Phạm Công Danh - Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh và Trần Văn Bình – lái xe, Giám đốc Công ty Trung Dung (công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh) có mặt tại phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 3/2017 với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra Bộ Công an, hai “thầy trò” Phạm Công Danh có thể phải hầu tòa với tư cách bị cáo khi bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đây là một trong những nội dung mà HĐXX của Tòa án Hà Nội yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ.
Hứa Thị Phấn - Hà Văn Thắm - Phạm Công Danh |
Tài liệu tố tụng cho biết, đầu năm 2012, khi NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng (NH) TMCP yếu kém, do muốn thâu tóm một số NH nên Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn của nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín đặt vấn đề chuyển nhượng.
Bắt “thóp” những yếu kém trong quản lý của nhóm bà Hứa Thị Phấn đối với Ngân hàng Đại Tín, Hà Văn Thắm đã buộc nhóm này chuyển nhượng gần 85% vốn điều lệ ngân hàng với giá gần 4.500 tỷ đồng kèm theo cam kết chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ số tiền hơn 3.500 tỷ đồng cũng như các nghĩa vụ khác.
Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, nhận hồ sơ cổ phần, Hà Văn Thắm cho người vào quản lý, điều hành Ngân hàng Đại Tín để làm các thủ tục sáp nhập vào Oceanbank nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền 4.500 tỷ đồng chuyển nhượng, cũng như các nghĩa vụ cam kết kèm theo.
Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy việc thâu tóm NH Đại Tín không khả thi vì thấy có nhiều khoản vay lớn, dư nợ xấu khó có khả năng thu hồi…, Thắm đã đặt vấn đề chuyển nhượng lại NH Đại Tín cho Phạm Công Danh.
Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh đã phải trả cho Hà Văn Thắm 800 tỷ đồng để sở hữu NH Đại Tín, sau đó việc ký kết chuyển nhượng cổ phần giữa bà Phấn và Phạm Công Danh cũng diễn ra.
Mặc dù chưa được NHNN chấp thuận làm các thủ tục chuyển đổi nhưng Phạm Công Danh đã cho người vào NH để giải quyết các khoản nợ xấu, hoàn thiện các thủ tục thay đổi thành viên và đổi tên NH Đại Tín sang Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Do quá trình tiếp nhận NH, Phạm Công Danh phải chi phí nhiều cho việc giải quyết các khoản nợ xấu nên đến tháng 11/2012, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn đã ngồi bàn bạc việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank và thế chấp bằng tài sản là 250 tỷ đồng (tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Trung Dung) và tài sản của nhóm bà Phấn tại NH.
Ngày 23/11/2012, theo chỉ đạo của Phạm Công Danh, Trần Văn Bình đã ký hợp đồng tín dụng với Nguyễn Văn Hoàn – Phó TGĐ Oceanbank vay 500 tỷ đồng. Cùng ngày Oceanbank giải ngân số tiền trên vào tài khoản của Công ty Trung Dung. Số tiền này được Phạm Công Danh tất toán cho các khoản vay của bà Hứa Thị Phấn tại NH Đại Tín theo thỏa thuận trước đó.
Với hành vi này, các bị can đã gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền hàng trăm tỷ đồng đấy là chưa kể số tiền lãi.
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Phạm Công Danh đã giúp sức cho bị can Hà Văn Thắm.
Dù không trao đổi, không bàn bạc với Thắm và Hoàn nhưng bị can Trần Văn Bình là giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty Trung Dung, bị can cũng ký vào hồ sơ tín dụng để vay 500 tỷ đồng. Hành vi của Trần Văn Bình đã giúp sức cho bị can Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn, Phạm Công Danh.
Trong hành vi này, bà Hứa Thị Phấn cũng bị cơ quan điều tra khởi tố bị can. Như vậy so với phiên tòa sơ thẩm vào tháng 3/2017, ngoài Hà Văn Thắm, Nguyễn Văn Hoàn bị khởi tố, cơ quan điều tra Bộ Công an còn khởi tố thêm các bị can: Phạm Công Danh, Trần Văn Bình, Hứa Thị Phấn cùng về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo nội dung vụ án, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại của ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, hàng chục còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC bị cũng dính hệ lụy từ việc làm sai trái của sếp.
Trong các bị can còn có Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) – cựu TGĐ Oceanbank - cựu Chủ tịch HĐTV PVN– là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng.
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng./.
5 đại án kinh tế liên quan đến cựu Chủ tịch ngân hàng Phạm Công Danh
Thẩm vấn về “lời hứa” của cựu Chủ tịch Oceanbank với Phạm Công Danh