Sáng 18/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo “Bảo hộ quyền tác giả văn học” với sự tham dự của nhiều nhà văn, dịch giả. Đây là chương trình do Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, đại diện Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam cho biết, trong năm 2013, tiền bản quyền thu được là 15 triệu đồng và đã được chuyển toàn bộ đến các tác giả. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa Trung tâm và các nhà văn, dịch giả chưa thực sự mạnh mẽ. Do vậy, một thực tế đặt ra là cơ chế phối hợp giữa tác giả và Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam chưa thực sự hiệu quả.
Hội sách mùa thu 2013 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Trần Ngọc) |
“Các nhà văn đôi khi uỷ thác cho Trung tâm bảo hộ quyền tác giả của mình nhưng nhiều khi Nhà xuất bản đến lại trực tiếp kí luôn với Nhà xuất bản mà không qua Trung tâm. Vì vậy, nhận thức về chức năng của Trung tâm bản quyền và trách nhiệm của nhà văn chưa thật thấu đáo và còn đơn giản.” - nhà văn Nguyễn Trí Huân chia sẻ.
Tại hội nghị, các nhà văn, nhà quản lý văn hoá cũng khẳng định, bản quyền tác giả văn học đang bị bỏ lửng. Trong khi các đơn vị quản lý như Cục bản quyền tác giả, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam chưa phát huy hết vai trò của mình nên tình trạng xâm phạm bản quyền như: in sách lậu, sử dụng văn bản tác phẩm với nhiều mục đích khác nhau… vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Dịch giả Trần Đình Hiến (tác giả của rất nhiều bản dịch tác phẩm văn học Trung Quốc) chia sẻ, nếu tính riêng bản dịch “Báu vật của đời” (Mạc Ngôn) thì ít nhất phải có 300.000 cuốn in lậu.
“Khi sách bán chạy, các Nhà xuất bản, các đầu nậu sách in nối bản, trốn thuế VAT, trốn luôn cả nhuận bút của tác giả. Theo tôi, điều đó là do sự bất lực của cơ quan quản lý về xuất bản chứ không chỉ là chuyện riêng về bản quyền. Tôi đã kí Công ước Berne nhưng, cho đến nay vẫn không có một bộ phận hữu hiệu nào để quản lý những việc này nên bàn những chuyện khác bây giờ chỉ là viển vông.” - dịch giả Trần Đình Hiến cho biết.
Một trong những vi phạm bản quyền văn học phổ biến nhất được đề cập tại hội nghị chính là mảng sách giáo khoa và việc sử dụng tác phẩm văn học “tự do” tại một số cơ quan truyền thông. Đây là hai lĩnh vực chưa được kiểm tra và bắt buộc phải trả bản quyền tác giả văn học./.