Trên nền bối cảnh một làng nghề làm gốm và giỏi võ nổi tiếng ở đất Thủ - làng Tân Phước Khánh với những con người giàu lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp cướp nước như Hai Nghĩa và đại gia đình của anh là Tám Thịnh, Chín Khương… “Thời gian không chờ đợi” là một cuốn sử Biên Niên ghi chép những trang sử hào hùng thẫm đẫm máu và nước mắt của Đất và Người Bình Dương.

Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Trần Vịnh cùng dàn diễn viên Mai Hải Anh, Quốc Vinh, Hà Phạm, Thái Trung Việt, Ba Gò vấp, Tuấn Phương, người mẫu La Ngọc Duy…, bộ phim chiến tranh cách mạng “Thời gian không chờ đợi” đã khắc ghi lại khá chi tiết chiều dài lịch sử xuyên suốt từ những phong trào kháng Pháp của nông dân đầu thế kỷ, Nam Kỳ Khởi nghĩa 1940 nổ ra, Cách Mạng Tháng Tám thành công rồi đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 chia đôi đất nước, chiến tranh chống Mỹ và tới tận ngày hòa bình thống nhất đất nước 1975.

quocvinh.jpg
Diễn viên Quốc Vinh (phải, vai Ba Thương) và diễn viên Hồng Hạnh (vai Út Tuyền- mẹ Ba Thương)

Bên cạnh đề tài chiến tranh đầy khốc liệt, “Thời gian không chờ đợi” còn là một câu chuyện tình yêu đẹp nhưng dang dở bởi sự hy sinh lớn lao của nhân vật Ba Thương (Quốc Vinh đóng). Ba Thương- chàng cán bộ sau giải phóng đã trở thành tổng biên tập một tờ báo ở Miền Đông. Cũng như bao chàng trai khác, Ba Thương hết lòng thương yêu Mai Hằng (Hà Phạm đóng) và muốn xây dựng hạnh phúc với người con gái đáng yêu không may bị hãm hiếp. Mặc dù cảm động trước tấm lòng của chàng trai trẻ nhưng Mai Hằng vẫn từ chối bởi cô cho rằng cô không xứng đáng được nhận tấm chân tình của Ba Thương.

Giọt nước mắt của Ba Thương trong phim "Thời gian không chờ đợi"

Không thành công trong tình cảm nhưng sự nghiệp của Ba Thương dường như đã thuận lợi hơn rất nhiều. Từ một tổng biên tập của tờ báo nhỏ, anh đã trở thành giám đốc của một Đài truyền hình lớn của tỉnh ở Miền Đông. Thế nhưng, một lần nữa, bi kịch lại tiếp tục xảy ra khi anh phát hiện mình đã mắc căn bệnh “thế kỷ”- ung thư giai đoạn cuối. Thời gian sống chỉ tính từng ngày và câu chuyện tình yêu với Mai Hằng vẫn còn dang dở nên Ba Thương vùi đầu vào công việc để quên đi chuỗi ki bịch đau đớn đã xảy ra với mình. Sự sống và cái chết mong manh nhiều khi đã khiến Ba Thương gần như ngã quỵ, nhưng “lời thề” với quê hương là xây dựng tháp truyền hình đã thôi thúc anh tiếp bước. Sau thời gian ngắn, “công trình của quê hương” đã hoàn thành và đó cũng là lúc Ba Thương ra đi mãi mãi. Sự hy sinh lớn lao của anh đã để lại trong lòng người thân, bạn bè và đồng nghiệp bao nuối tiếc. Nhưng vẫn còn đó, cuốn hồi ký do chính tay Mai Hằng viết vẫn vương vấn đâu đây.

Một cảnh trong phim "Thời gian không chờ đợi"

Không dừng lại ở đó, “Thời gian không chờ đợi” còn là bài học được thế hệ sau đúc rút kinh nghiệm từ chính cha ông của mình. Từ đống hoang toàn đổ nát sau chiến tranh và cái nghèo đói đeo đẳng những thế hệ sau đã vượt qua, bước đi theo con đường mà cha ông ta đã gây dựng. Họ vươn lên, tự “cởi trói”, một lòng một dạ theo Đảng, theo bác Hồ, cùng chung tay góp sức xây dựng lại quê hương giàu đẹp như ngày hôm nay./.