- Điều gì khiến Di Li bắt tay vào viết "Câu lạc bộ số 7"? Chị có thể hé lộ cho độc giả một vài dữ liệu về tiểu thuyết này?
Đây là tiểu thuyết thứ hai của tôi, và theo cách làm việc của một nhà văn chuyên nghiệp thì tôi viết đều đặn, cố gắng tạm sống bằng nghề, cố gắng tìm tòi những điều mới trong văn chương. Cuốn tiểu thuyết này tiếp nối những câu chuyện điều tra của cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách (một trong những nhân vật chính trong tác phẩm "Trại hoa đỏ" - PV), và đây sẽ là lần đầu tiên văn chương đề cập đến đề tài “giới tính thứ tư”.
Nhà văn Di Li. |
- Tiểu thuyết trinh thám luôn là thể loại hấp dẫn người đọc mà đa phần là giới trẻ, không chỉ ở Việt Nam và cả trên thế giới, chị theo đuổi thể loại này vì chiều lòng độc giả?
Không, thể loại thu hút đông độc giả nhất từ cổ chí kim vẫn là những câu chuyện ái tình lãng mạn. Nếu tôi chủ định chiều lòng độc giả thì tôi đã viết truyện ái tình. Chưa kể nhiều người bình luận rằng bộ dạng bên ngoài của tôi phù hợp với chuyện lãng mạn hơn là kinh dị (cười). Tôi viết trước tiên vì yêu thích đã. Tôi tin rằng người ta không thể làm tốt công việc nếu không yêu thích việc đó. Nếu bạn đến nhà tôi, sẽ thấy giăng hàng một giá sách “khủng” là bộ sưu tập tất cả những tiểu thuyết trinh thám đông tây kim cổ đã lọt vào mắt tôi. Cho đến giờ tôi vẫn có cảm giác háo hức là đi cho nhanh, làm cho mau xong việc để còn được đọc nốt cuốn trinh thám đang dang dở. Không có thể loại văn học nào tạo được cho tôi cảm xúc đó ngoài truyện trinh thám.
- Chị là một người đẹp viết truyện trinh thám. Văn là người, chị tự nhận thấy giữa thể loại tiểu thuyết này với con người chị có những điểm gì tương đồng? Nhà văn Di Li tự thấy mình có "bí hiểm" và "nguy hiểm" như các tác phẩm của chị không?
Có tương đồng chứ. Bình thường "hành tung" của tôi đôi khi cũng nhuốm màu trinh thám lắm. Ví dụ tôi gửi nick email hoặc password thẻ ATM cho ai để nhờ một việc gì đó thì bao giờ tôi cũng gửi chỉ dẫn vào mail của họ còn password tôi nhắn tin qua điện thoại. Để đảm bảo tuyệt mật ấy mà. Tôi có gửi chìa khóa nhà thì cũng thường chìa khóa cửa trong gửi một người, chìa khóa cửa ngoài gửi một người khác, theo nguyên tắc “Một chiếc hòm hai chìa khóa chia đôi”. Tôi cũng hay suy luận logic để đoán định hành vi và tâm lý người khác, thường có thể đọc được ý nghĩ trong đầu họ. Tôi có thể tìm đường ở một thành phố chưa đến bao giờ cách nửa vòng trái đất nhờ bóng nắng, hướng gió, âm thanh, mùi vị và các dấu hiệu logic khác. Riêng cái này là rất có lợi cho cuộc sống và công việc. Nhìn chung thì trong đời thường, thi thoảng tôi thấy người khác thốt lên “Đúng là nhà văn trinh thám” (cười). Tôi cũng cực thích những điều bí mật, bí ẩn và tôi rất kín đáo. Chuyện riêng tư của mình, của người chẳng bao giờ tôi hé lộ nửa câu. Tôi không thích buôn dưa lê như phụ nữ vốn vẫn thế. Bạn có thể không tin nhưng tất cả những người bạn gái thân nhất của tôi đều bình luận rằng tôi là loại kín như bưng, nói chuyện rất khó chịu. Tôi chỉ cởi mở và hoạt náo khi nói chuyện về những chủ đề rõ ràng như thời trang, thời tiết, thời sự… còn thì hễ cứ hỏi bất cứ gì sâu hơn liên quan đến cá nhân là tôi bắt đầu nói tránh và im lặng. Nghĩa là những gì mà công chúng biết về tôi thì bạn bè và người thân của tôi cũng biết bằng ấy thôi, hoặc nhiều hơn thế một ít, là những thói quen hàng ngày của tôi.
- Về thể loại tiểu thuyết trinh thám, chị ngưỡng mộ nhà văn nào nhất trên thế giới?
Trinh thám thời kỳ trước thì có một người vĩ đại là Agatha Christie. Thời hiện đại là Stieg Larsson.
