Hội sách TP.HCM bế mạc sau 7 ngày hoạt động sôi nổi từ 19-25/3/2018, với gần 1 triệu lượt khách (tăng gần 10% so với Hội sách lần 9/năm 2016) và tổng doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016. Tuy nhiên, top 10 cuốn sách bán chạy trong Hội sách không có sách văn học Việt Nam, dù tham gia với lực lượng khá hùng hậu.

Tổng kết của Ban tổ chức Hội sách cho biết, các đầu sách được xuất bản và trưng bày tại Hội sách đã đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Các gian hàng có sự đầu tư trang trí đặc sắc, có chương trình truyền thông và khuyến mãi tốt, có hàng hóa phong phú, chất lượng đều đạt doanh thu cao. Tuần lễ hoạt động đặc biệt phong phú với hơn 100 chương trình giao lưu, tọa đàm, hội thảo đã diễn ra rất sôi nổi, thu hút đông khách hàng đến tham dự.

doc_gia_xin_chu_ky_hamlettuong_iriscao_ptpj.jpg
Khán giả xin chữ ký tác giả tại Hội sách.

Trong số hơn 50 đầu sách mới được đặt làm tâm điểm của các đơn vị xuất bản lần này, đầy ắp các đầu sách do giới trẻ viết và hướng đến giới trẻ, và không có cuốn nào là sách văn học của các nhà văn nhà thơ Việt Nam.

Và lần này thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã không thể lập lại kỷ lục của mình như ở Hội sách lần 9, cũng như không có một tác phầm văn học nào của các nhà văn Việt Nam bán chạy, hay tạo thành hiện tượng trong Hội sách lần 10 này cho dù sách đã được giảm giá ngay từ đầu xuống 20%, rồi tiếp đến 30% và giảm sâu vào ngày cuối cùng Hội sách.

Hội sách TP.HCM trong cả 4 lần tổ chức gần đây, đặc biệt trong 2 lần gần đây nhất (lần thứ 9/năm 2016 và lần 10/năm 2018), các ấn phẩm của những tác giả trẻ đều có tên trong danh sách sách bán chạy nhất. Và sách văn học chỉ có “hiện tượng” hai nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư mà thôi.

Đức Phúc ra mắt cuốn tự truyện.

Điều đáng nói khi nhìn nội dung sách nằm trong Top 10, thấy rõ xu hướng của số đông độc giả đã không còn dành cho sách văn học Việt Nam. Phải chăng sách văn học Việt Nam không có tác phẩm hay? Cũng không đúng, vì rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đã được “thử thách” không chỉ những giải thưởng văn học trong nước và quốc tế mà còn đã từng “Best-seller” trên các các kệ sách của các cửa hàng sách.

Hay đề tài mà các nhà văn đề cập chưa “đánh” vào nhu cầu khám phá tìm hiểu hay chia sẻ, hoặc xa lạ quá với độc giả phần đông mua sách là giới trẻ U2- U3? Nếu như trước đây, khái niệm "trẻ" trong ngành xuất bản Việt Nam là những tác giả 35-45 tuổi thì nay, "trẻ" nghĩa là từ 20 đến xấp xỉ 30 tuổi, vì khó có ai nói lên tâm tư của giới trẻ thật như chính giới trẻ.

Hay là ở khía cạnh thị trường, sách có những tựa đề không tạo cảm xúc mạnh, như nhà văn quân đội Đỗ Tiến Thụy có nhiều tác phẩm tái bản tham gia Hội sách này chia sẻ với các bạn văn của mình: “Nhiều người có kinh nghiệm làm sách khuyên: Chớ dại mà đặt tên sách liên quan đến bèo tấm hoa dâu, ruộng vườn, trâu bò gà cá... Phải đặt tên theo công thức Sốc- Sex- Sến thì sách bán mới chạy… Đương nhiên tôi không nghe.

Những cuốn sách nằm trong top bán chạy tại Hội sách năm nay.

Chỉ khi Biên tập viên nhà xuất bản gợi ý tên tập này (sách của nhà văn Đỗ Tiến Thụy) nên liên quan tới thành thị. Vì chỉ người thành thị mới bỏ tiền mua sách. Nghe có gì đó... sai sai. Nhưng rồi cũng đành… Chả biết có phải nhờ cái tên "sành điệu" không mà thực tế sách bán hết…”. Phải chăng đây cũng là lý do sách văn học Việt Nam bán không chạy?

Ngoài ra, từ Hội sách lần 10 này, thấy một nguyên nhân nữa là sách văn học Việt Nam ít được quan tâm, từ vị trí “vàng” trong chính ngày quầy trưng bày và bán của NXB (trừ sách của tác giả nào mà NXB đang có ý PR), đến việc ngay từ đầu Hội sách, đã treo biển giảm giá với các sách văn học. Chưa kể việc tổ chức cho các nhà văn ra mắt sách cũng bị chìm khuất so với các tác giả trẻ, nhất là tác giả có “dính” tới showbiz Việt.

Chính điều đó cũng làm giảm sức hấp dẫn của mảng sách này. Đây có thể là nỗi buồn của văn học Việt Nam nói chung, các nhà văn Việt Nam nói riêng qua một kênh “test” độ “nóng” của tác phẩm./.