Cuốn sách “Nụ hôn thành Rome” của nhà văn Di Li do Đại sứ quán Italia và Công ty sách Bách Việt vừa ra mắt tại Hà Nội.
Đây là cuốn sách du ký được viết bởi nữ tác giả đã từng được biết đến với niềm đam mê xê dịch qua tác phẩm cùng thể loại “Đảo thiên đường” xuất bản năm 2009.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bình luận: Nếu nói đến “chân đi” ở Việt Nam, ít bậc chữ nghĩa nào bỏ được tên Di Li ra khỏi danh sách độ 10 gương mặt tiêu biểu. Người Việt bây giờ bắt đầu có xu hướng “phượt khắp hành tinh”, ngày càng có nhiều người biết tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến đi mê mải đến các vùng đất mới, các nền văn hóa mới.
“Tôi thấy rất rõ qua những trang ghi chép đầy báo chí mà cũng đầy văn học của của “người dẫn đường du lịch khắp địa cầu” Di Li một cái chất Đàn Bà. Đàn bà đến đấy chứ không phải đàn bà lớt phớt. Cô sợ hãi ở Hy Lạp khi thuê được khách sạn rẻ mà rõ rộng rãi, cô cứ sướng rơn và đắc chí mãi “sao mình giỏi thế”, cho đến khi lên mạng tìm kiếm thông tin, đó là nơi thường có cướp. Đó là cái duyên viết lách vừa cao tay vừa hồn nhiên mà tôi thích nhất ở Di Li”.
Ngài Akif Ayhan - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng: “Di Li là một chân đi với kỹ năng quan sát sắc bén để có thể miêu tả không thiên vị về những thành phố và vùng đất mà cô đã đi qua. Đây là câu chuyện khám phá được kể lại một cách tài hoa bởi một phụ nữ Việt Nam đã nổi tiếng vì niềm đam mê khám phá những miền đất lạ. Sự phóng khoáng của cô trong các câu chuyện này cũng sẽ quyến rũ độc giả như đã từng khiến họ say mê với những cuốn tiểu thuyết trinh thám mà cô đã viết”.
Trong khi đó, bà Cecilia Piccioni - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam chia sẻ: “Có một điều gì đó đã kết nối tôi và nhà văn Di Li, không phải chỉ vì chúng tôi cùng là phụ nữ, cùng đồng cảm và thân thiết như những người bạn, mà còn vì niềm đam mê xê dịch để khám phá và hiểu rõ hơn thế giới này. Tôi rất vui khi nhận ra rằng, chính vì niềm đam mê chuyển dịch mà Di Li được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam, đã trở thành thần tượng của nhiều phụ nữ trẻ mà từ mấy thập kỷ nay mong muốn được khám phá những điều chưa biết và khao khát có được một nhận thức đầy đủ bằng cách mở rộng tầm mắt và tiếp xúc với mọi hình thức đối thoại đa dạng về mặt văn hóa”.
Lễ ra mắt cuốn sách có sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam và đại diện các đại sứ quán Ba Lan, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan…, đại diện Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, người dẫn chương trình tại buổi lễ ra mắt cuốn sách nói: Chưa có tác giả - nhà văn Việt Nam nào lại thu hút nhiều đại sứ các nước đến tham dự như vậy. Đây là điều tự hào không chỉ riêng đối với nhà văn Di Li mà còn là niềm tự hào chung của các nhà văn khác và nền văn học Việt Nam nữa. Hy vọng rằng, trong tương lai, các tác phẩm văn học của Việt Nam sẽ được chính các đại sứ giới thiệu với độc giả nước ngoài./.