- Được biết cuốn tiểu thuyết trinh thám "Trại Hoa Đỏ" của chị được bán bản quyền cho một hãng phim, chị hy vọng gì vào đứa con tinh thần của mình khi được chuyển thể thành phim?
Tôi bán bản quyền “Trại Hoa Đỏ” cho hãng phim Phương Sáng làm phim truyền hình từ năm ngoái. Còn bản quyền phim nhựa thì vẫn đang trong giai đoạn đàm phán vì 4 năm qua đã có không dưới 7 hãng phim liên hệ với tôi nhưng vẫn chưa thành vì một số điều kiện tôi đưa ra chưa thống nhất được với họ. Tôi thích “Trại Hoa Đỏ” được lên màn ảnh rộng hơn phim truyền hình. Nhưng nhìn chung, tôi không mấy hy vọng về câu chuyện điện ảnh này vì đã có hai đạo diễn rất nổi tiếng với những phim ăn khách nói thẳng với tôi rằng “Đạo diễn Việt Nam không làm được thể loại này đâu em ạ”.
- Làm nhiều công việc cùng một lúc, in đều sách mỗi năm, có bao giờ niềm đam mê công việc trở thành áp lực hay "ghánh nặng" khiến chị cảm thấy cần phải "buông" bớt? Lúc đó chị dành sự ưu tiên cho công việc gì?
Tôi đang buông bớt đấy thôi. Luôn luôn có những lời mời kêu gọi tôi làm cái nọ cái kia rất hấp dẫn nhưng tôi từ chối ngay, thậm chí không buồn hỏi kỹ về chúng cho... đỡ tiếc. Vài năm trước, việc gì tôi cũng muốn ôm vào người. Giờ vẫn làm những công việc đang làm nhưng không ôm thêm việc mới đã là tôi “buông” nhiều lắm rồi.
- Với thể loại trinh thám, có bao giờ chị cảm thấy mình cạn nguồn?
Không, tôi đang có hai cốt truyện trinh thám mới trong đầu. Cứ mong cuốn này nhanh viết xong để còn sang cuốn mới.
- Khi tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7" của chị được in dài kỳ trên báo VOV, sẽ có sự tương tác giữa nhà văn với độc giả sau mỗi chương, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với chị trong việc hoàn thiện tác phẩm?
Tôi rất mừng vì việc in phơi-ơ-tông trinh thám trước năm 1945 lại được hồi sinh. Phần vì lâu rồi không còn ai viết trinh thám, phần vì các báo ưa chuộng những thứ nhanh, gọn không kéo dài nên hơn nửa thế kỷ trinh thám không còn được in dài kỳ nữa. Cũng như khi tôi post dần từng chương “Trại Hoa Đỏ” lên blog hồi năm 2008, tôi vẫn “nghe ngóng” thông tin từ độc giả, nếu lỡ có ai đoán được thủ phạm là tôi sẽ chuyển hướng câu chuyện luôn. Rất may chưa độc giả nào làm được điều đó. Lần này “Câu lạc bộ số 7” được in dài kỳ, tôi cũng sẽ có cơ hội được lắng nghe độc giả như vậy, tôi mong họ sẽ song hành cùng với tôi trong quá trình viết, vì cho đến giờ tiểu thuyết vẫn đang được hoàn thành.
- Sách của nhà văn Di Li luôn được xếp vào hàng best - seller ở Việt Nam, nhưng với tình hình kinh tế hiện nay thì số lượng in sách của chị có... bị ảnh hưởng?
Thị trường sách hiện nay khó có thể dùng từ nào chính xác hơn để miêu tả ngoài từ “ế ẩm”. Như mọi hạng mục kinh doanh khác, sách cũng chịu chung số phận. Đang khó khăn về kinh tế, mấy ai còn có tâm trạng đọc sách văn học nữa. Tôi thân thiết với nhiều nhà sách nên rất hiểu câu chuyện về sách trong tình hình hiện nay. Những cuốn sách vừa qua của tôi vẫn được in số lượng như trước kia và vẫn được tái bản. Dù vậy tôi cũng vẫn lo ngay ngáy thay cho… nhà sách.
- Là một nhà văn viết trinh thám, chị nhìn nhận như thế nào về tình hình tội phạm hiện nay ở Việt Nam?
Tội ác ở Việt Nam ngày càng dày đặc hơn, man rợ hơn, tinh vi hơn, nhưng lại vì những lý do ngày càng trở nên giản đơn hơn. Đó là xu hướng tất yếu song hành cùng với sự phát triển của dân số, đô thị và kinh tế. Những gì tôi viết trong tiểu thuyết chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực mà thôi.- Xin cảm ơn nhà văn Di Li./.