Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly vừa ra mắt album Vol.3 "Lời ru nguồn cội" với những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Đây là một bất ngờ không nhỏ với khán giả đã yêu mến cô lâu nay.
Tên tuổi của Khánh Ly gắn liền với dòng nhạc thính phòng. Cô từng giảnh giải Ba dòng nhạc thính phòng tại Sao Mai 2011, Á quân cuộc thi Hát thính phòng – Nhạc kịch TP.HCM 2017. Hiện tại, cô là thạc sĩ – giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đang làm nghiên cứu sinh thanh nhạc.
Làm album dân gian theo ước nguyện của “ca sĩ xóm”
Chia sẻ về việc liều mình làm album dân gian, Khánh Ly cho biết, điều thôi thúc cô thực hiện chính là cha của mình. Cha cô là một người rất yêu ca hát, ngày trong quân ngũ ông kiêm cả “chân” văn nghệ hát cho đồng đội nghe. Khi xuất ngũ về sống ở quê hương Nghĩa Đàn, Nghệ An, ông vẫn hát bất cứ khi nào có thể, kể cả lúc ăn cơm và ông nhận mình là “ca sĩ xóm”. Ông đặc biệt yêu dòng nhạc mang âm hưởng dân gian và mong con gái sẽ làm một album dân gian tặng mình.
Trước đề nghị của bố, Khánh Ly rất hào hứng. “Thực ra Ly yêu âm nhạc dân gian từ bé. Những ca khúc dân gian đã ngấm vào máu thịt, như một dòng chảy hiện hữu trong cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam nhiều thế hệ và Ly cũng không ngoại lệ”, Sao Mai Khánh Ly chia sẻ.
Hào hứng là vậy, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, cô mới thấy rất nhiều khó khăn. “Ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Ly học và dạy dòng nhạc chính thống, là những ca khúc cách mạng, những Aria, Romance của tác giả người nước ngoài. Việc “nhiễm” rất nhiều kỹ thuật, học thuật là đương nhiên. Khi hát những ca khúc mang âm hưởng dân gian, cần đi vào chiều sâu tâm hồn, cảm xúc nên phải bỏ bớt những kỹ thuật ra. Có những bài hát Ly thu đi thu lại rất nhiều lần mới ưng ý”, nữ ca sĩ cho biết.
Album "Lời ru nguồn cội" gồm 12 ca khúc, mang đủ âm hưởng dân ca 3 miền Bắc – Trung - Nam, gồm "Non nước hữu tình" (Thanh Sơn), "Đất nước lời ru" (Văn Thành Nho), "Hà Nội – Huế - Sài Gòn" (Hoàng Vân), "Hà Nội linh thiêng hào hoa" (Lê Mây), "Điệu ví dặm là em" (Quốc Nam), "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (Hoàng Hiệp), "Ngược dòng Hương Giang" (Đức Thịnh), "Dáng đứng Bến Tre" (Nguyễn Văn Tý), "Bài ca thống nhất" (Võ Văn Di), "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận), "Mơ quê" (Nguyễn Tài Tuệ), "Lời ru nguồn cội" (Xuân Thủy).
Ngoài ca khúc chủ đề "Lời ru nguồn cội" là bài hát mới của nhạc sĩ Xuân Thủy, 11 ca khúc còn lại trong album đều là những bài rất hay, “đóng đinh” với tên tuổi của nhiều bậc tiền bối. Khánh Ly không tìm cách làm mới ca khúc bởi cô quan niệm: làm mới, xét đến cùng, chính là thể hiện ca khúc bằng giọng hát của riêng mình, tâm hồn của riêng mình, cảm xúc của riêng mình.
Bởi thế 11 ca khúc quen thuộc trong album được thể hiện hồn hậu nhất, giản đơn nhất, không quá cầu kỳ trong hòa âm phối khí. “Dù không cầu kỳ, nhưng tôi thực sự ưng ý với phần phối khí của các nhạc sĩ trẻ. Họ có những ý tưởng rất văn minh. Dựa trên những làn điệu cổ, họ vẫn giữ lại những đường nét dân gian nhưng với tiết tấu tươi mới hơn, thậm chí là theo kiểu acoustic trẻ trung, đơn giản mà vẫn đi vào lòng người”. Cô dùng lối hát nắn nót, chuẩn mực, dung dị mà vẫn khoe được chất giọng sang trọng và đầy nữ tính trong album "Lời ru nguồn cội".
