Chiều mồng một Tết nắng bỗng rực lên kèm theo gió nam hây hẩy. Ông Doãn nhìn trời, nhìn nắng, thầm cảm ơn đấng cao xanh đã phù hộ cho chuyến đi viếng nghĩa trang của ông thêm thuận lợi. Nghĩa trang cách làng hơn 10 cây số, nếu trời cứ mưa phùn gió bấc như buổi sáng thì việc đạp xe một quãng đường xa như thế là cả vấn đề lớn cho sức khỏe của một người thương binh gần tuổi 60.

Lúc trưa, trong bữa cơm tất niên họp mặt đại gia đình, người cháu gọi ông bằng cậu, một doanh nhân trẻ đang ăn nên làm ra, có xe Mercedes mới thửa trước tết, cứ năn nỉ được tháp tùng ông nhưng ông đã từ chối. Ông muốn đi xe đạp để tự kiểm tra sức khỏe. Và việc lên nghĩa trang tỉnh cũng là một dịp tự kiểm tra sức khỏe. Đường vắng lại thuận gió, ông Doãn đạp xe tà tà hơn một giờ thì đến nơi. Nghĩa trang trong dịp tết được sơn quét lại bằng màu trắng tinh khôi. Chiều mồng một, nghĩa trang vắng tanh, cái cổng mở toang, gió thổi làm cho các cánh cổng sắt lay lay giật giật. Người quản trang đang chúi vào xem truyền hình, không biết có khách đến. Là người cẩn thận, ông Doãn vào trình giấy tờ và lì xì mừng tuổi người quản trang trước khi đến ngôi mộ cần viếng.

Đó là ngôi mộ đánh số 345 trên tấm bia đá được xây bọc ba mặt có khắc các dòng chữ: Liệt sỹ Hoàng Thị An. Sinh 1955. Hy sinh ngày 28/8/1972. Quê quán... Ông Doãn bái mộ ba bái rồi ngồi xuống mở cặp, lấy ra đồ lễ đặt lên cái khay nhôm. Đồ lễ gồm có: Vàng mã, ba bắp ngô nướng, một cái gương và một chiếc lược sừng màu nâu đen khá lớn. Thành kính sắp đồ lễ xong, ông Doãn thắp hương chụm hai tay vào khấn rõ thành lời:

“Hôm nay là mồng một tết! Chị Hoàng Thị An ơi, em là Doãn, Lê Văn Doãn đây chị ạ. Em về quê ăn tết, em lên thắp hương cho chị. Chị thứ lỗi cho em, hơn 40 năm, giờ em mới tìm được cho chị một chiếc lược vừa ý. Chiếc lược này chắc chắn sẽ chải suôn gọn được mái tóc dày của chị và không làm đứt sợi nào đâu chị ạ. Chị khôn thiêng về nhận lĩnh. Chị An ơi, em là Doãn, Lê Văn Doãn, người cùng làng Bùi với chị! Chị về nhận lĩnh, chị An nhé! Em lạy chị, lạy hương hồn chị!”.

Khấn xong, ông Doãn bái tiếp ba bái rồi cắm năm thẻ hương lên mộ chị An. Sau đó ông đi cắm vào các mộ xung quanh. Hương hết, ông đốt thêm bó khác, cắm đủ 60 ngôi mộ toàn là nữ liệt sỹ trẻ sinh vào các năm 1954, 1955, 1956 và cùng hy sinh ngày 28/8/1972.

Trở lại chỗ ngôi mộ chị An, ông Doãn vẫn trong tâm trạng xúc động, ông cầm chiếc lược, để nó sang bên phải khay đựng đồ lễ. Từ năm cây nhang, mấy nhành khói mảnh mai bay lên nhẹ tênh. Ông Doãn nhìn đau đáu vào chỗ khói hương, mắt ông nhòa lệ.

truyen1.jpg

Chị An ngày xưa đẹp nổi tiếng trong huyện. Hồi đó, người ta chưa quen dùng các từ hoa khôi, hoa hậu, người đẹp, mỹ nhân. Người làng Bùi cứ thấy chị An là nắc nỏm khen: “Con bé này kháu gái thật!” hoặc “Ngọc Nữ, công chúa ở đâu sa vào nhà mày mà mày xinh gái thế, hả cháu? “Mày ăn được của ngọc thực ở đâu, uống được nước tiên,nước thánh ở đâu vậy ?..” Nghe lời người làng khen, chị An chỉ cười tươi nói: “Cháu là con mẹ Xoan. Cháu chỉ ăn ngô sông Cái, uống nước giếng làng Bùi ta thôi ạ”. ở trường cấp 3 Quang Sơn II, nơi chị An học, có ai đó đã đặt ca dao về: “Trường I thì có cô Bàn/ Trường II, đích thị cô An làng Bùi / Hai cô cộng lại chia đôi / Cô An làng Bùi chiếm bảy phần ba”.

Quanh sắc đẹp của chị An còn có một giai thoại nhuốm màu bi kịch tâm linh. Đồn rằng, chị An là vong hồn tái sinh của bà Cúc, một người chị họ của bà Xoan, mẹ chị An. Ngày còn sống, bà Cúc xinh đẹp và đức hạnh nổi tiếng hàng xứ. Mới 15 tuổi, bà Cúc đã được làng chọn ngồi ngôi tướng trong bàn cờ người của làng giao đấu với làng bên. Đầu năm, làng tế thành hoàng, bao giờ bà Cúc cũng được mời đội mâm cỗ xôi gà từ nhà tín chủ đến trước hiên đình để ông chủ tế rước tiếp vào hậu tẩm thờ ngài. Làng cứ ngẩn ngơ tiếc cho bà, nếu ông vua đương thời mà lập ba cung sáu viện như các vua trước, thế nào bà Cúc cũng được dâng tiến để làm hoàng hậu, quý phi.

