Ý tưởng về việc xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã hình thành từ năm 2007 cho đến nay. Qua 11 năm, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã trình 2 dự thảo và hiện đang dự thảo lần thứ 3 cho Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dự kiến vào đầu năm 2019 Quỹ sẽ chính thức được thành lập.

Có thể thấy, được khởi động từ Liên hoan phimViệt Nam lần thứ 17 (tháng 12/2011), và qua 11 năm, dù được đưa ra bàn thảo rất nhiều lần không chỉ ở các Hội thảo về điện ảnh Việt Nam, hay trong Liên hoan phim, mà còn ở các “trại” sáng tác, hội chợ phim Việt… nhưng cho đến nay Quỹ mới bắt đầu có những động thái tích cực.

chaconcon_forc.jpg
Poster phim "Cha cõng con".

Đầu tháng 8/2018, những người làm điện ảnh Việt háo hức trước thông tin về sự ra đời của Quỹ Đầu tư giải trí Việt Nam-Vietnam Entertainment Fund- VEF, do 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng góp vốn, hỗ trợ vốn, đảm bảo tài chính cho các nhà sản xuất phim tại Việt Nam.

Đây là dạng quỹ đầu tư về giải trí mở, hoạt động theo mô hình Công ty Holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác) đầu tiên tại Việt Nam với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu USD (khoảng 1.150 tỷ đồng).

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt

Sau gần 11 năm bàn thảo, dự kiến vào đầu năm 2019, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ chính thức được thành lập. Quỹ do Chính phủ cấp vốn, bên cạnh đó còn có các nguồn vốn đến từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim (đề nghị là 3%);

Nguồn thu từ việc phát hành, phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước sau khi đã trừ đi mọi chi phí; Nguồn thu từ những khoản đóng góp tự nguyện, viện trợ, tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Đối tượng được Quỹ hỗ trợ gồm: Các nhà làm phim, tác phẩm điện ảnh, dự án sản xuất phim, dự án sản xuất, quảng bá phim, các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức trại sáng tác kịch bản và xây dựng dự án sản xuất phim, quảng bá phát hành phim Việt Nam ở trong và ngoài nước.

"Đảo của dân ngụ cư".

Thực tế cho thấy, sản xuất phim là một lĩnh vực yêu cầu đầu tư kinh phí lớn, nhưng việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro, đặc biệt là các phim nghệ thuật. Vì vậy, Quỹ có vai trò để hỗ trợ, khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất trong lĩnh vực này. Sự cần thiết cũng như tác dụng của quỹ là điều không thể bàn cãi. 

Nhưng tất cả vẫn chỉ là trên giấy trong dự thảo, việc xây dựng Quỹ rất nhiều khó khăn và trở ngại. Trở ngại lớn nhất cho việc hình thành Quỹ là nguồn tài chính đến từ đâu? Để tồn tại Quỹ phải có nguồn thu ổn định và nguồn thu này theo thông lệ quốc tế trích từ tiền thu được từ việc bán vé xem phim. Điều đó đảm bảo cho hoạt động của quỹ.

Tuy nhiên đề xuất này ở Việt Nam lại vướng với nhiều luật như luật thuế, luật phí, lệ phí, luật ngân sách… Các quy định về tài chính chưa cho phép chúng ta thực hiện điều đó. Mà nếu không có nguồn thu ổn định thì Quỹ rất khó thành lập và không khả thi. Xem ra việc này phải có sự quan tâm lớn hơn của Nhà nước, và những thay đổi thật sự về mặt cơ chế, chính sách thì mới có thể thành lập được quỹ.

Khi tài trợ bên ngoài thì phim “mất” quốc tịch

Trong khi chờ đợi sự ra tay giúp đỡ của Nhà nước, vẫn cứ chờ dù 11 năm rồi, và hy vọng năm 2019 sẽ thành lập Quỹ, nhưng xem ra hiện tại điện ảnh Việt vẫn phải cần những Quỹ hỗ trợ “không thuần Việt”, cho dù sẽ vướng mắc ở phần “quốc tịch” của phim.

