Có một thực tế là những người trông coi nhà Thánh thường khiếm khuyết về thể chất, hoặc là ngoại hình xấu xí hoặc là thiếu khuyết một vài giác quan như nghe, nói, nhìn… có thể khi thiếu khuyết con người ta cần đến chốn thần linh để nương nhờ, tựa bám mà sinh tồn cũng có thể vì thiếu khuyết mà người ta được bù trừ những khả năng khác biệt.

Cô Trinh trong truyện ngắn “Tiếng chuông đền Diềm” thiếu khuyết cả nhan sắc, ánh nhìn, giọng nói, nhưng bù lại, cô có niềm tin và sự tôn thờ tột bậc với Đức Ông và người dân làng Diềm. Với cô, việc phụng sự Đức Ông, giúp Đức Ông vỗ về che chở sự bình yên cho người dân làng Diềm là bổn phận, là thiên mệnh, là tất cả ý nghĩa đời sống của cô trên trần gian.

Bởi vậy mà cô dành tất cả tình yêu thương trong sáng và trái tim tận hiến để chăm chút ngôi đền, giữ gìn bài thuốc quý gia truyền để chữa bệnh về thể chất cho dân làng Diềm, nâng niu an ủi những tâm hồn người bấy bớt giúp họ vượt qua ngang trái đời thường.

Cũng bởi trái tim tinh nhạy ấy mà cô Trinh nhìn được rõ nét một vài khoảnh khắc đặc biệt của con người, khi họ tột cùng đau khổ, tột cùng trong sáng, tột cùng yêu thương. Cũng bởi trái tim thánh thiện chỉ biết yêu thương tận hiến, chỉ biết cho mà chưa bao giờ được nhận, nên Trinh không nhìn được những lừa lọc dối trá những cám dỗ ma mị của dục vọng để rồi bị cuốn vào vòng xoáy của tiếng sét ái tình. Biết mình đang bị cuốn trong dòng nước xiết của những đòi hỏi bản năng đàn bà, Trinh một lần nữa lại dựa vào Đức Ông, dựa vào trời đất núi sông và người dân làng Diềm mà vượt thoát.

Trong cuộc vượt thoát ấy, Trinh nhận ra cả phần xác và phần hồn của làng Diềm cũng cần được cứu rỗi. Cô thỉnh tiếng chuông kêu cứu. Tiếng chuông đền Diềm chỉ vang lên khi làng có việc trọng. Nhưng từ khi đỉnh núi Móc có ngôi chùa lớn, tiếng chuông trên đỉnh núi vang lên hàng ngày để các đoàn khách hành hương gửi lời thỉnh cầu đến cao xanh. Tiếng chuông kêu càng nhiều, chứng tỏ khách càng đông, người làng Diềm càng có cơ hội làm giàu.

Bởi vậy không còn mấy người trong làng phân biệt được tiếng chuông đền Diềm và tiếng chuông trên đỉnh núi Móc nữa. Giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những bộ gen quan trọng làm nên hình ảnh riêng biệt của quốc gia, dân tộc trong thời đại thế giới phẳng. Song trong điều kiện mở cửa, hội nhập và phát triển hiện nay, đặc biệt, dưới tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường, việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống không dễ dàng gì.

Truyện ngắn “Tiếng chuông đền Diềm” là sự trăn trở về những được - mất trong quá trình vươn lên làm giàu bằng du lịch tâm linh ở một làng quê nghèo, cũng là tiếng chuông thỉnh gọi những tấm lòng biết hiểu, biết yêu, biết giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trong thế giới đa diện hôm nay.../.