Xinh đẹp là vậy nhưng bà Cúc lại suýt bị rơi vào tay một gã trọc phú vô sinh giàu có vào loại phú gia địch quốc. Bà Cúc bị ông thân sinh gán vào cửa nhà trọc phú này để thế một món nợ thua bạc không thể trả được. Phẫn chí, nát lòng, bà Cúc đã buộc cổ tử tận. Nhà nghèo, lại đang cơn gia họa kép, thi hài bà không có được một cỗ ván tạp để chôn mà chỉ kẹp bằng hai cái giát giường ngắn cũn. Người bà cao, tóc bà dài nên mái tóc dày đen nhánh và gương mặt xinh đẹp của bà thò hẳn ra khỏi mép hai cái giát giuờng, mái tóc dài sổ xuống đất, quét trên đường làng. Thường thì người chết do thắt cổ, mặt mũi đều bị phù nề tím ngắt nhưng lạ thay vẻ mặt bà Cúc vẫn tươi tỉnh như lúc sống, cái miệng bà khẽ mím, như đang nuôi giữ một nụ cười e ấp. Trẻ con nghịch ngợm chạy theo, giẫm lên tóc khiến cái đầu bà ngật ra, mắt như bằng mở. Lũ trẻ khiếp hãi bỏ chạy tán loạn, bà Xoan phải xin mấy người đô tùy đưa thi hài bà Cúc lại gốc duối cổ thụ ở ngã ba, cạnh giếng làng. Bà múc nước, gội mái tóc, vắt khô quấn lại cho bà Cúc. Tối hôm đó, đom đóm kéo về gốc duối lập lòe sáng rực cả lên. Từ bấy, người qua, kẻ lại hay thắp hương cắm xung quanh gốc duối. Rồi một buổi sáng cả làng ngạc nhiên vì thấy bên cạnh gốc duối có một ngôi miếu nhỏ xây toàn bằng đá và lợp ngói mũi hài. Trong lòng miếu vừa vặn đặt một bát hương lớn cũng bằng đá. Làng Bùi lại thêm một phen đồn đãi. Người nói, đó là ông trọc phú vô sinh lập miếu thờ bà Cúc để tránh bị báo oán; người thì bảo, miếu này do một người trai trẻ ở làng Yên Cát thầm yêu và ngưỡng phục tài hạnh của bà Cúc mà lập nên...

Bà Xoan lấy chồng sớm, bà sinh một mạch năm người con trai. Chị An là con thứ 6 trong gia đình. Lúc chị vừa lọt lòng đã là một bé gái má hồng môi son, tóc mây, mắt phượng, mày tầm. Bà mụ đỡ cho chị nói với bà Xoan: “Con bé này lớn lên rồi phải biết!” Chị An đã xinh từ bé, càng lớn càng đẹp rực rỡ mãi ra. Chị lại có giọng hát hay, tính chị cởi mở dễ hòa đồng, nói năng lưu loát và mạnh dạn trước chỗ đông người.

Mười sáu tuổi, đang học lớp 8 trường huyện, chị An đã trở thành một trang thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp và đã khiến một thầy giáo trẻ dạy văn có năng khiếu làm thơ phải bị ép chuyển đi miền núi tận sát biên giới Việt – Lào. Đó là lần trường có hội diễn văn nghệ. Chị An biểu diễn tiết mục múa nón mời trầu. Tiết mục của chị khiến khán giả vỗ tay yêu cầu diễn lại đến lần thứ ba. Chị An xuất hiện trên sâu khấu đẹp như một nàng tiên giáng thế. Chị đội nón thượng quai thao, hai tay chị đung đưa những động tác mời trầu điêu luyện và thành tâm. ấn tượng về tiết mục của chị An, thầy giáo dạy văn làm bài thơ đăng trên báo tỉnh. Bài thơ chỉ có 6 câu: “Là em hay nét văn hoa / Từ trong câu hát bước ra mời trầu / Ô kìa, dưới nón quai thao / Một đôi lúng liếng như sao trên trời / Đường đời, mới mấy bước thôi/ Đến đây bỗng gặp một trời líu lăng”. Có kẻ trong bóng tối mang tờ báo đăng bài thơ đó đến mách lẻo với ông hiệu trưởng. Thầy giáo dạy văn bị ông gọi lên. Ông phê bình thầy tơi bời. Nào là tình cảm uỷ mị tiểu tư sản, nào là dùng ngôn từ luyến ái sống sượng gợi tình ba lăng nhăng. Một trời líu lăng là cái gì? Một đôi lúng liếng là cái gì? Có phải là thứ tình cảm sa đoạ và mơi mớn đối với nữ sinh mới lớn không? Thầy giáo dạy văn mặc cho ông hiệu trưởng đay đả suốt hơn tiếng đồng hồ rồi thầy mới nói, trước cái đẹp, thầy làm thơ cho đời chiêm ngưỡng chứ không làm cho mình,thầy không nêu tên chị An, thầy cũng không đề tặng chị An... Ông hiệu trưởng dẹp lời thầy bằng một câu hạ lệnh cộc lốc: “Tôi không có thời gian đôi co với cậu. Cậu về làm giải trình ngay. Chú ý làm cho rõ bốn chữ  một trời líu lăng! Nếu cậu không thành khẩn thì đừng trách tập thể thiếu tình đồng nghiệp”. Nghe nói, sau đó thầy giáo dạy văn có làm giải trình nhưng rồi thầy vẫn bị chuyển đến một vùng miền núi xa lắc.

