LTS:
Đài Tiếng nói Việt Nam vừa có một tập sách quý “Tiếng nói cùng năm tháng” (nhà xuất bản Dân Trí 2019) tập hợp những tư liệu, hình ảnh về lịch sử Người và Nghề phát thanh viên tại Đài Tiếng nói Việt Nam, khắc hoạ chân dung một số phát thanh viên xuất sắc, tiêu biểu, đã đi vào tâm khảm của nhiều thế hệ bạn nghe Đài…, phản chiếu lịch sử hào hùng của Đài Tiếng nói Việt Nam gần 75 năm qua” (Lời mở đầu- Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam).
Buổi ra mắt cuốn sách (15/5/2019) đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 129 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã có lời dạy sâu sắc với những người làm báo phát thanh được in trang trọng ngay trang đầu tập sách:
“… Làm báo nói thì phải chú ý viết như thế nào, nói như thế nào để người nghe thoáng qua tai hiểu được điều mình muốn truyền đạt, làm sao cho người nghe dễ nhớ, dễ làm theo…”
Nhà báo Trần Đức Nuôi giới thiệu cuốn sách "Tiếng nói cùng năm tháng". |
Tại buổi ra mắt cuốn sách, nhìn quanh hội trường, thấy các anh các chị thế hệ thứ hai và ba… của “Ban nói” Đài Tiếng nói Việt Nam. Các anh chị Hà Phương (Đào Ngọc Bích), Kiên Cường (Hàn Đức Trọng), Phạm Đình Quế (phát thanh viên tiếng Lào), Quyết Tâm (phát thanh viên tiếng Nga), Nguyễn Khoa, Hoàng Yến, Bích Hà… và một lớp đàn em khác.
Tôi xúc động đón nhận tập sách và thầm cảm ơn Ban lãnh đạo Đài quyết tâm biên soạn và cho ra mắt một cuốn sách nói về công việc “thầm lặng” của những phát thanh viên, người thổi hồn vào con chữ cho những bài viết của phóng viên và cộng tác viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Và tâm đắc với lời nhận xét rất thấu đáo của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: “Công việc của phát thanh viên thầm lặng sau cánh sóng với những ca kíp, sớm khuya, rời nhà lúc 3-4 giờ sáng khi mọi người vẫn còn ngon giấc, về nhà khi con cái đã ngủ say. Phòng thu là không gian để người phát thanh viên-nghệ sĩ đắm mình trong sáng tạo, đam mê làm bật lên những tầng, những lớp ngữ nghĩa, ý tứ ẩn sau con chữ trong từng tác phẩm, một vài dòng tin, một phóng sự hay một bút ký, tiểu thuyết, bài thơ…”
NSƯT Hà Phương. |
Tìm đến anh Bích (NSƯT Hà Phương), tôi xin anh ghi mấy dòng lưu niệm vào cuốn sách. Vẫn nụ cười tủm tỉm và ánh mắt tinh nghịch, anh ghi mấy dòng tặng tôi, để Trương Cộng Hoà “nhớ về phát thanh viên chúng tôi”.
Quên sao được, anh Bích và các anh, các chị, các em trong “Tổ nói”. Chúng ta đã từng chia ngọt sẻ bùi những sáng sớm mùa đông rét buốt, những trận mưa rào ập xuống khi dự báo thời tiết lúc 5 giờ nói “Hà Nội sáng không mưa”, những đêm giao thừa, những sáng mùng Một Tết… Cả niềm vui và những nỗi buồn khi trên cánh sóng có những “trục trặc kỹ thuật”?
Tháng 1/1990, tôi được Trưởng phòng Trần Trọng Truỷ giao viết bài về Hà Nội. Đi Sóc Sơn nơi có sân bay quân sự Đa Phúc. Về viết bài ký “Sóc Sơn một góc trời Hà Nội” và được anh Bích thể hiện trên sóng. Gặp anh, tôi cảm ơn vì anh đã thể hiện một bài viết nhiều chất “báo in” sang “báo nói” với những luyến láy, với những “à, ư, nhỉ, nhé...”. Anh cười, khen rằng “bài viết có chất” nên tạo hứng thú cho người thể hiện. Qua những lần nghe lại những bài viết của mình được các anh các chị thể hiện, học được nhiều điều. Tôi vẫn thường nói với các bạn phóng viên trẻ rằng: một phóng sự mà khi đạt đến cao trào, người viết không xúc động đến mức có thể khóc-cười được, thì cũng đừng mong người nghe có xúc cảm, chính là nhờ những buổi trò chuyện như thế. Hôm nay, đọc bài của một bạn đồng nghiệp viết về anh (Thầy tôi, trang 152) thấy rõ là anh Bích vẫn tiếp tục truyền cho các bạn đồng nghiệp trẻ hơn bài học “phải đọc bằng cảm xúc khi ta soi mình vào con chữ, đâu phải thấy chữ là đọc”.
Các phát thanh viên kỳ cựu của Đài TNVN tại buổi ra mắt sách. |
Còn nhớ, vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 “chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”, chị Kim Cúc và tôi được giao dựng một ký sự truyền thanh về chiến thắng lịch sử này. Nghe lại băng ghi âm ký sự truyền thanh được dựng ngay sau chiến thắng B 52 (tháng 12/1972), với giọng phát thanh viên Hoàng Yến vút cao, lanh lảnh, đầy hào khí, tôi bàn với chị Kim Cúc: phải lấy một đoạn băng này vào trong ký sự truyền thanh làm 20 năm sau, thì mới tạo dựng được không khí hào hùng của ngày ấy. Giọng đọc của các anh chị đã đi vào lịch sử. Không thay thế được. Như ngày hôm nay, chúng ta nghe lại giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai truyền đi lời hịch chống quân xâm lược, tháng 3/1979.
