Câu chuyện xoay quanh những cảm xúc và tâm trạng của nhân vật chính mang tên Savale – một người đàn ông đã 62 tuổi. Truyện mở đầu ngay bằng nỗi buồn bã cô đơn của Savale bởi ông không vợ không con, không còn ai thân thiết. Ngẫm lại về cuộc đời mình từ thời trẻ cho đến nay, chính Savale cũng phải thừa nhận đó là một cuộc đời “nhạt nhẽo và vô tích sự xiết bao”.
Tất cả mọi chuyện diễn ra trong sự bình lặng, đều đặn, thụ động, ngày này lặp lại ngày khác. Và đến bây giờ ông mới thấy tiếc, tại sao mình không sống một cuộc đời sôi nổi hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là, trong suốt cuộc đời của mình, ông chưa thực sự yêu ai. Có một tình yêu duy nhất thì lại là yêu thầm lặng, đơn phương, yêu mà không hề dám nói. Bây giờ, người phụ nữ ấy, ông phải gọi theo tên chồng của bà là bà Sandre, cũng đã 58 tuổi rồi. Và Savale mới thấy hối tiếc tại sao ông không thổ lộ tình cảm của mình khi hai người từng đi dạo riêng với nhau bên bở sông, bởi Sandre lúc đó đã tỏ ra rất mến ông.
Một câu chuyện đã diễn ra cách đây mấy chục năm, bây giờ làm Savale khổ sở, vì ông muốn biết nếu lúc đó ông tỏ tình thì bà Sandre có đồng ý hay không. Vậy là ông quyết tâm tìm đến tận nhà Sandre để hỏi cho ra nhẽ. Than ôi, thời gian đã biến một nàng Sandre xinh đẹp thuở nào trở thành “một phụ nữ to béo sồ sề với hai má xệ xuống và tiếng cười oang oang, mấy giọt nước mứt lê chảy từ các ngón tay bà xuống đất”, còn đâu vẻ yêu kiều thanh nhã của cái ngày đi dạo bên bở sông. Và phũ phàng hơn nữa khi câu trả lời của bà Sandre càng khiến cho Savale hối tiếc đến đau xót, đúng như nhan đề truyện ngắn mà Guy de Maupassant đã đặt tên.
Truyện mở đầu bằng nỗi buồn vì sự cô đơn của Savale và kết thúc bằng những giọt nước mắt muộn màng khi ông ngồi xuống gốc cây liễu đã trụi lá. Âm hưởng câu chuyện gieo vào mỗi người đọc một chút buồn man mác, một chút ý vị hài hước nhẹ nhàng cùng không ít những suy tư. Phải chăng, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua thiên truyện, mỗi con người phải biết tận hưởng tuổi trẻ và tình yêu, phải dám sống là mình và hết mình, để sau này không phải ân hận vì những lỡ làng chẳng bao giờ sửa chữa được. Ai đó từng đúc kết: Có khi lỡ hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm. Lỡ hẹn một lần cũng đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ còn trở lại cơ hội ấy. Và một thông điệp nữa mà chúng tôi cảm nhận được qua truyện ngắn này, đó là con người không thể sống mà không có một tình yêu, dù khi đang ở độ thanh xuân hay đã xế chiều ngả bóng về già.
Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của NSND Kim Cương trong giây phút tiễn đưa thi sĩ Bùi Giáng về nơi an nghỉ cuối cùng, xin được dùng để khép lại lời bình truyện ngắn này: “Tôi cám ơn ông Bùi Giáng đã cho tôi một bài học rằng, dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống hết cuộc đời”./.