Sau chuyện thầy giáo dạy văn phải chuyển đi miền núi, chị An liền bị thêu dệt nhiều chuyện thị phi. Nhưng người làng Bùi không thấy chị có sự mờ ám nào. Chị vẫn học hành tấn tới. Đi học về là ra bãi sông Mã thả trâu, cắt cỏ. Tối, ở nhà giúp mẹ xay thóc giã gạo rồi học bài, cấm có đi đâu buổi tối một mình. Người ta lại rỗi hơi chuyển chuyện thi phi ra hướng khác. Nói rằng, chị là hạng yêu nữ. Kẻ nào dính dáng vào thì chỉ có nước thân bại danh liệt. Thầy giáo dạy văn mới làm có 6 câu thơ mà bị đày đi miền núi, chứ nếu mà sâu sắc thêm tí nữa chắc toi mạng rồi

Bị chuyện thị phi là vậy nhưng tối tối chị An đến khổ vì nhiều trai trong làng và cả các làng khác cứ dập dìu kéo đến nhà chị. Kẻ thì xắn tay làm việc vặt, kẻ tào lao kể chuyện ba toác, kẻ cãi lộn ra vẻ ta đây... Rồi sau đó là đánh nhau ngoài đường, sứt đầu mẻ trán. Chị An bỏ ngoài tai tất cả. Chị một mực ngồi lì trong nhà học bài. Bà Xoan có lúc thấy phiền hà, suốt ruột lựa lời hỏi con gái: “Mày ưng đứa nào thì bảo nó đưa người lớn đến hỏi đi?” Chị An cười tươi: “Mẹ ơi, con còn trẻ con, con đang đi học mà”. “Trẻ con gì nữa? Lớn như cái sào rồi. Bằng tuổi mày, mẹ đã có anh cả mày rồi đấy”. “Mẹ ơi, con chỉ học thôi. 30 tuổi con mới lấy chồng”. Bà Xoan thở dài: “Ba mươi tuổi còn lấy ai? Khéo rồi thành bà cô mất!”.

Chị An có một ham thích đến mê ly là xem phim. Chị không hề bỏ một buổi phim nào do đội chiếu bóng lưu động của huyện về chiếu ở sân đình. Thích lắm nhưng chị không dám vào sân đình vì nếu chị có mặt ở đó là bọn con trai và có cả những gã đã có vợ con cứ quây lấy chị như bầy ong thợ vo ve quanh ong chúa. Rất phiền! Thành thử chị phải tìm chỗ xem riêng rất kín đáo.

Cậu bé Doãn quen thân với chị An trong một lần cậu phát hiện ra chỗ xem riêng của chị An. Hôm đó, trong sân đình chiếu bộ phim Nàng tiên cá. Doãn đang chạy vội vào sân đình thì chợt thấy phía sau miếu bà Cúc ở gốc duối già có một bóng người ngồi im phắc, mắt dõi vào phía sân đình xem phim như hút. Doãn nhận ra bóng người đó là chị An. Doãn hỏi chị, sao không vào trong đó xem cho rõ, chị nói, chị ngại. Hỏi ngại gì, thì chị không trả lời và tiếp tục chăm chú xem phim.

Những ngày sau Doãn mới biết, có lần chị An đã bị bọn đàn ông vây quanh, sờ mó sàm sỡ thô bạo. Họ cấu véo vào người chị đến cả tháng sau vết thâm tím vẫn chưa lặn. Nghe thế, Doãn nảy ra ý định sẽ là người bảo vệ chị An. Cậu tuy thua chị hai tuổi nhưng cậu có dáng vóc khỏe mạnh, cao 1m 75, nặng hơn 60 cân, người nở nang chững chạc. Cậu gặp chị An nói thẳng nguyện vọng của mình. Chị An cười tươi xoa mái tóc dày, cứng như rễ tre của Doãn bảo rằng, chị đã có cách tự vệ và chị cũng rất thích có một người bạn như Doãn.

Năm chị An lên lớp 10 (hệ phổ thông 10 năm trước đây) Doãn được vào học lớp 8 trường cấp 3 của chị. Sáng sáng, Doãn đến rủ chị đi học, trưa về hai chị em chờ nhau, đạp về nhà. Một số kẻ tức lắm nhưng trông thấy Doãn là gã trai to con, tính lại lầm lì, mắt nhìn như có lửa nên họ đều ngán. Họ chỉ còn mỗi nước đặt chuyện tào lao vu vạ. Nhưng mấy cái chuyện nói xấu thô thiển và vô căn cứ cứ luôn nhanh chóng thành tầm phào, gió thoảng.

Rồi một người đàn ông xuất hiện, len vào cuộc đời đang tuổi nữ sinh lớp 10 của chị An xinh đẹp. Anh có họ tên là Mã Xoảng, em trai ông chủ tịch xã Mã Đình Xủng. Anh ở nước ngoài về. Cụ thể là nước Ba Lan, anh đi chiếc bình bịch to đùng mang tên Tuyệt đỉnh (Verkhoshina) màu đỏ hung, có các cụm đèn trước, đèn sau nhấp nháy xanh đỏ như xe cảnh sát. Anh mặc quần len màu xanh đen, đi giày da  đế cao, choàng chiếc áo khoác da màu đen bóng. Đầu anh đội mũ quả dưa bằng dạ nâu, hai bên cổ tay là hai cái bao da có đính nhiều chiếc khuy màu đồng sáng bửng. Mắt anh lận đội kính mát tráng thủy ngân. Với làng quê nghèo nàn và đang chiến tranh như hồi đầu 1970 thì anh Mã Xoảng là đại... đại gia của ngày hôm nay.

