Sáng nay (6/9) tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đài (7/9/1945-7/9/2018); đồng thời phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền giới thiệu cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”. Đây như một món quà chúc mừng nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN tròn 90 tuổi.

vov_1831_xuyq.jpg
Ra mắt cuốn sách "Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề".

Tới dự có ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội... cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; nguyên Tổng giám đốc, nguyên Phó Tổng giám đốc, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Đài qua các thời kỳ; nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà lý luận lão thành…

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang với Đài TNVN và ngành phát thanh, cũng như góp phần quan trọng trong việc xây dựng Luật Báo chí, Quy ước về đạo đức của người làm báo... Ngoài ra, Phan Quang còn được biết đến với vai trò chính khách, nhà văn hóa, dịch giả.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Phan Quang là một phong cách, nhân cách sáng ngời trong nền báo chí truyền thông nước nhà.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Phan Quang là một phong cách, nhân cách sáng ngời trong nền báo chí truyền thông nước nhà. Cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” được giới thiệu nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của nhà báo Phan Quang trong sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Hy vọng qua cuốn sách, gồm những bài viết, tư liệu, hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, người đọc sẽ thấy rõ hơn chân dung của nhà báo Phan Quang qua những góc nhìn khác nhau với nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hóa, báo chí, văn nghệ và truyền thông.

Cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” được PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền biên soạn để nhằm tri ân, tri ngộ người nhà báo, người thầy mà chị trân trọng, kính mến.

Chị chia sẻ, cuốn sách tập hợp, chọn lọc 99 bài báo viết về nhà báo lão thành Phan Quang của những tác giả có tên tuổi ở Việt Nam, trong đó có nhiều tác giả lớn đã đi xa như nhà báo Hoàng Tùng, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Viện sỹ Hoàng Trinh, nhà thơ Trần Nhật Thu, nhà giáo Trần Trọng Minh… Mỗi bài viết là một nét bút phác họa nên chân dung cây đại thụ của nền báo chí Cách mạng Việt Nam, một nhà văn hóa, một chính khách lịch lãm và tầm vóc. Cả cuộc đời hoạt động sôi nổi và đầy khí chất, nhà báo, nhà văn Phan Quang đã cống hiến cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam bằng cả niềm khát vọng, tinh thần trách nhiệm và lòng say mê.

Các khách mời đã cùng nhau trao đổi về cuộc đời, tình cảm, tình bạn và những đóng góp của nhà báo Phan Quang với lĩnh vực văn hóa, báo chí và truyền thông.

Trò chuyện trong buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Nguyên Trưởng khoa Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Phan Quang là một hiện tượng hiếm gặp trong nền báo chí và văn đàn Việt Nam đương đại. Ông không chỉ là nhà báo tài ba, phóng khoáng với tầm bao quát rộng và sâu mà ông còn là nhà văn, nhà văn hóa, một chính khách lịch lãm, tầm vóc. Qua bài viết trong cuốn sách này, tôi không chỉ góp phần lý giải hiện tượng Phan Quang giữa đời văn và đời báo mà còn muốn truyền tải thông điệp đến sinh viên báo chí, các nhà báo trẻ để hình thành nền tảng văn hóa, thái độ nhân văn với cuộc đời”.

Đam mê viết văn từ nhỏ nhưng lớn lên được tổ chức phân công làm báo, Phan Quang vẫn nỗ lực hết mình. Ông xúc động chia trong buổi ra mắt cuốn sách: “Tôi nỗ lực hết mình, và để tự an ủi, tôi nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viển vông”.

Nhà báo Phan Quang đã tròn 90 tuổi.

Phan Quang nói, ông đã để nghề báo "ngập lụt" cuộc đời mình. Và cũng đã muộn để dành thời gian rỗi rãi chuyên tâm sáng tác văn học, làm nên một vài tác phẩm để đời. Và để kết thúc nỗi niềm, ông nói vui: “Con người ai chẳng có mối tình đầu. Nhưng đến mức tuổi tôi hôm nay mà chỉ biết mải mê săn đuổi mối tình đầu, chẳng hóa ra mình phụ bạc người vợ hiền gắn bó bên nhau từ thuở muối dưa?”

Làm báo và viết văn từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp với nhiều tác phẩm báo chí thấm đẫm hơi thở cuộc sống và thời cuộc, đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Với sự nghiệp viết gồm khối lượng sách báo, văn chương… đồ sộ của các thể tài, thể loại báo chí, văn học lớn nhỏ, từ xã luận, chuyên luận, tiểu luận, bình luận, phóng sự, điều tra, tuỳ bút, bút ký, hồi ký, chân dung, khảo luận… đến dịch thuật, ta vẫn cảm nhận được chất tươi mới, sự trẻ trung trong cuộc đời lao động sáng tạo của Phan Quang.

Các tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày trong suốt cả cuộc đời làm báo: hơn 6 năm ở báo Cứu Quốc, hơn 28 năm làm ở báo Nhân Dân, 9 năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội…

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng nhà báo Phan Quang.

“Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” không chỉ khắc họa nét chân dung, tính cách con người nhà báo, nhà văn, nhà chính khách vĩ đại này mà còn chứa đựng những ý kiến của những người quản lý, chuyên gia hàng đầu đất nước trên lĩnh vực báo chí truyền thông cũng như trong văn học. Qua đó, các tác giả còn muốn gửi gắm đến bạn đọc, những người ham mê nghề báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ có thể học tập, rút ra nhiều kinh nghiệm trong sự nghiệp về phong cách, đạo đức làm nghề.

Đối với cá nhân nhà báo Phan Quang, ông cho rằng cuốn sách là một công trình khoa học nghiêm túc, đồng thời là vật kỷ niệm đối với một người đồng nghiệp cao niên như ông. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định trước hết đây là cuốn sách đẹp. Cái đẹp không chỉ về nội dung, hình thức mà hơn nữa cuốn sách còn là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của những người anh em, những thế hệ nhà báo dành tặng nhà báo lão thành Phan Quang. Theo ông Hồ Quang Lợi, Hội Nhà báo Việt Nam đang xem xét, tập hợp ý kiến để có hình thức vinh danh những cống hiến các nhà báo lão thành trong đó có nhà báo Phan Quang cho nền báo chí cách mạng Việt Nam./.