Tối ngày 20/2, tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền), cuộc gặp gỡ thú vị với tác giả Lê Lan Anh và buổi giới thiệu sách “Ở đất kẻ thù” cùng bản dịch đã diễn ra trong không khí ấm áp, thân tình.

Tác giả cho biết, cốt truyện ám ảnh bà hơn 40 năm, nhiều khi vì mưu sinh cuộc sống mà tất cả được gói gọn lại, nằm vào một góc khuất của tâm hồn nhưng chưa bao giờ rời xa trong tâm tưởng. Nó luôn ám ảnh, thôi thúc người cầm bút viết về những năm tháng kháng chiến, tản cư, chạy bom, về những đứa bé Hà thành tự đào hầm, xây nhà bằng bùn, tre, rơm rạ. Trong cuộc hành trình đó, những câu chuyện, những kỷ niệm về người nông dân nơi tản cư cứ ám ảnh, đeo bám không dứt mà mỗi khi nhắc lại, nước mắt bà không thể không rơi.

o%20dat%20ke%20thu%201.jpg

Câu chuyện kể về ba nhân vật: ông Bi, bé Na mười bốn tuổi (con gái ông Bi) và Jim – viên phi công Mỹ. Khi bị tên lửa phòng không bắn, Jim nhảy dù và trúng thương, rồi bị giam trong nhà ông Bi hơn 20 giờ đồng hồ, được bé Na nhiệt tình chăm sóc. Hơn 20 giờ đồng hồ trải dài trong hơn 200 trang sách, cuộc sống của mỗi nhân vật cứ được tái hiện rõ nét, đan xen là chuyện về các cô dân quân, lịch sử ngôi làng, cải cách ruộng đất, chiến công chống máy bay… Nhân vật ông Bi có diễn biến tâm lý phức tạp, lớn lên trong cảnh nghèo khó và sớm thù ghét những kẻ xâm lược nhưng có lòng nhân ái, thương người, đối xử tốt với Jim. Còn Jim được nhà văn xây dựng như một người quân tử theo quan niệm của phương Tây, tính tình thẳng thắn, bộc trực. Bé Na được khắc họa với nét trong sáng, hồn nhiên như một thiên thần.

Nhà văn Lê Lan Anh chia sẻ, khi tác phẩm được chọn dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Pháp, bà “chết lặng vì vui sướng”. Bởi lẽ, “trái tim nhân hậu của bé Na đã được đến với thế giới, thế giới đã biết đến bé Na, biết đến những người nông dân của chúng ta” – tác giả chia sẻ.

Dịch giả Tây Hà, người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Pháp cho biết: “Chị Lê Lan Anh có khả năng viết tốt, biết dựng chuyện và đẩy lên cao trào, viết cảnh động thì sôi động, cảnh tĩnh thì nên thơ. Khi đọc cuốn sách, tôi đã yêu. Tôi dịch là để cống hiến một cuốn sách đẹp với độc giả gần xa”. Dịch giả cũng không hề giấu diếm những khó khăn trong quá trình dịch, có khi ông phải mất hàng giờ đồng hồ mới dịch ra được một đoạn ngắn, nhất là những chuyện như đánh khăng, trồng nụ trồng hoa, tôi phải dành nhiều thời gian sưu tầm, cắt nghĩa và nhất định không bỏ sót một đoạn, một câu, một chữ nào.

Nhà văn Lê Lan Anh (ở giữa) đang vui vẻ trả lời các câu hỏi của bạn đọc.

Nhà văn, nhà phê bình Văn Trinh nhận định: “Chưa ai viết về chiến tranh mà lại đánh thức được nhân tính như Lê Lan Anh. Cũng chưa ai viết về cải cách ruộng đất ở Việt Nam lại nhẹ nhõm được như chị”.

Nhà thơ trẻ vi Thùy Linh trong vai trò của một độc giả, trân trọng và nghẹn ngào bộc lộ cảm xúc: “Tôi gọi bà là nhà văn vì tôi yêu nước Pháp, vì nước Pháp đã thẩm định và phát hành sách của bà, điều đó chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của bà…Tôi bày tỏ sự khâm phục bà”.

Để có được thành công như hôm nay, tác giả Lê Lan Anh ở cái tuổi 52 đã bỏ hết công việc để đi học tiếng anh rồi sang Mỹ, sống và trải nghiệm trên gần 40 bang của nước Mỹ, tìm hiểu về con người Mỹ, văn hóa Mỹ, đọc qua nhiều đầu sách, lui tới nhiều trường đại học đào tạo về quân sự nhằm tích lũy kiến thức, vốn sống, tư liệu viết nên cuốn sách./.