Anh Mã Xoảng giàu có và thế lực nhưng người ngợm và dung mạo anh không đẹp. Trong tứ quái dị của nhân thế, anh chiếm đủ cả bốn: lé, lùn, mun, rỗ. Anh cao chưa đầy 1m50, mắt hiếng đến nỗi anh nhìn đĩa rau nhưng lại gắp vào đĩa thịt. Da anh mun mun màu than nâu, ở cái mũi củ tỏi có năm sáu vết rỗ chúm miệng vào nhau. Anh kể, thầy tướng người Ba Lan thoạt nhìn thấy anh đã phán, anh có tướng mạo ăn người, bản mệnh thuộc cung hội thủy (nước cứ tự chảy về ), tương lai luôn bất chiến tự nhiên thành (không vất vả mà luôn thành công). Ngẫm lại cuộc đời ngót nghét ba mươi tuổi của mình, anh thấy các lời phán trên đều trúng phóc. Năm 66, 67 (1966 - 1967) chiến tranh cực kỳ ác liệt, thanh niên đi bộ đội quang cả làng, nhờ có tý lé nên anh thoát. Lại có ông anh làm chủ tịch xã nên anh được đi công nhân kỹ thuật ở Ba Lan. Dạo đó, chả ai phân biệt, công nhân kỹ thuật, đại học hay nghiên cứu sinh, tiến sỹ gì. Chỉ thấy được đi nước ngoài, ăn bơ ăn sữa, lúc về có xe đua, áo bay, bình bịch mô tô là oai oách rồi. Đến Ba Lan, thấy anh nhỏ con lại nhanh nhẹn, hay cười nên ông đốc công sử dụng anh làm cần vụ. Ngày ngày, anh lo dọn dẹp vệ sinh phòng ốc, đun nước, lấy cơm cho ông. Thứ bảy, chủ nhật anh theo gia đình ông ra đacha (nhà vườn) hái rau quả sạch và tắm nắng. Làm công việc này nhẹ nhàng gấp trăm lần phải vào nhà máy đi mài vòng bi xe tăng mà lương lại cao gấp đôi so với anh em đồng nghiệp người Việt. Chiếc Verkhoshina (Tuyệt đỉnh) anh sắm được cũng là do ông đốc công môi giới giúp mua lại từ một chuyên gia người Nga làm việc trong nhà máy vòng bi. Cái bình bịch mà dân Việt nói trại ra là Vác-khổ-về-nhà này tuy ngốn xăng như uống nước lã nhưng được cái nó nổ giòn, êm ru, phi 100 cây số/ giờ mà kim đồng hồ vẫn ở bên này của bảng tốc độ.

Có anh Mã Xoảng đến đặt vấn đề, bà mẹ chị An mừng lắm. Bà mừng nhất là anh Mã Xoảng sẽ không phải đi bộ đội. Bà đã có 5 con trai tại ngũ và đi thanh niên xung phong nên bà muốn cô con gái út của bà có nơi chốn thật an toàn, để tìm chỗ dựa về sau. Giặc giã, loạn lạc cứ ầm ầm suốt ngày, biết đâu mà lường được rủi ro, hoạn nạn. Thêm nữa, nhà anh Mã Xoảng có ông anh làm chủ tịch, thế lực nhất trong làng, anh Mã Xoảng ở nước ngoài về giàu có, cuộc đời đứa con gái xinh đẹp khiến nhiều người nhìn ngó của bà sẽ được bảo trọng và có cơ bản. Bà Xoan càng mừng rỡ phấn chấn bao nhiêu thì chị An càng chán chường, chê bai anh Mã Xoảng bấy nhiêu. Chị không chê anh xấu trai mà chỉ nói anh khoe mẽ, hãnh tiến, nhiều tuổi. Chị gọi anh là chú. Mỗi khi anh đến nhà, chị đón anh trước hiên, nói rõ sự phản kháng của mình: “Chú già rồi, ai lấy chú mà chú đến nhà cháu?”. Nghe lời có vẻ đốp chát xách mé của chị An, anh Mã Xoảng chỉ cười tươi nhìn chị đắm đuối thiết tha. Không tiếp cận được với chị, anh trò chuyện thân tình gợi mở lòng thương của bà Xoan, chăm sóc biếu xén quà cáp cho bà như một người con trai ruột hiếu thảo. Mặc kệ! Chị An vẫn chỉ nói một câu với anh: “Chú già rồi! Ai lấy chú mà chú đến nhà cháu!”.

Ông chủ tịch xã Mã Đình Xủng, anh ruột của anh Mã Xoảng nghe chuyện tình đang bế tắc của người em trai liền nổi đoá lên. Ông không ngờ cái con yêu tinh đầy tai tiếng này lại dám từ chối một người đi nước ngoài về, oai oách có cỡ, tiền của xe cộ đầy mình. Ông nói với anh Mã Xoảng để ông ra tay. Làng này năm bè, bảy mối liên minh,móc ngoặc chống lại ông cả mấy năm trời, ông còn biết san họ ra như san đàn vịt và cắt tiết canh từng lũ thì cái con bé đang học lớp 10 có là đinh mọt gì. Ông Mã Đình Xủng thẳng thắn nói với em trai về lai lịch trích ngang đầy chất yêu nữ của chị An. Nghe xong, anh Mã Xoảng bình thản nói, anh không quan tâm đến quá khứ thị phi của chị. Anh chỉ tính từ ngày anh đến đặt vấn đề với chị An mà thôi. Ông chủ tịch lại nói, nếu anh Mã Xoảng quyết chí với đám chị An, ông sẽ có cách. Cả hai phương kế ông Mã Đình Xủng đưa ra, anh Mã Xoảng đều gạt đi ngay. Anh bảo, việc anh để anh lo. Anh còn tranh thủ lên lớp cho ông anh ruột đang quyền nhất xã rằng, đời người đâu có dễ được gặp tiên. Chị An là tiên sa giữa trần thế của làng Bùi. Anh ở Ba Lan là xứ sở của gái đẹp nhưng anh chưa thấy ai đẹp như chị An. Đối với người  đẹp chỉ có một con đường duy nhất, ngắn nhất để đến gần, là sự dấn mình và ứng xử trân trọng tử tế. Anh còn thề, kiếp này mà không lấy được chị An, anh chỉ còn nước đi tu hoặc từ tận. Đêm đến, anh Mã Xoảng thường ra miếu bà Cúc ở gốc cây duối cổ thụ dâng hương, khẩu cầu sự linh ứng giúp đỡ.

Đang trong lúc anh Mã Xoảng tung hết chưởng lực dấn mình và trân trọng tử tế ra để chinh phục chị An thì ở làng Bùi xảy ra một tin đồn trời gầm, sấm vang, chớp giật. Đó là dân quân bắt được chị An và Doãn hủ hoá trong bãi ngô bên bờ sông Mã.

