Phan Minh Tùng (SN 1968, quê Đà Nẵng) - Phụ trách kế toán Tập đoàn Thiên Thanh – bị án trong giai đoạn 1 của đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), mới đây tiếp tục bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an tiếp tục đề nghị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong giai đoạn 2 của đại án kinh tế xảy ra tại VNCB.

pham_cong_danh_gafu.jpg
Các bị cáo trong đại án kinh tế xảy ra tại VNCB trong giai đoạn 1 (Ảnh: Cafef)

Trong giai đoạn 1 của vụ án, ở cấp sơ thẩm Phan Minh Tùng bị quy kết hai tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Phan Minh Tùng bị Tòa án TP.HCM tuyên phạt 7 năm tù giam cho hai tội danh.

Sau bản án sơ thẩm, Phan Minh Tùng kêu oan. Hành vi của Phan Minh Tùng được xác định liên quan đến việc họp bàn cùng Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT VNCB trong việc rút khống số tiền 63 tỷ đồng của ngân hàng VNCB. Tùng đã nhận tiền chuyển vào tài khoản rồi rút tiền mặt đưa cho Phạm Công Danh.

Bên cạnh đó, trong hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tùng là người lập khống báo cáo tài chính của Công ty Nhất Nhất Vinh – Công ty sân sau của Phạm Công Danh để đứng ra vay số tiền hơn 420 tỷ đồng.

Lời khai tại các phiên tòa giai đoạn 1 của đại án kinh tế, Phan Minh Tùng cho rằng, mình là kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh không thể tham gia họp bàn các vấn để của VNCB. Tùng cũng cho rằng mình không rút tiền mặt như quy kết.

Hành vi lập khống báo cáo tài chính của Công ty Nhất Nhất Vinh vay 420 tỷ đồng tại VNCB, Phan Minh Tùng cho hay, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Phạm Công Danh. Kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng, báo cáo chỉ là bản thảo trên máy tính. Tùng không ký vào bản thảo.

Theo quan điểm của tòa sơ thẩm, Phan Minh Tùng biết rõ vai trò của Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh cũng như tại VNCB. Tài liệu thể hiện Tùng là người rút hơn 27 tỷ đồng.

Nếu Tùng không rút số tiền này thì không ai có thể rút được tiền khỏi tài khoản. Toàn bộ số tiền sau đó đã được nộp vào tài khoản của Phạm Công Danh và Tùng là người ký tên trên giấy nộp tiền, do đó không có cơ sở chấp nhận lời khai nại của kế toán Tập đoàn Thiên Thanh.

Ngoài ra cơ quan tiến hành tố tụng có đủ cơ sở khẳng định việc Phan Minh Tùng thực hiện theo chỉ đạo của Phạm Công Danh lập khống báo cáo tài chính để hoàn thiện hồ sơ cho Công ty Nhất Nhất Vinh để vay 420 tỷ đồng. Kháng cáo kêu oan của Phan Minh Tùng bị Tòa án Cấp cao tại TP.HCM bác bỏ.

Đối với đề nghị truy tố mới đây của cơ quan CSĐT Bộ Công an, Phan Minh Tùng tiếp tục tái lập hành vi sai phạm liên quan đến hợp thức hóa các hồ sơ khống để của các công ty của Phạm Công Danh nhằm vay tiền ngân hàng.

Theo đó, tháng 4/2013, sau khi được lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đồng ý cho vay 1.800 tỷ đồng, Phạm Công Danh triển khai họp khẩn và phân công nhiệm vụ cho từng thuộc cấp.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Phan Minh Tùng đã lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống gồm: Bảng cân đối kế toán, Bảng cân đối số phát sinh, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo tài sản cổ định, báo cáo tổng hợp khoản phải thu, phải trả khách hàng cho 6 công ty của Phạm Công Danh để hoàn thiện 6 hồ sơ vay tại Sacombank.

Lời khai của Phan Minh Tùng cũng cho biết, anh ta lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 của doanh nghiệp vay tiền là: Công ty Nhất Nhất Vinh và Công ty Nhà Quốc Thắng để lập hồ sơ vay chứng minh hoạt động năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Hành vi của Phan Minh Tùng giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát của VNCB số tiền 1.800 tỷ đồng./.