vov_1272_fxnw.jpg
Ngày 2/3 tới đây (tức Rằm tháng Giêng âm lịch), Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI sẽ chính thức khai mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề "Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước".
Năm nay, phương án trưng bày và cũng là biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 được chọn là “Cánh buồm thơ”.
Tại khu vực Hồ Văn, BTC tiến hành làm triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Trong ngày hôm nay 1/3 (tức ngày 14 tháng Giêng Âm lịch), một ngày trước khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội quy tụ đông đảo các câu lạc bộ về trình diễn thơ, văn nghệ. 
Với nhiều hình thức thể hiện phong phú khác nhau như múa, âm nhạc, quảng bá, trình diễn thơ, câu đối... các CLB đã mang đến những màn trình diễn sôi nổi chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16.
Các tác phẩm mang nội dung tập trung chủ yếu là ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc và quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ.
Trong ngày hôm nay, 58 tiết mục sẽ được trình diễn từ sáng đến chiều.
Ngày Thơ Việt Nam đã trải qua 15 lần tổ chức, được coi như Lễ hội văn hóa thường niên của những người yêu thơ.
Năm nay là năm đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức 2 sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ.
Đặc biệt, Ngày Thơ Việt Nam năm nay còn có sự tham gia của 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản, gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở 2 sân thơ này.
Ban tổ chức đã chọn 50 câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước để tham gia nghi thức thả thơ năm nay.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động diễn ra trong Ngày Thơ chính là bước chuẩn bị quan trọng để Ngày Thơ Việt Nam trở thành Ngày Văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.