Chuyện xảy ra vào một buổi cuối trưa sang chiều đầu tháng ba. Bữa ấy gió nồm thổi hây hẩy. Tháng ba, nước sông Mã trong xanh như lọc. Bãi ngô ven sông rào rạt mướt xanh bởi những đợt sóng lá bềnh bồng vô tận. Chị An và Doãn đi học về trên đường đê. Gió thổi mạnh, chị An bỏ cái nón ra đeo vào tay lái. Mái tóc của chị được buộc túm sau gáy thả dài đến tận foocbaga. Chị An phải dừng xe cuộn nó thành như quả bưởi phía sau. Bỗng chị nhìn ra hướng sông ,đột ngột rủ Doãn: “Chị em mình bơi sông Cái đi, Doãn ơi! Chị rất muốn bơi kiểu nàng tiên cá như hôm qua trong phim ấy”. Doãn nói ,sợ chị đói bụng, chị khoe chị có mấy bắp ngô nướng và mấy quả ổi đào. Doãn hăng hái đồng tình cùng bơi sông với chị An. Hai chị em dựng xe vào bãi ngô. Chị bảo Doãn: “Cậu là con trai cứ cởi quần dài ra mà bơi cho thỏai mái”. Chị nói và để cả quần áo lội xuống sông. Chị An ngoảnh lại thấy Doãn đã cởi hết quần áo dài ,cậu mặc chiếc quần đùi ống lửng đến tận đầu gối. Cậu có thân thể nở nang, cường tráng. Chị An khen: “Doãn sau này đi bộ đội thì không pháo binh cũng phi công”. Doãn thích thú cùng chị An lao ra sông. Chị An bơi nhanh và làm động tác hệt như nàng tiên cá trong phim. Người chị mềm mại, uốn lượn dẻo oặt trong màn nước trong suốt như kính, thật chẳng khác như nàng tiên cá. Cứ bơi được một đoạn xa chị lại dừng và đứng thẳng người lên, tay vẫy, miệng nở cười đợi Doãn. Là lần đầu bơi vượt sông Mã nên Doãn chưa có kinh nghiệm, cậu phí sức lúc đầu, khi bơi ra quá giữa sông cậu thấy oải, và nhìn trước nhìn sau, bên phải bên trái đều chỉ thấy nước mênh mang như biển. Gió thổi mạnh, có vài chấm sóng bạc đầu đã nổi, ực vào mũi Doãn. Là vậy nhưng Doãn vẫn cố để chị An khỏi cười mũi cho đấng nam nhi. Ngay lúc đó, trên trời có đàn mồng két hối hả bay về, kêu táo tác như loạn trên không. Chị An vội bảo Doãn:

- Quay vào thôi Doãn ơi! Động trời đấy! Mồng két đột ngột bay về thế này là động trời rồi.

Doãn cố làm ra dáng đứng thẳng như chị An, nhưng giọng nói thì ngạt hơi nước:

- Đang nắng mà chị!

Chị An lắc đầu:

- Chị kinh nghiệm lắm! Không vào, sang bên kia, gió bấc thổi lên thì gay! Vào đi! Vào thôi!

Nói rồi, chị An bơi quay lại. Doãn vội bơi theo chị. Cũng như lúc trước thỉnh thoảng chị An đứng lại, nhoẻn cười vẫy tay đợi Doãn.

Chị An nói thật nghiệm. Hai chị em vừa lên bờ, chị còn đang giũ nước trên tóc ướt thì trời sậm lại. Gió bấc ầm ầm thổi về. Mặt sông nổi lên trùng điệp các chỏm sóng bạc đầu. Doãn thấy ớn lạnh, chị An giục Doãn đi thay quần áo khô. Doãn vội nói, cậu muốn nhường cái áo khô cho chị khoác. Chị bảo, con gái chịu rét giỏi hơn con trai. Chị đã nhiều lần bơi sông, lên bờ một lúc, quần áo tự khô là về nhà được. Doãn hiến kế đốt một đống lửa. Chị An thuận ngay. Sẵn những thân ngô từ vụ trước còn lại, chỉ một nhoáng đống lửa đã bùng lên. Chị An lấy mấy bắp ngô và chùm ổi ra đưa cho Doãn. Doãn bày lên mặt cặp sách. Chị An dùng những ngón tay chải mái tóc dài và đầy cả nẹn tay của chị. Gương mặt chị hồng hào từ hơi ấm của lửa.

Doãn lấy cái áo sơ mi đưa cho chị An, năn nỉ:

- Chị chải tóc rồi đi thay cái áo khô của em vào không cảm lạnh đấy.

Chị An lắc đầu:

- Ai lại mặc đồ con trai. Cậu cứ tự nhiên đi. Người chị có lửa sẵn, tí tẹo nữa là quần áo khô hết thôi. À, cậu đói thì ăn ngô đi!

Chị An nói và đưa một bắp ngô nướng cho Doãn.

Doãn cầm ăn ngon lành. Gió bấc thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Doãn có ý ngồi chắn gió cho chị An. Chị giục cậu mặc áo vào, cậu nói lời chia sẻ, rằng cậu chịu rét chung với chị. Hai chị em ăn ngô nướng và rúc rích cười bên đống lửa.

Hai dân quân mang súng xuất hiện đột ngột như mọc từ dưới đất lên. Một người quát:

- Ngồi im! Bắt được quả tang trai trên gái dưới hủ hóa nhé! Cấm cãi!

Chị An và Doãn giật nảy mình nhưng rồi chị bình thản nói:

- Anh đừng nói năng kiểu hồ đồ như vậy. Chúng em chỉ ngồi sưởi và đang ăn ngô thôi.

Người dân quân thứ hai mắng át đi:

- Ăn uống gì! Thằng cu Doãn này cởi trần nồng nộng. Còn cô thì đầu tóc tã tượi. Vừa hành sự xong đúng không?

Doãn đứng bật dậy:

- Anh là dân quân mà ăn nói bậy hạ! Chị em chúng em vừa mới bơi sông xong, gặp gió bấc rét phải sưởi khô quần áo mới về nhà được.

Người dân quân thứ nhất:

- Đấy là còn chưa kể đốt lửa để nhử máy bay đến triệt hại làng này. Tội đơn, tội kép, dong hai đứa về uỷ ban xử lý.

Chị An:

- Anh ơi, chúng em đốt lửa ở đây có gió, không bị khói. Em thấy các bác thuyền chài vẫn lên bãi sông đốt lửa mà.

