Mới đây, một học sinh trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình, đã đăng tải hình ảnh chụp lại nội quy mới của nhà trường về việc sử dụng Facebook.

Trong cuốn Sổ sinh hoạt phát cho mọi học sinh của trường năm học 2015-2016 có thêm một mục mới “Những điều cần lưu ý khi lên Facebook”.

phay_buc_slof.jpg
Hình ảnh được chia sẻ trên Facebook

Cụ thể, trong mục này nêu rõ:

1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt (...). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.

3. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bảy tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.

5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.

6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook".

Một việc làm được cộng đồng mạng đánh giá tích cực, đặc biệt là những người có con em đang ở độ tuổi học sinh. Bởi thực tế, kể cả những người đã trưởng thành  nhiều khi sử dụng Facebook còn không đúng cách như đưa quá nhiều chuyện riêng tư lên mạng; chửi mắng, nói xấu, xỉ vả người khác; có khi đưa cả chuyện của cơ quan lên Facebook để bàn tán, nói xấu.

Đã có những chuyện đau lòng xảy ra trên Facebook như vụ nữ sinh ở Đồng Nai bị bạn trai tung clip ân ái lên mạng, sau đó bị cộng đồng mạng nhảy vào “ném đá” khiến nữ sinh này không thể chịu nổi áp lực đã tìm đến cái chết.

Rồi còn nhiều vụ các học sinh, thậm chí có cả nữ sinh hẹn nhau qua Facebook để đánh nhau, thanh toán nợ nần. Gần đây nhất là vụ hai cô gái ở TP HCM hẹn nhau “thanh toán” nợ nần cá nhân ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM). Sau khi bị đưa về công an phương, hai cô gái này đều tỏ ra hối hận vì “không lường trước được hậu quả vụ việc”.

Rõ ràng, mối lo về việc con em sử dụng mạng xã hội và cha mẹ không thể kiểm soát nổi là hiện hữu nhưng từ trước tới nay chỉ có gia đình nhắc nhở các em nên cẩn trọng. Mối lo lắng chủ yếu là sợ con em mình bị kẻ xấu lôi kéo, còn phần lớn cha mẹ học sinh chưa biết cách hướng dẫn con mình “sử dụng Facebook” an toàn. Mạng xã hội phát triển và các bạn trẻ yêu thích nó là xu hướng tất yếu, nhưng cha mẹ không thể cực đoan cấm con em mình tuyệt đối không sử dụng Facebook và mạng xã hội. Cũng giống như chuyện giáo dục về tình dục, giới tính cách nay chục năm. Chúng ta cứ tranh cãi chuyện quản lý con cái thật chặt hay dạy các em cách phòng, tránh, quan hệ tình dục an toàn. Dạy như vậy nhiều người lại lo “vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng đến hôm nay, nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, không thể theo sát con mình suốt ngày đêm được mà cần trang bị cho con kiến thức để bảo vệ bản thân được an toàn.

Sử dụng Facebook cũng vậy, nếu biết cư xử chừng mực trên mạng cũng là cách giao lưu, thu thập thông tin hữu ích cho cuộc sống của mỗi người. Không thể cấm các em vào FB mà cần định hướng cho các em cách sử dụng có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng./.

Phụ huynh học sinh nói gì?

Chị Phạm Thu H. (nhân viên Ngân hàng) cho biết: Con gái tôi học lớp 7 và đã sử dụng Facebook được gần 2 năm nay. Tôi luôn phải tìm cách theo dõi xem con làm gì trên mạng để nhắc nhở. Rất may, các cháu chỉ trao đổi chuyện học tập và những việc chung của lớp. Nhưng làm cha mẹ, tôi rất lo lắng vì nhà trường không có một qui định nào hay cách quản lý các con. Việc nhà trường có qui định về việc sử dụng Facebook là cần thiết, tôi rất mong cách làm này được nhân rộng. Nhà trường cần căn cứ vào thực tế cách sử dụng mạng của học sinh trong trường để hướng dẫn các em sử dụng FB đúng cách. FB là tiến bộ của khoa học công nghệ. Chúng ta không thể cấm đoán các em sử dụng được mà nên khuyến khích và có sự kiểm soát.

Chị Lê Thị M. (Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La): Tôi đã rất lo lắng khi biết con mình đang trong giờ học nhưng vẫn lên mạng “like” các status của bạn bè. Tôi có phàn nàn với cô giáo chủ nhiệm nhưng cô bảo chỉ biết nhắc nhở các em thôi chứ không biết phải làm sao cả. Nhà trường cũng nhắc nhở, cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng cách này, cách khác, các con vẫn vào được mạng, chát chít trong giờ học. Tôi mong, phía nhà trường cũng cần có qui định để quản lý các em sử dụng mạng xã hội, truy cập internet như thế nào cho phù hợp.