Tọa đàm “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo” diễn ra vào chiều 1/3 được xem là một trong những điểm nhấn thú vị và nhận được nhiều mong đợi trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16 đang diễn ra tại TPHCM.
Năm nay, sân thơ trẻ do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp với Ban Nhà văn trẻ thành phố tổ chức, trở thành là nơi giao lưu giữa những người trẻ làm thơ, chia sẻ cảm xúc và khơi gợi ước mơ thi ca trong lòng mỗi cây bút trẻ của thành phố.

nha_van_minh_dan_uy_vien_ban_nha_tho_tre_tphcm_ctrl.jpg
Nhà văn Minh Đan, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ tại TPHCM.
Xuất hiện ấn tượng với ngôi vị Quán quân Giải thơ Lục bát Tết vừa qua, cái tên Nguyễn Trần Khải Duy được chú ý nhiều hơn trong sân chơi thơ trẻ năm nay.

Với tác phẩm thơ lục bát “Vừa câu chữ đủ gieo vần Chạp Giêng”, Nguyễn Trần Khải Duy, chàng sinh viên năm 4 Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đã mở ra một không gian tết nhất dễ thương sinh động, đủ đầy ấm áp: Vừa đủ nhớ để yêu thương/Vừa đủ củi lửa nên hương bếp lò/Vừa xăng xái đủ âu lo/Vừa nông sâu đủ nhỏ to Tết về… Nhụy sen vừa đủ búp trà/Lá trầu vừa đủ đậm đà bình vôi… Vừa thơm đủ để nhành hoa/Vừa đủ nước mắt Mẹ già mừng con.

Nguyễn Trần Khải Duy cũng chia sẻ, mâm ngũ quả của mẹ chuẩn bị trong dịp tết đã khơi gợi cho Duy suy nghĩ ngày Tết như thế nào là vừa đủ, và bài thơ “Vừa câu chữ đủ gieo vần Chạp Giêng” ra đời trong khoảnh khắc đấy. Bốn năm ngồi trên ghế sinh viên là 4 năm Khải Duy đồng hành với Thơ trẻ thành phố, với Ngày Thơ Việt Nam bằng những bài thơ lấy từ chất liệu trong đời sống hiện hữu hàng ngày.

Anh chia sẻ: “Tôi vẫn hy vọng đây là một sân chơi đúng nghĩa và thực sự là một diễn đàn để những cây bút trẻ được thăng hoa và cũng là nơi để giao lưu giữa những thế hệ đàn anh và những thế hệ sau này để hai bên có thể bồi đắp cho nhau những cái hai bên còn thiếu. Những người đi trước thì họ sẽ nhìn thấy ở trong chúng tôi là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ còn chúng tôi học được ở họ cái kinh nghiệm và sự dày dặn”.

Mặc dù mới bước vào con đường thơ, nhưng Chung Bảo Ngân, nữ sinh năm cuối Trường  Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đang mang lại một luồng gió mới hy vọng cho thi ca trẻ. Thơ của Chung Bảo Ngân là tiếng nói hồn nhiên và nhiệt huyết nhưng chất chứa nhiều tâm sự ưu tư về thân phận của người phụ nữ trong đời sống hiện đại. Có thể nhắc đến những tác phẩm như: Đâu đó giữa Sài Gòn, Độc hành, Giật mình, Đã muộn màng để nói cùng nhau…

Em dốc cạn lòng tất tả những hy sinh/Những tưởng tình bền lâu như lời thề trăm năm dù dâu bể/Nào son sắt/ Nào đá vàng/Nào non mòn biển cạn/ Rồi cũng xuôi tay theo bản năng khát thao tầm thường (đó là lời thơ trong bài Đã muộn màng để nói cùng nhau). 

Một cô gái trẻ bỗng trở nên già dặn trước những vần thơ, Chung Bảo Ngân trải lòng: “Một người trẻ sáng tác thơ thì cũng có gặp đôi chút áp lực. Tại vì vốn sống cũng như kinh nghiệm mình chưa đủ, có thể là chưa sâu sắc. Đa số mình lấy cảm hứng từ cuộc sống xung quanh cũng như những trải nghiệm mà bản thân trải qua để từ đó mình viết lên những lời thơ mà mang cái chất của mình.”

Nhà thơ nữ Chung Bảo Ngân.

Những trăn trở trong tình yêu, trong cuộc sống hiện đại là đề tài được các nhà thơ nữ quan tâm. Ngoài Chung Bảo Ngân, còn kể đến nhóm tác giả nữ Minh Đan, Tô Minh Yến, Phạm Phương Lan, Lương Cẩm Quyên trình làng 2 tập thơ tình có cái tựa gợi nhiều sự tò mò thú vị cho người đọc, đó là: Vị đàn bà và Bật Cúc đêm.

Không gian Thơ trẻ Sài Gòn.

Đánh giá về chất lượng đội ngũ nhà thơ trẻ trong những năm gần đây, bà Minh Đan, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ tại TPHCM cho biết, đó là một lực lượng thi ca dám dấn thân, biết cách bày tỏ cảm xúc và tinh tế với thời cuộc: “Thơ trẻ hiện nay đã dần đi vào hơi thở của cuộc sống, các bạn không chỉ viết về mây, về gió nữa mà các bạn đã dấn thân, đã nhập cuộc, đã hội nhập vào với những mảnh đời, những số phận ở xung quanh mình và tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào thơ trẻ của thành phố.”

Có thể nói rằng, tại không gian “Sài Gòn - Thơ trẻ sáng tạo”, những khuôn mặt thi ca mới, triển vọng một lần nữa được xướng tên, được ghi nhận bởi những thành quả của họ trên mặt trận thi ca của thành phố. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như: Văn Nguyên Lương, Chung Bảo Ngân, Trương Mỹ Ngọc, Ziken, Dạ Thy, Nguyễn Tiến Vũ, Nguyễn Trần Khải Duy…

15 tác giả trẻ với hàng trăm bài thơ được giới thiệu trong ngày hội thơ trẻ cho thấy sức sống mãnh liệt, khát khao được thể hiện mình, khát khao được lưu giữ hồn thơ Việt trong mỗi con người của các nhà thơ trẻ thành phố mang tên Bác./.