Người dân quân nhếch mép cười và y nhìn chõ vào thân thể chị An trong bộ quần áo ướt bó sát người, mắt y nháy nháy rất đểu. Doãn vội lấy cái áo sơ mi của mình choàng vào phía trước chị An. Người dân quân thứ hai nói một câu đểu giả:

- Cậu xơi chán rồi, để các anh cậu còn no con mắt tý ti chứ!

 Doãn khinh bỉ nói gã:

- Anh đừng ăn nói kiểu con lợn ấy đi! Anh lớn người mà tâm địa xấu lắm.

Gã dân quân bị Doãn mắng, cáu lên:

- Mẹ kiếp, thằng oắt con này láo, ông cho mày một phát vỡ mồm bây giờ.

Nói rồi gã chĩa súng vào Doãn.

Vẫn thái độ khinh bỉ, Doãn nhanh tay dựng ngược lòng súng của gã lên trời. Gã bấm cò súng, chỉ nghe một tiếng tách khô khan. Doãn đẩy mạnh tay, gã bị ngã bổ toái loái về phía sau.

Gã dân quân thứ hai dí súng vào người chị An:

- Chỉ cần bắt con này là ổn.

Doãn nhảy bổ ngay đến, cậu cũng dùng động tác hệt như vừa rồi, gã này cũng ngã bật về phía sau. Cậu đứng chắn trước mặt chị An, rành rọt nói với hai gã dân quân:

- Chị An là chị tôi. Chúng tôi không làm điều gì bậy bạ. Hai anh mà đụng vào chị tôi thì đừng có trách.

Hai gã dân quân trông vẻ cao lớn ngang tàng của Doãn thì căm mặt hại. Một gã rít lên:

- Sư mày, hôm nay mà có đạn thì tao cho mày toi mấy kiếp. Chúng mày liệu hồn. Rồi ông chủ tịch sẽ cho biết tay!

Hai gã hằm hằm bỏ đi.

Họ đi rồi, chị An đâm lo hỏi Doãn:

- Em có ngại không, Doãn? Chị thương em quá!

Doãn:

- Chị ơi, lũ người xấu ấy chả có gì phải sợ. Chị yên tâm, dù thế nào em cũng sẽ bảo vệ chị suốt đời.

Chị An lại nở nụ cười tươi như vẻ đẹp hồn hậu cố hữu của chị, chị hỏi lại Doãn:

- Suốt đời?

Doãn khẳng định:

- Vâng, suốt đời ạ!

Doãn và chị An về đến làng thì tiếng đồn hủ hóa của họ đã ầm cả lên rồi.

Bà mẹ Doãn vừa khóc, vừa năn nỉ hỏi con trai về sự tình. Doãn kể lại đầy đủ chuyện đã xảy ra. Bà mẹ nghe xong, nhìn Doãn dò hỏi:

- Này Doãn, mẹ đẻ ra con nên mẹ tin con. Nhưng mà mẹ hỏi thật, mày có ý tứ với cái An không? Nếu đã ý tứ thì để mẹ nói chuyện với bác Xoan cho rõ ràng. Trai gái mà cứ ríu rít với nhau không che được miệng làng xóm đâu con ạ.

Doãn sững người ra. Cậu vội ôm lấy vai mẹ, đầu lắc lia lịa:

- Mẹ ơi, chị An là chị con. Chúng con đang là học sinh. Con chỉ làm mọi thứ để bảo vệ chị An thôi.

Bà mẹ:

- Mày ít tuổi nhưng lớn vóc. Cứ để mẹ hỏi bác Xoan cho có sở có mỗ rồi để đấy. Chờ mày có cái tốt nghiệp 10 thì cưới có sao đâu. Kháu gái, đảm tính  như cái An là hiếm  lắm đấy. Mẹ cũng rất quý nó.

Doãn càng cư nự:

- Con nói rồi. Chúng con là chị em. Mẹ nói vậy chúng con khó chơi thân với nhau đấy. Con xin mẹ.

Bà mẹ:

- Mẹ chỉ toàn nói cái tốt thôi. Mày không nghe mẹ, cá không ăn muối là cá ươn cả đấy.

Bên nhà chị An thì hoàn toàn khác. Bà Xoan sau khi tra khảo đứa con gái yêu thật kỹ lưỡng thì liền đi gặp hai dân quân. Họ chối quanh chối co nhưng không lại với lý lẽ kín nhẽ của bà. Thái độ của bà rất quyết liệt, bà đưa họ đến chỗ những người được họ rỉ tai, đối chứng. Họ bí, phải khai ra đó là nhiệm vụ kín, được giao theo ngành dọc của ông chủ tịch Mã Đình Xủng. Ông Xủng tránh gặp bà Xoan, lấy cớ có cuộc họp quan trọng.

Anh Mã Xoảng điên tiết nổi xung lên với ông anh Mã Đình Xủng. Anh trách ông ta là người thiển cận thô bạo, vô mưu, vô đạo đức. Anh bảo, nếu chuyện đó xảy ra ở nước Ba Lan thì ông Xủng sẽ phạm bốn tội: Dùng bộ máy cai trị để thực thi âm mưu của mình, sử dụng súng trái phép, lăng mạ nhân phẩm phụ nữ, đặt điều vu cáo công dân. Chừng ấy tội, ông có thể bị 30 đến 40 năm tù. Ông Xủng nghe xong, rân rấn nước mắt nói với người em trai giàu có: “Tôi làm tất cả là vì chú thôi. Thấy chú thích nó mà nó cứ ngãng ra, tôi phải phủ đầu vài đòn để nó hoảng sợ mà nhận lời chú...”. Anh Mã Xoảng hét lên ngắt lời ông anh trai: “Không mọi rợ thế được!”.

Anh Mã Xoảng đem tất cả chuyện đó nói với chị An. Chị An nhuần lại, chị không hắt hủi anh như lúc đầu nhưng anh chỉ nhận được chút kính trọng của chị còn tình yêu thì không.