 

Mới đây, ông Federic Alliod, Tùy viên nghe nhìn 5 nước Đông Nam Á của Đại sứ quán Pháp cho biết ở Pháp, có nhiều chính sách hỗ trợ cho điện ảnh thế giới, trong đó có Việt Nam. Mức tài trợ cao nhất cho một dự án làm phim có thể lên đến 250.000 euro.

Tuy nhiên, để nhận được mức tài trợ này, ngoài đạo diễn người bản địa, người đồng sản xuất phải là người Pháp. Chính vì vậy, nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị, dự án mang tính nghệ thuật sáng tạo… để tìm được nguồn vốn sản xuất, đạo diễn phải chấp nhận đồng sản xuất với nước bỏ vốn đầu tư, và không thể tính là tác phẩm của điện ảnh Việt Nam.

Do đó, thông qua sự hỗ trợ này có một nghịch lý rất nhiều bộ phim đình đám tại các LHP phim Cannes, LHP Berlin do các đạo diễn người Việt sản xuất, sử dụng bối cảnh, diễn viên ở Việt Nam, nhưng vẫn không được tính là tác phẩm điện ảnh của Việt Nam. Bởi những bộ phim này sử dụng nguồn vốn đầu tư từ quỹ Hỗ trợ điện ảnh của Pháp nên cũng chỉ được coi là bộ phim của Việt kiều. 

Ví dụ phim “Cha, con và…” của đạo diễn Phan Đăng Di được phát hành tại Pháp, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc)…, nhưng là phim sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Quỹ hỗ trợ điện ảnh của Pháp nên cũng chỉ được coi là bộ phim của Việt kiều.

Trước đó, “Bi, đừng sợ” của Phan Đăng Di giành giải Dự án châu Á nổi bật tại LHP Quốc tế Pusan 2007, được lựa chọn tham dự hoạt động L'Atelier của Quỹ điện ảnh (Cinefondation) do LHP Cannes tổ chức, là ví dụ điển hình nhất của một bộ phim độc lập, tìm kiếm nguồn kinh phí thực hiện từ khắp các nhà tài trợ của các Quỹ điện ảnh nước ngoài.

Tiếp sau là “Đập cánh giữa không trung” của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nhà sản xuất nước ngoài và chật vật trong hành trình đến với khán giả trong nước vì Việt Nam chưa có chính sách bảo trợ cho các dòng phim nghệ thuật.

Tháng 8/2018, dù Nhà nước chưa ra tay hỗ trợ lập Quỹ, nhưng với sự ra đời của VEF dự báo sẽ gây biến động ít nhiều ở thị trường làm phim Việt, đặc biệt là về số lượng. Mô hình này đã triển khai từ lâu và thành công ở nhiều nước có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển của thế giới như Quỹ Hoạt hình CA-Cygames, Quỹ Marvel Studio, Quỹ Anime Trung Quốc- Nhật Bản…

Với số vốn 50 triệu USD, Quỹ sẽ hỗ trợ vốn cho khoảng 30 phim hạng A và 20 phim hạng B trong năm 2018- 2019. Đặc biệt, Quỹ tập trung ưu tiên cho những dự án phim điện ảnh có xác suất sinh lợi cao, đồng thời tư vấn về chiến lược truyền thông, phát hành cho các bộ phim.

Tuy nhiên, Quỹ không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim mà chỉ hỗ trợ về vốn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn về chiến lược truyền thông. Nhưng cái hay là hoạt động của Quỹ bao gồm cả việc bảo vệ, xây dựng và phát triển nghệ thuật dân tộc, không chỉ hỗ trợ sản xuất mà bao gồm cả khâu phát hành, phổ biến và đưa tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, có tác động, hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời, Quỹ cũng sẽ quan tâm hỗ trợ cho mảng phim truyện và phim tài liệu, đặc biệt là phim về lịch sử, về truyền thống dân tộc, phim phục vụ thiếu nhi.

Để có một nền điện ảnh Việt Nam phát triển và có thể ngang bằng với các quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh đã thành danh trong khu vực và thế giới, việc hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh rất cần thiết. Mong sao Quỹ sẽ ra mắt vào năm thứ 12 kể từ khi có dự án thành lập Quỹ này. Và đó cũng là sự mong đợi của các nhà làm phim Việt Nam, nhất là các nhà làm phim trẻ, làm phim nghệ thuật./.