Những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như lẩy Kiều, tập Kiều hay trò Kiều từ lâu đã được người dân xứ Nghệ sáng tạo, gìn giữ và lan tỏa trong cộng đồng. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là trò Kiều ở Tiên Điền - quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Trò Kiều ở Tiên Điền mang đúng đặc trưng giọng điệu, ngôn ngữ và cách diễn xướng, khiến người nghe, người xem cảm nhận và hình dung về các nhân vật truyện Kiều sinh động và gần gũi hơn. 

7h30 tối, tạm gác lại những mệt mỏi sau một ngày đồng áng, những thành viên của Câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền có mặt tại nhà văn hóa thôn để tập tiếp những trích đoạn trò Kiều còn dang dở. Từ đầu năm đến nay, việc tập trò Kiều đã thành sinh hoạt thường xuyên của những diễn viên không chuyên ở thôn An Mỹ, xã Tiên Điền. 

Ông Nguyễn Đăng Thùy-Bí thư chi bộ thôn An Mỹ, xã Tiên Điền cho biết: "Nhìn thì đơn giản nhưng khi tập lại mất nhiều thời gian. Như tôi là người ở đây, xuất phát từ tiếng mẹ đẻ của trò Kiều nhưng khi vào tập vào vai diễn thì rất lâu, hàng năm trời. Nếu không biết tiếng mẹ đẻ ở đây thì khó tập, nhất là với những người ở xa tới đây làm dâu thì tập cho họ rất khó. Đợt này anh em trong câu lạc bộ cũng nhiệt huyết tập, bởi tính ham mê ăn sâu vào máu".

img_5861_mitg.jpg
Hai ông bà Nguyễn Mậu đã có công sưu tầm và biên soạn trò Kiều ở Tiên Điền.

Mặc dù được sản sinh ra ở Tiên Điền, nhưng trong những năm chiến tranh, hình thức sinh hoạt này đã bị mai một nhiều. Đến năm 2000, ông Nguyễn Mậu, tộc trưởng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền mới cất công đi khắp làng nọ xóm kia để nhặt từng câu, từng đoạn để hoàn chỉnh kịch bản trò Kiều. Cũng từ đó, không chỉ người dân Tiên Điền mà những người yêu trò Kiều ở các xã trong huyện Nghi Xuân đều chuyền tay nhau kịch bản của ông để đưa trò Kiều lên sân khấu.

"Tôi cầm quyển vở đi hỏi khắp những người từng hát. Thế rồi từ đó lan tỏa ra các xã Xuân Lĩnh, Xuân Thành, Xuân Liên cũng có. Tôi cứ viết dần, trong khi tập luyện có chỗ nào gãy thì bổ sung. Chỗ nào khó nữa tôi lại giở Truyện Kiều của cụ ra để viết. Ví dụ, cũng trong 4 câu kiệt tác Truyện Kiều tôi chuyển sang: "Nhờ cha nói hộ chàng Kim, tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi. Trăm năm hẹn ước thề bồi, keo sơn chắp nối cậy nhờ Thúy Vân"", ông Nguyễn Mậu cho biết.

Người dân nơi đây vẫn quen gọi tác phẩm này là "Tấn trò Kiều" bởi để diễn hết phải mất 2-3 đêm. Đến nay, trò Kiều được diễn ngắn gọn thành các trích đoạn, để người xem đỡ mệt mỏi. Xưa kia, diễn viên đóng vai Thúy Kiều chủ yếu là nam vì người ta thường quan niệm đã đi diễn trò Kiều, đặc biệt là những ai đảm nhận vai Thúy Kiều thường khó lấy chồng và sinh con. Sợ cái mệnh vận vào thân, người ta thường chọn diễn viên nam để đóng vai Thúy Kiều, Thúy Vân. Còn bây giờ quan niệm này đã khác, một người có thể cùng lúc đảm nhận hai vai, bởi theo chị Trần Thị Giang- người đóng vai Thúy Kiều, Thúy Vân thì tập trò Kiều đã khó nhưng tìm cho ra người phù hợp lại càng khó hơn.

Chị Giang chia sẻ: "Làn điệu thì thành thạo, đảm nhiệm được rồi nhưng có những cái cần phải có những người từng trải bày vẽ hơn nữa. Tôi cố gắng bộc lộ nội tâm của nhân vật trong đoạn mình trích diễn. Gọi là đi cho vui thôi, tập thì cứ tập những một thời gian sau không có công ăn việc làm lại phải lên đường, lại phải đi tìm người mới. Nói chung là rất khó. Khó có giọng hát, khó tìm người để tập và thay thế lớp này lớp nọ". 

Mỗi tối, các thành viên câu lạc bộ trò Kiều Tiên Điền lại ra nhà văn hóa thôn tập trò Kiều.
Trò Kiều như một món ăn tinh thần ở Tiên Điền. Không chỉ biểu diễn vào những đợt kỉ niệm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, mà còn cả trong những chương trình văn nghệ quần chúng, các ngày lễ trọng của gia tộc, của làng, xã. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Ban, trò Kiều là loại hình văn nghệ dân gian có sự pha trộn giữa tuồng và chèo, khi về đến các tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi văn hóa địa phương. Ở Nghi Xuân, trong trò Kiều có cả ca Huế, ngâm thơ nên có sự khác nhau về làn điệu, thể cách và cách thể hiện tâm lí nhân vật cũng sinh động hơn.

"Về cốt truyện thì không có gì khác nhau. Nhưng khác nhau ở cách diễn, làn điệu nên sức lan tỏa của Truyện Kiều ngày càng phong phú thêm, con người cũng rõ ràng bằng xương bằng thịt. Ví dụ như vai Tú Bà chẳng hạn, trong Truyện Kiều chỉ nói "vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề; chơi cho liễu chán hoa chê, cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời". Nhưng khi đem vào dân gian, vai Tú Bà được nâng tầm và làm cho khán giả thích thú hơn. "Em Kiều ơi dậy mà chơi xoan, kẻo hết xoan đi. Hôm qua chị nằm mê thấy ông sầm bà sét đánh người nằm không. Chị đây là gái chưa chồng. Mười đêm chị chẳng nằm không đêm nào. Một đêm năm bảy cậu vào, chị mở lòng nhân đức chẳng cậu nào ra không"", nhà nghiên cứu Nguyễn Ban nói...

Bao năm nay, người dân Tiên Điền đã quá quen với ánh đèn sân khấu, với các trích đoạn trò Kiều do chính người dân quê mình biểu diễn. Không ít cô bé, cậu bé tuy chưa đến trường cũng đã biết đến Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng cho đến Tú Bà, Mã Giám Sinh... từ những lần xem trò Kiều. Lắng nghe những câu hát nặng lòng, người ta lại mong muốn có thêm nhiều kịch bản trò Kiều khác, để thỏa lòng mong ước, rằng trò Kiều sẽ được gìn giữ và phát huy, sáng tạo và được quan tâm nhiều hơn nữa, để những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như trò Kiều mãi mãi là dòng chảy văn hóa góp phần làm sống lại những giá trị nhân văn của Truyện Kiều ./.