Đau đớn vì thất tình nhưng rồi hơn hai tháng sau anh Mã Xoảng cũng cưới được vợ, người trên tỉnh. Chị này dáng người mảnh mai cao ráo, cũng thuộc dạng người đẹp nhưng không có được nét mỹ nhân và mái tóc dày đen nhức như mun, dài như dải mây của chị An. Anh Mã Xoảng đưa chị vợ đến chào bà Xoan. Chị vợ anh Mã Xoảng nhìn thấy chị An cứ tấm tắc khen mãi. Chị bảo, chị chưa bao giờ thấy ai đẹp và vẻ thiện nhân như chị An. Chị còn gợi ý, chị quen nhiều ông đạo diễn điện ảnh ngoài Hà Nội, nếu chị An thuận, chị sẽ giới thiệu để các nhà đạo diễn mời chị An đóng phim. Chị An cảm ơn và nói: “Em chỉ thích đi học!”. Bà mẹ chị An thấy vợ chồng anh Mã Xoảng ríu tít trong hạnh phúc, cứ nắc nỏm tiếc cho chị An. Bà nói lời trách móc chị An, chị chỉ ôm mẹ và cười trừ.

Mùa hè năm ấy, chị An là một trong mười hai học sinh tiêu biểu của khối 10 trong tỉnh được ra trường đại học Bách khoa Hà Nội thi năng khiếu để chọn đi học nước ngoài. Ông Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp đến tận phòng thi đọc đề. Chị An kể chị đi tàu ra ga Hàng Cỏ rồi đi bộ đến trường Bách khoa chứ không dám lên tàu điện vì sợ nó chạy quá. Thi xong, chị lại đi bộ ra ga lên tàu về quê luôn. Chị không dám vào phố, lo bị lạc và nhỡ tàu.

Để mừng chị đi thi đại học, Doãn làm tặng chị một chiếc lược bằng đuyara từ xác tàu bay Mỹ. Cậu kỳ cạch cưa răng, tạo dáng, mài dũa suốt cả đợt chị An đi thi vắng nhà. Đến lúc chị về, cậu đem làm quà tặng chị. Chị vui lắm, mắt chị ánh lên vẻ thích, chị chải ngay mái tóc dày và cứ luôn miệng khen. Nhưng Doãn quan sát thấy có vài sợi bị đứt. Doãn xin chị cho đem lược về mài chuốt lại. Lần sau Doãn hỏi xem chị xem có còn bị đứt tóc không, chị chỉ cười. Cậu hiểu là cái lược vẫn còn làm đứt tóc, vẫn chưa được như ý.

Sau kỳ thi ít lâu, số học sinh trong tỉnh, người đi nước ngoài, người vào trường điểm, riêng chị An thì không hề nhận được tin tức gì. Chị cứ muốn đi hỏi nhưng lại sợ ngượng, biết đâu chị đã bị hỏng thi.

Chờ mãi không thấy báo kết quả thi đại học, nhân có kỳ tuyển sinh lớp 7+3, đào tạo giáo viên cấp II. Chị An đi tuyển và đỗ đầu. Được đi học làm cô giáo chị thích lắm. Doãn thì tỏ ra tiếc cho chị, chị đã tốt nghiệp lớp 10 điểm cao nhất tỉnh mà lại phải đi học 7+3 ,phí quá. Chị An cười bảo, cứ phải đi học đã rồi tính sau . Vả lại, ước mơ của chị là được làm cô giáo. Chỉ ba năm nữa chị sẽ thành cô giáo cấp 2, nếu lại được về dạy ở làng Bùi thì coi như chị đã mãn nguyện.,

Do một vài thủ tục lôi thôi về chuyện cắt hộ khẩu và phiếu lương thực do ông chủ tịch Mã Đình Xủng gây ra vì ông vẫn còn nuôi giữ tư thù cũ nên chị An nhập trường muộn mất một tuần. Hôm Doãn đèo chị đến trường thì lớp mới tuyển sinh đã đi lao động đắp đê. Doãn đưa chị luôn đến chỗ đắp đê. Hôm ấy là buổi chiều hè. Nước sông Mã đang lúc triều cường ở hạ lưu nên dâng đầy ắp tận chân đê. Chị An nhìn dòng nước trong xanh nói với Doãn: “Rành trời thế này mà được bơi  như nàng tiên cá thì thích lắm, Doãn nhỉ”. Doãn hẹn chị, sau đợt đắp đê, thế nào chị cũng được nghỉ ít ngày để chuẩn bị khai giảng, chị cố gắng về quê, hai chị em sẽ bơi sông Mã, như nàng tiên cá.

Thế rồi sau đó ít ngày, một buổi sáng tàu bay Mỹ ầm ầm đến đánh phá khu vực cầu Hàm Rồng. Chúng đánh chớp nhoáng rồi lủi. Nửa tiếng sau, xã đội báo động gấp, cần một số người đi cứu nạn trên Hàm Rồng. Lại có tiếp tin đồn, người bị chết nhiều lắm, toàn là sinh viên các trường sư phạm và y tế. Nghe vậy, Doãn thấy lo cho chị An. Doãn liền đi ngay. Đến nơi, thật là một khung cảnh tang tóc. Bộ đội và dân quân đang đào bới, tìm trong bùn đất những thi thể bị vùi lấp. Người còn nguyên vẹn, người bị xé vỡ một phần thi thể. Tiếng gào khóc của đám sinh viên gọi tên đồng học vang lên thảm thiết. Doãn lội ào xuống bãi bùn nhão đỏ lòm máu người, dùng hai tay đào bùn, cậu luôn thầm khấn gọi tên chị An rồi chính hai bàn tay cậu đã moi được  chị An từ trong khối bùn nhão. Chị An chết do bị sức ép hơi bom và bị ngạt trong bùn. Thi thể chị vẹn toàn, cả mái tóc vẫn còn dày nguyên. Quần áo cũng không bị suy suyển gì. Doãn vừa khóc, vừa vác chị vào rừng thông trong hẻm núi cách hiện trường khoảng hơn hai cây số. Đến chỗ tập kết thi thể thì lại càng thấy kinh hãi và đau xót. Những cô gái trẻ măng đang được tắm rửa bùn đất và thay quần áo khô. Doãn quặn lòng khi trông thấy thi thể một cô gái bị hơi bom giật phăng hết quần áo, trên người chỉ còn đồ lót và ở chỗ áo ngực một dòng máu đang rỉ ra. Người ta đuổi Doãn ra để thay quần áo sạch cho chị An. Cậu xin với họ, cậu là em chị, chốc nữa cho cậu được gội đầu và chải tóc cho chị. Nguyện vọng của Doãn được chấp nhận. Người ta đưa cho cậu một cái lược nhựa nhưng nhựa xấu, tóc chị An lại quá dày nên nhiều răng lược bị gẫy. Doãn đành chải tóc cho chị bằng tay như hồi chị chải tóc ướt ở bãi ngô sông Mã.

