Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia. Quá trình đấu tranh để dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam dẫu có lúc thăng trầm, những bước thịnh suy, song đã hun đúc nên truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất để gìn giữ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả trên bộ, trên biển và trên không.
Điều này đã được khẳng định trong các Tuyên ngôn độc lập: Nam quốc sơn hà (thời Tiền Lê - Lý); Bình Ngô đại cáo (thời Hậu Lê); Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013...
Bộ sách đồ sộ về biển, đảo Việt Nam với trên 20 đầu sách. |
Chắc hẳn không phải mọi người dân Việt Nam đều hiểu biết một cách tường minh về nguồn gốc lịch sử, vị trí địa lý cũng như việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng khi nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thì không một người dân Việt Nam nào không biết đó là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Từ lâu, Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước và các thế hệ người Việt Nam bảo vệ, quản lý và khai thác.
Điều này không chỉ lưu lại trong cổ sử Việt Nam, mà còn được quốc tế thừa nhận trong các tư liệu còn lưu trữ. Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, và công bố những công trình sưu tập, nghiên cứu khoa học có liên quan đến những tư liệu nằm trong thư tịch, sách, bản đồ cổ... có giá trị pháp lý chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày này 32 năm trước (14/3/1988), 64 chiến sỹ hải quân đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền đất nước tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Trong giờ phút sinh tử, giữa họng súng quân thù, các chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc.
Các chiến sĩ dặn nhau “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Câu nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là ký ức bi tráng không thể nào quên của mỗi người dân Việt Nam về những con người quả cảm; sự hy sinh anh dũng của các anh đã dựng thành những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc.
Nhằm kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước; đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân Việt Nam nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong những năm qua, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các học giả, nhà sử học, các nhân chứng lịch sử không ngừng nỗ lực sưu tầm những tư liệu, chứng cứ pháp lý, chứng tích lịch sử của Việt Nam trên Biển Đông, xuất bản bộ sách đồ sộ về Biển, Đảo Việt Nam với trên 20 đầu sách.
Đây chính là cơ sở pháp lý và những bằng chứng lịch sử có tính thuyết phục thể hiện vững chắc chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển khác trên Biển Đông của Việt Nam. Thông qua những tư liệu được giới thiệu, bạn đọc có thể thấy rõ: Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, được các triều đại phong kiến, các nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách liên tục và hòa bình./.