Cuốn sách dày 800 trang, in trên giấy tốt, trình bày bìa khá gợi. Nó không chỉ gợi nhớ câu thơ nổi tiếng “Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan/Đường bạch dương sương trắng nắng tràn” mà mở ra trước mắt bạn một con đường phủ đầy tuyết trắng, những thân cây khẳng khiu và bóng người lảo đảo đi trên một con đường vô định.
Bìa cuốn tiểu thuyết "Tuyết hoang"
Trong thời đại Internet tiến nhanh như vũ bão, một cuốn sách 800 trang, lại do một tác giả không chuyên viết, thoạt cầm ai cũng thấy ngại nhưng càng đọc càng bị cuốn hút. Nhân vật nguyên là một trí thức Hà Nội, tìm mọi cách để được đi nghiên cứu sinh ở Ba Lan những mong để đổi đời. Người đọc được quay trở lại một thời, khi mà người đi nghiên cứu sinh đa phần là những người thực học, có học và có thi, cũng có dàn xếp, cũng có quan hệ, quà cáp, nhưng chưa nặng nề, chưa thành tệ nạn. Về cơ bản, người đi đều là những người xứng đáng.
Bi kịch chỉ bắt đầu xảy ra khi những trí thức trẻ này sang được nước người, áp lực của cuộc sống gia đình, của xã hội, của lợi nhuận thu được biến họ trở thành người “ngày đêm quay cuồng với vòng xoáy của đồng tiền”. Mua hàng chỗ rẻ bán chỗ đắt. Đánh hàng từ Việt Nam sang, từ Trung Quốc tới, mua tận ngọn, bán tận gốc. Mua vàng mua đô, mua kim loại quý hiếm. Tranh giành bạn hàng, tranh giành thị trường, lừa lọc nhau. Biến nhà ở thành kho xưởng, biến cả một chung cư, một sân vận động thành chợ giời. Dùng hộ chiếu đỏ, hộ chiếu công vụ để vận chuyển tiền, hàng… Đủ cả!
Cuộc sống tha phương nơi xứ người tạo nên những cuộc tình tay đôi, tay ba, những cuộc tình vụng trộm, những cuộc tình dựa vào nhau để sống. Những ông trùm, chủ soái chi phối cả một hệ thống hàng hóa, mạng lưới bán buôn, bán lẻ. Tiền bạc có lúc chảy vào như nước, thoáng chốc lại mất sạch. Trong mối quan hệ người với người, có nhiều cuộc tình tưởng là bền chặt, có nhiều gia đình tưởng là hạnh phúc, nhưng rồi cũng tan nát cả, cuối cùng chỉ còn lại cảm giác rã rời, trống rỗng của tâm hồn...
Tác giả Trần Quốc Quân vốn xuất thân từ làng Vũ Đại (Hà Nam), quê hương của nhà văn Nam Cao, cha đẻ của tác phẩm “Chí Phèo” nổi tiếng. Như lời tự bạch của tác giả, “Tuyết hoang” mô tả cuộc sống của làng Vũ Đại hôm nay bên bờ sông Wisla. Thoạt đầu, ông viết từng hồi trên trang Facebook của mình với nhan đề “Em ơi Ba Lan” như một tự truyện, được bạn bè xa gần cổ vũ nên đã dành 26 tháng để viết thành cuốn tiểu thuyết này.
Tác giả Trần Quốc Quân trong buổi giới thiệu và ký tặng sách cho độc giả
Lối kế chuyện tưởng chừng khá đều đều, không xây dựng thành tuyến nhân vật mà tất cả đều xoay quanh công cuộc mưu sinh của chàng nghiên cứu sinh Nguyên tên - một người không cam chịu đói nghèo, u ơ bước vào thương trường rồi được thương trường “dạy dỗ”. Không đao to búa lớn trong ngôn từ, bóng dáng “xã hội đen” cũng chỉ thấp thoáng nên không có những cảnh bạo lực rùng rợn… Nhưng đã đọc “Tuyết hoang”, người đọc sẽ theo sát từng mạch truyện vì không biết câu truyện sẽ đi đến đâu.
Kết thúc của “Tuyết hoang” là một kết thúc buồn. Nhưng khi khép lại 800 trang sách, trong toàn bộ câu chuyện đau buồn ấy, nhiều bạn đọc có thể rút ra những giá trị sống cho mình. Trước hết là sự chia sẻ với những đồng bào đang phải tha phương cầu thực nơi đất khách quê người. Chúng ta cùng đau nỗi đau của những lỗi lầm mà một thời xã hội mình mắc phải và vẫn thấy le lói trong cuộc sống tưởng như chộp giật ấy những phẩm giá, những con người luôn muốn giữ cho mình một tình người.
Thêm nữa, “Tuyết hoang” cũng mở ra một góc nhìn khác về đất nước và con người Ba Lan, quê hương của nhạc sĩ Chopin vĩ đại. Người đọc có thể cảm thông hơn với Ba Lan và có cảm giác rằng Trần Quốc Quân khi viết “Tuyết hoang” như trả một món nợ ân tình đối với một đất nước, một dân tộc đã cưu mang những người con dân đất Việt, trong đó có ông.
Tác giả Trần Quốc Quân hiện là một doanh nhân người Việt thành đạt ở Ba Lan. Ông đã tham gia sáng lập tờ báo “Quê Việt” phát hành ở Ba Lan. Không biết sự nghiệp sáng tác của ông sẽ đi tới đâu, nhưng với “Tuyết hoang”, thiết nghĩ ông đã thành công khi trải tấm lòng của mình ra với bạn đọc, giúp bạn đọc xa gần thêm yêu mến hơn những người Việt đang bôn ba nơi xứ người, thêm yêu hơn đất nước Ba Lan mà ông đang sinh sống./.