Nhà thơ Trương Hữu Lợi sinh năm 1948 tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam trong một vùng đất vốn có truyền thống văn thơ. Năm 1972, nhà thơ Trương Hữu Lợi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường ĐH Tổng hợp Lotdi, Ba Lan. Trong sự nghiệp cầm bút, nhà thơ Trương Hữu Lợi đã có nhiều sáng tác để lại ấn tượng mạnh như: “Nhịp ngựa hoang”, “Cõi hoang”, “Ru hồn”, “Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi”...
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại chương trình văn nghệ giành cho thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Trương Hữu Lợi có nhiều sáng tác gần gũi với các em nhỏ. Giọng thơ của ông có nét mộc mạc giản dị, nhưng lại hàm chứa nhiều ẩn ý sâu xa như: “Gặp trưa lửa đốt trắng đầu/ Lúa xanh cỏ biếc nát nhàu chân cua.” (Hát ru cánh cò).
Nhà thơ Trương Hữu Lợi chia sẻ tại "Không gian thơ". (ảnh: T.P) |
Chương trình “Không gian thơ” là cơ hội để nhà thơ Trương Hữu Lợi trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề cùng các đồng nghiệp và độc giả. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí ấm cúng và cởi mở. Tại đây, nhà thơ Trương Hữu Lợi đã lần đầu tiên công bố những ẩn ý phía sâu bên trong các tác phẩm của mình.
Điển hình như bài thơ nổi tiếng: “Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi”. Từ trước đến nay, người yêu thơ đều coi đây là một tác phẩm viết về tình yêu đôi lứa. Nhưng theo tiết lộ của nhà thơ Trương Hữu Lợi, bài thơ lại là lời tri ân của ông dành cho một nữ đồng nghiệp đã quá cố. Sau khi bà mất, nhà thơ Trương Hữu Lợi đã thức trắng hai tuần để thai nghén ra tác phẩm này:
Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi
Ngọn gió gối tay anh mà ngủ
Một phút êm đềm rồi thôi
Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi
Con đường em qua gập ghềnh đá sỏi
Mảnh lá thu thầm rơi
Nắng nhạt, chiều rồi, em ơi
Đèo cao, suối sâu gót mòn lối nhỏ...
Qua “Không gian thơ”, người yêu thơ hiểu thêm được phần nào những suy nghĩ, trăn trở của một cây bút đã thành danh như Trương Hữu Lợi. Bên cạnh những bài thơ bay bổng, dí dỏm dành cho thiếu nhi vốn đã gắn với tên tuổi của nhà thơ Trương Hữu Lợi thì tâm hồn thơ của ông vẫn có những góc rất sâu lắng và khiến nhiều người đọc phải suy ngẫm./.