xuan_quynh_nafn.jpg
Nhà thơ Xuân Quỳnh bên người bạn đời - nhà thơ Lưu Quang Vũ. Ảnh tư liệu
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ nổi tiếng của thơ ca hiện đại Việt Nam. Thơ của bà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ tìm đến để viết lên những giai điệu da diết về tình yêu, cuộc sống. Thế nhưng mới đây, danh sách của những tác giả đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 lại không có tên bà. Điều này đã gây nên những tiếc nuối và bất bình trong giới chuyên môn. Không chỉ bày tỏ sự yêu mến đối với nữ thi sĩ “Thơ tình cuối mùa thu” nhiều người còn cho rằng việc xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh còn có những bất cập. Về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn với phóng viên VOV.VN.

PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông đánh giá thế nào về sự nghiệp và con người cố thi sĩ Xuân Quỳnh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:Xuân Quỷnh là một nhà thơ tên tuổi thuộc thế hệ thơ ca chống Mỹ. Tên của chị còn là niềm tự hào của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Chị ấy xứng đáng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những thành công trong sự nghiệp và những đóng góp lớn lao cho nền thi ca dân tộc. Thơ của Xuân Quỳnh không chỉ được những độc giả cùng thời với chị đón nhận mà cả những bạn trẻ sau này cũng rất yêu thích. Không nhiều tác giả có tầm ảnh hưởng lớn như thế.

 

Một điều đặc biệt nữa, thơ của Xuân Quỳnh được phổ nhạc rất nhiều. Chính thơ đã chắp cánh cho nhạc và giai điệu vang lên. Đó thực sự là vẻ đẹp trong tâm hồn người Việt về con người, tình yêu, đất nước, phụ nữ.

PV: Ông có lấy làm tiếc khi nữ thi sĩ Xuân Quỳnh không đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đây là một điều rất đáng tiếc. Tôi biết các nhà văn Việt Nam đã đồng nhất bỏ phiếu với uy tín cao nhất khi bình chọn cho nhà thơ Xuân Quỳnh ở cấp cơ sở. Hội đồng cấp Bộ cũng dành cho chị ấy với số phiếu cao nhưng khi đến Hội đồng xét duyệt cấp nhà nước thì chị ấy đã trượt.

Theo một nguồn tin riêng, trước đó nhà thơ Xuân Quỳnh đã được giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng sau đó lại không. Qua tìm hiểu, chị không được trao giải vì vướng quy chế liên quan đến việc xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, lý do chính khiến nữ nhà thơ không đạt được danh hiệu cao quý này là vì trước đó chị chưa từng nhận được giải thưởng nào của Hội Nhà văn Việt Nam hay của Ủy ban Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật toàn quốc.

PV: Theo ông vì sao một giải thưởng danh giá như thế tại sao lại có những điều đáng tiếc?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thực ra văn học hay nghệ thuật là một giá trị lớn, sức lan tỏa của chúng rất rộng nên đo được là điều rất khó. Tuy nhiên, việc tranh cãi xuất phát từ quy chế xét duyệt của giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Mấy năm gần đây, có nhiều trường hợp đã không được trao giải Hồ Chí Minh dù trước đó họ đã nhận giải thưởng Nhà nước.

Trong quy chế, những tác phẩm để xét duyệt giải thưởng Nhà nước không được đưa vào xét giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng có một thực tế là trong cuộc đời của một con người, họ sáng tác sung sức, mạnh mẽ nhất là khoảng thời gian từ năm 20 - 30 tuổi đến 50 - 60 tuổi.

Nếu chỉ lấy những tác phẩm ra đời vào giai đoạn này để xét duyệt giải Nhà nước mà không được áp dụng cho giải Hồ Chí Minh thì sẽ rất thiệt thòi cho họ. Còn khoảng thời gian sau 60 tuổi, có người có thể vẫn còn sung sức để tiếp tục sáng tạo như thế và thậm chí hay hơn. Nhưng cũng có người không thể, vì sức khỏe họ giảm sút. Đó là đoạn đời ngả về chiều, về già. Cho nên theo tôi, giải thưởng Hồ Chí Minh phải là giải thưởng dành cho toàn sự nghiệp của người đó chứ không chỉ là giải thưởng cho phần hai cuộc đời của một tác giả nào đó.

