Sáng 15/6, tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn, Hà Nội, gia đình đã tổ chức lễ tang nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong niềm tiếc thương của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và người yêu văn chương. Lễ truy điệu và đưa tang ông vào 11h30 cùng ngày.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - cây đại thụ của nền văn học Việt Nam đương đại đã vĩnh biệt cõi trần lúc 14h55 chiều 12/6 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi. Ông sinh năm 1933, quê quán Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1951-1952, ông học Đại học Y Hà Nội, đến năm 1953 đi bộ đội ở Khu 4. Cuối 1959, ông về Tạp chí Văn Nghệ Quân đội làm phóng viên, đến năm 1965 chuyển sang làm phóng viên Báo Thiếu Niên Tiền Phong và về hưu năm 1983.
Ông bắt đầu viết văn từ năm 1957. Với hơn 50 năm cầm bút, ông đã đạt nhiều thành tựu, xuất bản: "Rừng sâu "(tập truyện ngắn, 1963); "Miền hoang tưởng" (tiểu thuyết, 1990); "George Sand – Nhà văn của tình yêu" (chân dung văn học, 1993); "Hồ Quý Ly" (tiểu thuyết, 2000); "Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi" (truyện vừa thiếu nhi, 2002); "Mưa quê" (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2003); "Mẫu thượng ngàn" (tiểu thuyết, 2006); "Đội gạo lên chùa" (tiểu thuyết, 2011), "Chuyện ngõ nghèo" (tiểu thuyết, 2016). Bên cạnh mảng sáng tác, ông còn dịch khá nhiều như tác phẩm: "Những quả vàng", "Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất", "Bảy ngày trên khinh khí cầu", "Tâm lý học đám đông"…
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một tài năng và nhân cách đáng kính trọng, có nhiều đóng góp lớn lao cho nền văn học Việt Nam đương đại, đặc biệt là các bộ tiểu thuyết đồ sộ viết về lịch sử, văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có một cuộc đời nhiều thăng trầm. Những tưởng rằng sự thăng trầm ấy sẽ cuốn ông đi nhưng ông đã biến những thăng trầm của đời mình thành những vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của văn chương. Ông là biểu tượng của nhân cách và bản lĩnh của người cầm bút. Ông để lại di sản của một lẽ sống và của sự sáng tạo.
Với những đóng góp cho nền văn học Việt, Nguyễn Xuân Khánh đã được vinh danh trao nhiều giải thưởng: Giải cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000 cho cuốn “Hồ Quý Ly”, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 (Hồ Quý Ly), giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 (Mẫu thượng ngàn), giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa", giải Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Đến tiễn đưa nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về nơi an nghỉ cuối cùng có bạn bè, đồng nghiệp trong giới văn chương, xuất bản như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hoá, nhà thơ Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên,... cùng đông đảo bạn đọc yêu mến nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói sự ra đi của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một tổn thất không gì bù đắp được "Thác là thể phách còn là tinh anh. Tinh anh Nguyễn Xuân Khánh sẽ còn mãi. Còn mãi mãi".
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ bày tỏ niềm tiếc thương: "Vô cùng thương tiếc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, cây đại thụ của nền văn học Việt Nam đương đại. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình trước nỗi đau ly biệt này. Độc giả và hậu thế sẽ mãi nhớ ông, trân trọng những gì ông đóng góp cho đời. Cầu chúc hương hồn ông tiêu diêu miền lạc cảnh".
Xúc động đến tiễn đưa tác giả "Mẫu Thượng ngàn", nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên gửi những dòng thơ cuối đến người anh mà ông trân quý:
"Anh đi từ "một đêm" đằng đẵng
Đêm dài trống vắng mấy mươi năm
Một mình lặng lẽ "rừng sâu" thẳm
Anh dựa vào mình những trang văn
"Hồ Quý Ly" cùng anh tâm sự
Nỗi đau nhà cải cách không thành
"Mẫu Thượng ngàn" gửi anh quá khứ
Nguồn thiêng tình Mẹ mãi trong lành...
...Anh đi nhé phiêu diêu cõi Phật
Phạm Toàn, Bùi Ngọc Tấn chờ anh
Cõi trần thân đã về mặt đất
Hồn văn chương vẫn đậm tình".
Đúng 11h15', Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc lời tiễn đưa nhà văn về miền cực lạc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều một lần nữa khẳng định "nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Sự ra đi của ông để lại cho chúng ta những suy tưởng nhiều hơn là nước mắt của đau buồn ly biệt thông thường".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có những năm tháng sống trong cực khổ, nhiều nỗi buồn, không ít đau đớn và bất trắc. Nhưng ông đã không để cho những điều tồi tệ ấy nhấn chìm ông xuống vực sâu của than khóc và oán hận, mà ông đã biến tất cả những điều đó thành vẻ đẹp kiêu hãnh của văn chương và của con người. Đó chính là bản chất và sứ mệnh của văn chương mà ông thấu hiểu và dâng hiến.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: "Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là nhà văn viết nhiều về đề tài lịch sử. Ông viết về lịch sử không phải để tái hiện lịch sử ấy, để phán xử hay ngợi ca lịch sử ấy, mà để gợi mở ra một lịch sử khác cho tương lai của dân tộc. Bằng những tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành người bảo vệ trung thành và thông tuệ của những giá trị văn hóa cốt lõi làm nên căn cước của dân tộc chúng ta.
"Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa", "Chuyện ngõ ngèo…là những tác phẩm lớn của nền văn chương hiện đại Việt Nam. Mỗi khi những tác phẩm ấy ra đời lại tựa một cơn phun trào nham thạch làm cho ngọn núi mang tên Nguyễn Xuân Khánh ngày một cao lên. Cái tên Nguyễn Xuân Khánh là cụm từ đồng nghĩa với sự thấu hiểu, sự nhẫn nại, lòng vị tha, niềm kiêu hãnh, khát vọng và ý chí của một con người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chỉ riêng cách sống và sự sáng tạo trong im lặng tột cùng của ông cũng trở thành một định nghĩa về nhà văn".
Sau lời tiễn biệt của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, con trai nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đọc lời cảm tạ.
Sau lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được hoả táng tại Đài hoá thân Hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội./.