký lại Biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm (EPS) của Hàn Quốc. Trong đợt tuyển dụng lao động theo Biên bản ghi nhớ đặc biệt này, phía Hàn Quốc đồng ý để Việt Nam đưa lên mạng 5.400 hồ sơ và tối đa 2.900 lao động sẽ được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc trong các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng và nông nghiệp./.