Mở đầu truyện ngắn là câu hỏi “bán hay không bán”. Câu hỏi trong lòng nhân vật Sáu Cam có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của không ít người nông dân trước đổi thay của cuộc sống. Trong hoàn cảnh lao động vất vả chăm bón cả năm mà lại gặp điệp khúc “được mùa mất giá” thì không ít người đã đã bán mảnh vườn cha ông để lại hoặc nhiều năm gây dựng để thay đổi cuộc đời. Nhưng bà Sáu Cam đã không làm như vậy.
Dù mọi người đều khuyên nên bán khu vườn đi, làm thuê, làm mướn, buôn bán cho đỡ cực nhưng bà vẫn giữ khu vườn của mình. Trải qua mấy năm cơ cực khi trái cây mất giá thì bà Sáu Cam cũng thu hoạch hoa thơm trái ngọt. Bà Sáu Cam không còn bán hoa quả cho thương lái mà thực hiện mô hình kinh doanh vườn cây ăn trái theo kiểu “bán bụng”.
Việc thay đổi phương thức kinh doanh giúp vườn cây của bà mang lại lợi ích kinh thế gấp nhiều lần. Vườn cây của bà trở thành địa điểm dụ lịch, vui chơi nghỉ ngơi của rất đông khách. Ước mơ có một căn nhà mới của bà Sáu Cam đã trở thành hiện thực.
Lồng ghép trong câu chuyện giữ đất, giữ vườn của nhân vật bà Sáu Cam, chúng ta thấy cuộc sống của người nông dân Nam Bộ trước tác động kinh tế thị trường. Nhiều người nông dân bán mảnh vườn, mảnh ruộng nhiều năm gắn bó thay đổi nghề, thanh niên cũng không làm ruộng, làm vườn mà làm công nhân trong các khu công nghiệp. Vườn cây ăn trái cũng thay đổi phương thức kinh doanh sao cho hiệu quả.
Nhiều đổi thay đã diễn ra nhưng có lẽ tình người, tình đời của những con người chất phác thì luôn được lưu giữ. Tình cảm hàng xóm láng giềng giữa Bà Sáu Cam với ông Tư Bận hay tình cảm mẹ con của nhân vật Sáu Cam tuy được miêu tả giản dị nhưng ấm áp tình thân. Nhân vật tuy chỉ là người nông dân lam lũ nhưng tốt bụng, trọng tình trọng nghĩa thật đáng mến. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu được phần nào những đổi thay của làng quê Việt Nam thời hội nhập kinh tế thị trường./.