Vốn là ca sĩ dòng thính phòng, nên việc chọn một bài hát đậm đặc chất dân gian như "Non nước hữu tình" mở đầu là sự mạo hiểm. Nếu không chạm được vào khán giả ngay từ phút đầu, rất khó để “vực” cảm xúc của người nghe. Nhưng Khánh Ly đã tạo bất ngờ cho cả những ai đã quen với giọng hát của cô. "Non nước hữu tình" qua tiếng hát của Khánh Ly tươi vui một cách tự nhiên, như đang chuyện trò với những người bạn cũ thân quen.
Tiếp đó, sau "Đất nước lời ru", "Hà Nội – Huế - Sài Gòn", "Hà Nội linh thiêng hào hoa", sự chuyển đổi đột ngột về giọng hát và cảm xúc của Khánh Ly sang "Điệu ví dặm là em" khiến người nghe như chùng xuống vì cảm động.
Khánh Ly có cha là người Nghệ An, cô sinh ra ở vùng đất miền Trung nắng gió và theo mẹ ra Bắc từ năm lớp 8, không còn được ở bên người cha của mình. Có bao nhiêu nhớ thương và nuối tiếc đều được Khánh Ly dồn cả vào ca khúc này. Điều này cũng lý giải được vì sao cô hát những ca khúc mang âm hưởng dân gian miền Trung lại đằm, da diết, chạm đến trái tim người nghe đến thế.
"Lời ru nguồn cội" là ca khúc mới duy nhất của album, được chọn làm bài hát chủ đề và cũng là bài hát cuối. Khánh Ly đã thành công khi tạo ra được dư âm bằng ca khúc này. "Lời ru nguồn cội" không hoàn toàn là một ca khúc dân gian. Khánh Ly đã phô diễn kỹ thuật thanh nhạc và dùng lối hát bán cổ điển để giới thiệu tác phẩm chưa ca sĩ nào thể hiện này tới công chúng.
Chia sẻ thêm về tựa đề "Lời ru nguồn cội", Sao Mai Khánh Ly cho biết, cô rất tâm đắc với tên gọi này. “Con người chúng ta ai cũng có nguồn cội, đó là quê hương. Với album này, Ly muốn gửi đến người nghe thông điệp: Dù chúng ta đi đâu, trưởng thành ở nơi nào cũng luôn phải nhớ về quê hương – nơi đã sinh ra mình, nuôi dưỡng tâm hồn của mình, cho mình tiền đề để thành người, thành danh”.
Dành 4 năm để thực hiện album
Trong 3 album đã phát hành là "Miền xa thẳm", "Mùa lá đi qua" và "Lời ru nguồn cội" thì album Vol.3 chiếm kỷ lục về thời gian thực hiện của Sao Mai Khánh Ly. Phải mất 4 năm kể từ khi bắt tay vào làm, cô mới chính thức ra mắt album.
Một phần là cô quá kỹ tính, bài hát phải thu đi thu lại rất nhiều lần mới ưng ý, một phần là do khá bận rộn với việc dạy và học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thêm vào đó, dịch Covid-19 cũng khiến album của cô bị chậm một nhịp.
Đến nay, sau 4 năm, Khánh Ly quyết định phát hành album Vol.3 Lời ru nguồn cội vào ngày 30/12, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật của mình. Cô coi đó là một dấu ấn đón tuổi mới cho mình, cũng là món quà cô gửi tặng người cha và tặng quê hương miền Trung. Nữ ca sĩ cũng không phát hành đĩa CD truyền thống mà chọn kênh online. “Không chỉ vì tôi muốn tiết kiệm chi phí sau những khó khăn do dịch bệnh gây ra mà còn bởi tôi muốn âm nhạc của mình sẽ đến được với nhiều người trẻ hơn nữa”, Khánh Ly cho biết.
Cùng với việc đánh dấu tuổi mới, dành tặng cha và quê hương, album "Lời ru nguồn cội" cũng là “của để dành” mà Sao Mai Khánh Ly muốn trao cho các học trò của mình. Học trò của Khánh Ly cũng có nhiều em hát dân gian, và khi thực hiện album dân gian, cô có thể thuận tiện dạy bài hay cho học trò bản phối để các em có thể đi hát, vừa rèn luyện bản lĩnh sân khấu vừa có thêm thu nhập./.