Đầu tháng 7/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can trong giai đoạn 2 đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong các bị can bị đề nghị truy tố lần này, ngoài Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch VNCB - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh thì bị can Trần Văn Bình – Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung lần thứ ba vướng vòng lao lý liên quan đến các đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng.
Tổng Giám đốc Trần Văn Bình tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm (Ảnh: Cafef.) |
Năm 2009, Trần Văn Bình được tuyển dụng vào làm lái xe ô tô của Tập đoàn Thiên Thanh. Sau đó, anh ta được Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm Tổng giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty Trung Dung.
Trước đó, trong giai đoạn 1 vụ án Phạm Công Danh làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của VNCB, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung hầu tòa với vai trò đồng phạm trong tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trần Văn Bình nhận mức án 4 năm tù giam.
Ở hành vi này, Trần Văn Bình đã giữ vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh khi lập khống hợp đồng thuê mặt bằng để rút của Ngân hàng VNCB số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Tại phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) của Hà Văn Thắm, Trần Văn Bình được triệu tập với tư cách người liên quan để làm rõ hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với tư cách là Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung, Trần Văn Bình đã thực hiện ký các hợp đồng vay số tiền 500 tỷ đồng của Ngân hàng Oceanbank khi tài sản không đảm bảo cho khoản vay.
Chính vì lẽ đó, trong kết luận điều tra bổ sung đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố Trần Văn Bình tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Lần thứ ba, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung vướng lao lý khi bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong giai đoạn 2 của vụ án Phạm Công Danh làm thất thoát hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB.
Hành vi của Trần Văn Bình được cơ quan tố tụng làm rõ là liên quan thực hiện ký một loạt hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng trị giá 1.200 tỷ đồng. Công ty Trung Dung đã bán được 600 trái phiếu với tổng số tiền khoảng 600 tỷ đồng.
Mục đích phát hành trái phiếu là để huy động tiền xây dựng công trình khu căn bộ cao cấp nằm trong dự án khu phức hợp Thương mại và Dịch vụ cao tầng tại Đà Nẵng. Dự án này chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Số tiền thu được bán trái phiếu của Công ty Trung Dung, Phạm Công Danh sử dụng cho mục đích cá nhân, trả nợ và trả lương cho cán bộ nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh.
Trong quá trình tố tụng của các vụ án, Trần Văn Bình đều khai rằng, việc thành lập công ty, Bình chỉ đưa chứng minh nhân dân, còn các thủ tục khác đều do kế toán của Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện. Với vai trò là Tổng Giám đốc “hờ”, Trần Văn Bình được nhận thêm khoản lương 5 triệu đồng/tháng.
Trong hoạt động của Công ty Trung Dung, Bình không biết trụ sở công ty đóng tại đâu, ban điều hành gồm những ai. Bình cũng không điều hành bất kỳ hoạt động nào của công ty.
Khi có những giấy tờ liên quan đến Công ty Trung Dung, nhân viên kế toán tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh đưa cho Bình ký. Nội dung giấy tờ những gì, Bình không hề hay biết./.
Kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh
Đại án Phạm Công Danh: Đã thu hồi 5.000 tỉ đồng
Vì sao Phạm Công Danh bị đề nghị truy tố trong đại án Oceanbank?