Dịp ấy, tôi tìm đến nhà phát thanh viên Phương Chi ở khu tập thể nhỏ ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ. Chị Phương Chi ngày ấy, đúng như “bà Phương Chi hôm nay” mà bài viết (trong sách) của phát thanh viên Bích Hà kể: Bọn chúng tôi cứ nghe còi báo động là đội nón đến cơ quan (bằng xe đạp). Chị tâm sự: Với tôi, còn có niềm hạnh phúc riêng: đọc cho ông xã (thiếu tướng Dũng Chi) ở chiến trường nghe. Bích Hà nhận xét rất đúng rằng phát thanh viên Phương Chi “có chất giọng trong sáng, khoẻ khoắn, vang xa”, một giọng đọc “chất lính” của Tiếng nói Việt Nam.
Tôi được làm việc với các anh các chị ở “Ban nói” hơi muộn. Nhưng cũng còn may mắn được gặp, được biên tập chương trình, được “kiểm thính” cùng các phát thanh viên Tuyết Mai, Nguyễn Thơ, Kiên Cường... và các anh các chị lớp sau. Hôm nay đọc từng trang sách thấm đẫm tình cảm nói về các anh chị, như được sống lại ngày ấy. “Bác Nguyễn Thơ” với đôi mắt kính, cái bút chì đọc dò từng trang tin và “chất thép” trong giọng đọc của bác thật không chê vào đâu được. Và dù chỉ hơn Tuyết Minh, con gái của phát thanh viên Tuyết Mai vài tuổi, nhưng vẫn gọi bà là “chị”. Cái câu mắng yêu của bà “Đồ khỉ”... thật đầm ấm. Anh Bích khi viết về “chị Tuyết Mai” sa vào chuyên môn “sâu quá” nên quên một chi tiết rất đời thường của bà. Ấy là bà rất thích đọc Kim Dung. Thi thoảng tôi lại “nịnh bà” bằng cách cho mượn sách. Bà lại mắng yêu “lần sau cho mượn nữa nhé”. Bây giờ bà ngồi đấy, trong căn buồng nhỏ ở số 5 Trần Phú. Đọc những trang viết về bà mà thương bà quá.
Phát thanh viên Kim Cúc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Buổi ra mắt tập sách “Tiếng nói cùng năm tháng”, anh Kiên Cường đến sớm cứ muốn ngồi tụt lại phía sau. Tôi vừa chào anh vừa ép anh ngồi lên hàng ghế đầu. Thế đấy, một Kiên Cường có một bản lĩnh nghề nghiệp cực kỳ vững chãi, một giọng đọc chính luận đanh thép, nhưng rất khiêm nhường trong cuộc sống. Nhìn anh, tôi cứ mường tượng ra các anh các chị Dương Thị Ngân, Nguyễn Văn Nhất, Trần Thị Ý... là những bậc “trưởng lão” ở Đài Tiếng nói Việt Nam ngày xưa cũng sống như thế, mà thấy tự hào về lịch sử vẻ vang của Đài.
Tôi có may mắn là được sống trong khoảng thời gian 4 năm tại thành phố Hồ Chí Minh, được nghe và chứng kiến những “giọng đọc Vàng” của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng vang lên trong đất trời miền Nam. Với lối phát âm chuẩn xác, tròn vành rõ chữ, thổi hồn vào người nghe, át hẳn lối phát âm có phần nhão nhoét, ẻo lả của một hệ thống truyền thông chỉ muốn con người vùi đầu vào những “nỗi buồn” vô cớ”. Những trang viết về các anh các chị phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về Nam sinh sống trong tập sách này, là những món quà quý cho gia đình các anh các chị. Những phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ (tiếng Anh), Việt Hà, Minh Đạo, Lan Hương, Phi Điểu, Trần Phương... những chiến sĩ tài giỏi của “một đường Trường Sơn trên không” mãi là những tấm gương sáng cho lớp trẻ hôm nay ngưỡng mộ.
Vào dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có một bộ sách quý, từ biên niên lịch sử Đài đến những trang viết về những cán bộ lãnh đạo, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài. Cuốn sách “Tiếng nói cùng năm tháng” là một bổ sung rất quý báu vào truyền thống của Đài. Bạn đọc có thể biết về những ngày khởi nghiệp đầu tiên của “nghề phát thanh viên” trên sóng phát thanh và sau là truyền hình, của Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng, của hệ thống phát thanh-truyền hình trong cả nước nói chung. Và những xu hướng phát thanh hiện đại ngày nay vẫn còn cần lắm những phóng viên kiêm phát thanh viên-kỹ thuật viên đầy bản lĩnh.
Cuốn sách còn tập hợp tương đối đầy đủ tên tuổi những phát thanh viên qua từng thời kỳ. Đây quả là một danh sách bổ ích cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về “nghệ thuật thể hiện con chữ trên sóng phát thanh Tiếng nói Việt Nam”. Cố gắng học tập, khổ luyện để “đọc sao cho ngàn vạn con chữ lay động, vượt qua “tiếng chữ” mà thành âm thanh, biểu đạt mọi nỗi niềm”, các anh các chị đã làm theo và làm đúng lời dạy của Bác Hồ, góp phần làm nên danh hiệu đơn vị Anh hùng trong chiến đấu và trong công cuộc đổi mới của Đài Tiếng nói Việt Nam./.