Chiều 21/3, hơn 100 tác phẩm tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán vừa được nhà sưu tập Nguyễn Thị Thị Hòa (Hà Nội) giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật tại triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.

Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” giới thiệu các tác phẩm tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán sáng tác trong giai đoạn 1970-2015, trong đó có nhiều tác phẩm từng được họa sĩ gìn giữ qua nhiều năm tháng cùng với những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất nước, trong đó có cả bản khắc đi kèm. Do đó, theo họa sĩ Đào Hải Phong, một người bạn của họa sĩ Trần Nguyên Đán thì đây là một triển lãm mang tính tổng hợp về phong cách, cá tính sáng tác của ông.

img_8074_cbbk.jpg
Tác phẩm khắc gỗ màu "Ai về Thủ đô"

"Rất nhiều người làm khắc gỗ. Tất nhiên Trần Nguyên Đán là một nghệ sĩ. Nhưng khắc gỗ là công việc đôi khi người ta dễ bị nhầm với nghệ nhân. Nhưng Trần Nguyên Đán là một nghệ sĩ bởi ông ta đã có cái riêng trong cái sản xuất hàng loạt. Nhưng trong tranh của Trần Nguyên Đán thì ông đã tìm thấy cái riêng trong một cách làm tưởng chừng như là mỹ nghệ. Đấy chính là thành công rất khó và tôi đánh giá cao ở ông điều đó" - họa sĩ Đào Hải Phong cho biết.

 Nhà sưu tập Trần Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội hiện là người sở hữu gần như toàn bộ tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán cho biết, ở Việt Nam, nhiều họa sĩ hiện nay không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu và phong cách của mình. Do vậy, rất cần thêm các nhà sưu tập để gìn giữ những di sản hội họa, qua đó có thể giới thiệu tới công chúng những gương mặt ấn tượng với những tác phẩm có giá trị.

Mộc bản "Mùa xuân quan họ"- Làng Nhị Khê quê ngoại Nguyễn Trãi

Sưu tập tranh của Việt Nam chưa chuyên nghiệp. Với mỗi họa sĩ chỉ có thể mua được một vài tác phẩm nổi tiếng hoặc là cảm thấy mình ưng ý. Thế nhưng với tranh khắc gỗ giá thành thấp hơn tranh sơn mài và sơn dầu nên có thể dễ sưu tập được cả bộ. Trong bản đồ mỹ thuật Việt Nam, với dòng tranh khắc gỗ thì họa sĩ Trần Nguyên Đán là người đứng đầu, là chiếc cầu nối cực kì quan trọng từ dòng tranh dân gian truyền thống đến hội họa đương đại.

 Cả cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Trần Nguyên Đán dành trọn cho nghệ thuật đồ họa, tranh khắc gỗ Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ, ông đã thử nghiệm đồ họa trên các chất liệu và đề tài. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II cho 5 tác phẩm tranh khắc: “Nghệ nhân Hàng Trống”, “Chăm học chăm làm”, “Trở lại Tam Bạc”, “Hội đền Hùng” và “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội”.

Triển lãm "Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 27/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội)./.