Cũng hôm đó, xảy ra một chuyện lạ, một anh dân quân cùng làng với Doãn nghịch ngợm gì đó lên thi hài một cô gái (Doãn cũng chỉ nghe kể chứ không tận mắt trông thấy), đến chiều miệng anh ta bị méo xệch, gần như đang ngang trở thành dọc. Sau này, anh ấy chữa mãi không khỏi. Bây giờ anh vẫn còn sống ở làng và có biệt danh là thằng mồm dọc.

Rồi sau đó một tuần, ở làng Doãn xảy ra chuyện kinh người. Tự nhiên không biết từ đâu, người bảo do không chiến, người nói từ tàu Mỹ bắn vào..., một quả rốc két tự nhiên cắm phập và nổ tung ở hiên nhà ông Mã Đình Xủng. Cú tên bay đạn lạc bất ngờ này đã cướp đi mạng sống của vợ và hai đứa con đang mây mẩy lớn của ông. Tối hôm đó, đưa ma vợ con xong, ông Xủng đội một mâm lễ sang nhà bà Xoan xin được tạ trước bàn thờ chị An. Trong mâm lễ có cỗ xôi, con gà, vàng hương và cái giấy báo chị An trúng tuyển đi học nước ngoài bị xé làm tư và vò nát mới được vuốt và can lại. Ông Xủng hết lạy xin hương hồn chị An, lại tế sống bà Xoan, chỉ một mực cầu nguyện đừng có quả rốc két thứ hai nào cắm vào nhà ông như quả vừa rồi.

Làng tận mắt chứng kiến cảnh ông dân quân trở thành thằng mồm dọc và chuyện địch họa cướp đi ba mạng người của nhà ông Xủng thì bàn tán nhiều lắm. Nhiều người cứ thốt lên một câu giống nhau: Trinh nữ thiêng thật.

Cho đến bây giờ ông Doãn vẫn đinh ninh là việc ông đi bộ đội trước tuổi (16 tuổi) là do cái chết của chị An cùng hàng chục cô gái trẻ hồi mùa hè năm 1972 thôi thúc. Ông hoàn toàn thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Những ngày bom đạn sôi sục ở phòng tuyến hay cả những lúc được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng sau mỗi chiến dịch dài ngày, hình ảnh 60 cô gái nằm thành hai dãy được đắp chiếu dọc, mặt để hở để nhận diện trước khi đưa mai táng, cô nào cũng trẻ tươi như đang trong giấc ngủ thiếp trưa hè, không gương mặt nào tái nhợt và mệt mỏi... luôn là ký ức ngồn ngộn trong ông mà gương mặt và mái tóc chị An là hình nét rõ nhất. Có lúc ông Doãn thảng thốt chìa hai tay ra trước mặt mình như thể cố tìm những sợi tóc dài bị đứt ngày nào đang chập chờn bất định.

Hồi cuối năm rồi, nhân một chuyến đi công tác lên vùng biên viễn, ông Doãn gặp được một nghệ nhân chế tác đồ mỹ nghệ bằng sừng và đá. Người nghệ nhân này đã giúp ông làm được chiếc lược sừng như ông hằng ao ước hơn 40 năm nay. Chiếc lược có hai phần răng thưa và răng dày.

Chiếc lược sừng màu nâu đen được chuốt lên nước bóng như gương. Ông đã thử chải mạnh vào mái tóc đốm bạc, dày và cứng như rễ tre của ông nhiều lần nhưng không hề có một sợi tóc nào bị gẫy đứt vương vào. Ông tin, cái lược này cũng sẽ không làm đứt sợi tóc nào của chị An. Cái lược đã được đặt trang trọng ở bên phải khay đồ lễ.

Nhang cắm trên mộ chị An đã cháy gần hết. Ông Doãn lạy mấy lạy và xin phép hóa vàng. Lửa vừa bén vào vàng mã thì từ trên cao đột ngột vọng xuống tiếng đàn chim mồng két đang ồn ào, thảng thốt bay về hướng rừng.

Ông Doãn hoá vàng xong, hai tay tựa vào bệ mộ, ông thầm thì nói với người đã khuất: “Chị An ơi, chị linh ứng báo cho em trời trở, gió mùa về phải không ạ? Vâng, em muốn gió bấc về lúc này để chị hong mái tóc và chải bằng chiếc lược của em, thay cho cái hồi chị phải dùng ngón tay chải nó ở bãi ngô ven sông. Chị đừng lo cho em, gió bấc tuy lạnh nhưng chốc nữa, đường em về làng sẽ xuôi gió, chị ạ. Hôm nay, chị về làng ta đi. Em sẽ đưa chị đến miếu Bà Cúc. Chị em mình sẽ ngồi ở đó hướng về phía sân đình, như hồi chị náu mình xem phim Nàng tiên cá ấy!Chị linh ứng chị nhé!”.

Trên bầu trời nghĩa trang lại thêm một đàn mồng két nữa bay qua và vọng xuống những tiếng kêu thảng thốt.

Thật lạ! Năm chấm  hương đã sắp tàn bỗng nổi lửa cháy bùng lên làm hoá cả chân nhang ở bát hương thờ. Linh ứng?./.

Nghĩa trang Hàm Rồng, 1 Tết. Hà Nội, Tết Nguyên Tiêu