Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm nay, nhiều tỉnh thành trong nước đã tổ chức hội sách, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sách và đọc sách. Tuy nhiên, mục tiêu “ tôn vinh giá trị của sách, hưởng ứng xã hội học tập, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng...” xem ra vẫn còn xa vời, khi việc tiếp cận với sách còn chênh lệch khá lớn giữa nông thôn và thành thị, mỗi học sinh ở nông thôn, chỉ đọc 0,8 cuốn sách trong một năm.

Tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Hội sách được tổ chức rầm rộ, trưng bày hàng trăm gian hàng của hàng trăm đơn vị xuất bản, phát hành sách..., thu hút hàng chục vạn lượt khách đến tham quan, mua sách và đọc sách. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng: Hội sách mới chỉ đáp ứng nhu cầu sách cho độc giả ở các thành phố lớn.

img_0694_optq.jpgHội sách thu hút rất nhiều người tham gia

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hội sách mới là bước thử nghiệm để tổ chức quảng bá, giới thiệu sách đến với bạn đọc bằng hình thức sinh hoạt cộng đồng, để thu hút người dân đến với sách: “Ngoài hoạt động chung của Trung ương thì các tỉnh, thành phố, các địa phương, các bộ ngành đều  tổ chức Ngày Sách Việt Nam. Tức là chúng ta có một ngày hội trong toàn quốc. Nếu như hội sách này ngày một phát triển thì tôi hi vọng rằng lực lượng, chủ thể tham gia hội sách này sẽ rộng hơn và chúng ta sẽ từng bước đưa hội sách đến với người dân. Người dân đến với sách và tự họ tổ chức các hoạt động gắn với sinh hoạt của mình thì tôi nghĩ việc tổ chức ngày Sách sẽ hiệu quả hơn”.

Đông người mua sách mới chỉ thể hiện một phần sự hưởng ứng của người dân với Ngày Sách, mà chưa thể nói rằng nhiều người tham gia đã là thành công trong việc xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Hiện đang có sự chênh lệch khá lớn tỉ lệ người được đọc sách giữa thành thị và nông thôn. Nếu như ở thành phố, gia đình nào cũng có tủ sách thì ở nông thôn, đa phần trẻ em thiếu sách đọc, thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn thiếu quan tâm đến việc mua sách, hướng dẫn con đọc sách. Một cuộc điều tra cho thấy, hiện trẻ em nông thôn chỉ đọc được 0,8 cuốn sách trong một năm.

Chương trình "Sách hóa nông thôn" qua mấy ngày cũng chỉ quyên góp được 500 đầu sách

Anh Nguyễn Ngọc Tuân, một thành viên của chương trình cho biết: “Có thể nói văn hóa đọc theo cảm nhận của tôi chưa cao. Nếu chỉ nhìn vào hội sách mà nói Việt Nam có văn hóa đọc là chưa chính xác, vì đa phần người mua sinh sống ở thành phố. Còn ở nông thôn như chúng tôi khảo sát trước khi về làm tủ sách, học sinh ở đó chỉ được đọc 0,8 đầu sách/ năm. Còn trẻ em ở  thành phố có thể được đọc 30-40 đầu sách”.

Ông Nguyễn Kiểm - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho biết: Hội Xuất bản đang đề nghị với Bộ Giáo dục Đào tạo xây dựng hệ thống các thư viện trường học. Bên cạnh đó là phải xây dựng các tủ sách dòng họ. Đây là những con đường góp phần đưa sách đến với nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

“Chúng ta đang còn nợ những người dân ở nông thôn một món nợ lớn - đó là món nợ về văn hóa. Không phải người nông dân ở nông thôn thiếu điện, thiếu đường đi, trường học mà thiếu cả sách. Trong thời gian sắp tới, những cuốn sách này phải đến được với người nông dân qua các tủ sách dòng họ”, ông Nguyễn Kiểm nói.

Nói là vậy, nhưng thực tế, để lấp khoảng trống về nhu cầu hưởng thụ sách cho trẻ em nông thôn cũng không phải dễ dàng. Đơn cử như tại hội sách Hà Nội, chương trình “Sách hóa nông thôn”  tổ chức vận động xây dựng các hình thức: tủ sách phụ huynh, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ...giúp trẻ em nông thôn, qua mấy ngày cũng chỉ quyên góp được khoảng 500 đầu sách. 

Vì vậy, xây dựng văn hóa đọc không thể chỉ nhìn vào việc bán sách  nhiều hay ít. Mà cần nhất là sự chung tay của toàn xã hội trong việc tổ chức tuyên truyền vận động xây dựng các tủ sách theo dòng họ, làng xã. Cùng với đó là sự gương mẫu của người lớn trong việc xây dựng thói quen đọc sách, văn hóa đọc sách cho con trẻ ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường./.