Đây đang là vấn đề bất cập trong quy chế xét duyệt của giải thưởng Hồ Chí Minh. Ở hội nghị ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về vấn đề xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi đã phản đối quy chế xét duyệt này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh. Năm nay, cả nhà thơ Xuân Quỳnh và nhà thơ Thu Bồn đều trượt giải thưởng vì vướng phải suy chế này.

Nếu tranh cãi về chuyên môn thì đó là điều bình thường. Vì những giải thưởng danh giá như Nobel cũng có kẻ khen, người chê. Nhưng với một giải thưởng danh giá mà để tranh cãi về quy chế là điều không nên. Quy chế cần được chuẩn hóa và giải thưởng Hồ Chí Minh phải là giải thưởng dành cho toàn bộ sự nghiệp của một tác giả chứ không nên phân khúc như thế.

PV: Ngoài ra còn có trường hợp nhà văn, nhà thơ nào bị trượt giải thưởng này vì lý do tương tự không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhà văn Lê Lựu cũng là một trường hợp đáng tiếc tương tự. Tác phẩm của ông rất xứng đáng, hàng triệu bạn đọc yêu quý và ảnh hưởng rất nhiều từ tác phẩm của nhà văn. Nhưng giai đoạn từ 60 tuổi trở đi ông không sáng tác được mấy và sáng tác không hay bằng trước đó nhưng khi xét duyệt giải thưởng Hồ Chí Minh, hội đồng xét duyệt cuối cùng lại chỉ lấy các tác phẩm sau này mà không lấy các tác phẩm xuất sắc trước đó của ông. Họ cho rằng những tác phẩm này đã được dùng để xét duyệt giải thưởng Nhà nước trước đó. Hay như nhà văn Bùi Hiển, một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng, cũng không được giải thưởng Hồ Chí Minh cũng xuất phát từ lý do này.

Quy chế bất cập, đã đến lúc chúng ta phải sửa sai. Hội đồng cơ sở, hội đồng cấp Bộ như Hội nhà văn, như Bộ VHTT&DL, họ đều rất hiểu chuyên môn và tầm ảnh hưởng của các tác giải vào thời đại mà họ đang sống và cả sau này. Tuy nhiên, cấp cơ sở hay cấp Bộ lại không thay đổi được quy chế. Thế cho nên mới có chuyện những nhà thơ lớn, tác giả lớn, được hàng triệu độc giả và giới chuyên môn thừa nhận tài năng, đạo đức như Xuân Quỳnh, Lê Lựu, Bùi Hiển lại phải trượt giải thường một cách vô lý.

PV:Xin cảm ơn nhà thơ./.

Trước đó, theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng thuộc Bộ VHTTDL, cố nhà thơ Xuân Quỳnh đã không có tên trong danh sách đợt xét duyệt cuối cùng của giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2016.

Trao đổi với báo chí, ông Phùng Huy Cẩn cho biết, theo dự kiến, lễ trao giải dành cho các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước sẽ được tổ chức vào sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu tới.

Trong lĩnh vực văn học có 4 tác giả được xét tặng lần này là nhà văn Nguyễn Xuân Thiều với truyện thiếu nhi “Khúc hát mở đầu” và tiểu thuyết “Huế mùa mai đỏ”; cố thi sĩ Xuân Quỳnh với tập thơ “Lời ru trên mặt đất” và tập thơ thiếu nhi “Bầu trời trong quả trứng”; nhà văn Thu Bồn với 2 tiểu thuyết “Chớp trắng” và “Vùng pháo sáng” cùng tập truyện ngắn “Dưới tro”; nhà văn Hữu Mai với hai tiểu thuyết “Đêm yên tĩnh” và “Người lữ hành lặng lẽ”.

Cố thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) là tác giả của nhiều tập thơ: Hoa dọc chiến hào, Lời ru mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát…