Sau suất chiếu cho báo giới hôm 16/3 tại Hà Nội, một số phóng viên chung cảm nhận phim tựa một music video (MV) kéo dài 95 phút. Bối cảnh Đà Lạt với rừng thông, hồ nước và thấp thoáng căn biệt thự cổ xinh đẹp quả lý tưởng để quay MV. Trước khi phim ra mắt, các nhà làm phim cũng tung MV ca khúc phim này. Nhiều cảnh quay trong phim cũng đèm đẹp, nặng tính minh họa. Đếm sơ sơ, người xem thấy bốn, năm đoạn quay chậm hai nhân vật chính đuổi nhau trên đồi thông, hoặc dắt chó cưng đi dạo, chưa kể lặp lại trong đoạn hồi tưởng.
Phim bắt đầu với bối cảnh ngày xá tội vong nhân năm 2028, với âm hưởng kinh dị khi hình ảnh ma mị của Hùng (Vũ Tuấn Việt) ám ảnh bố mẹ nuôi, rồi tiếng vọng từ âm ti nghe lành lạnh. Hóa ra phim chả có chút kinh dị nào, đó chỉ là cái cớ để kể câu chuyện tình yêu đồng tính của Hoàng (Thanh Tú) và anh nuôi Hùng 14 năm trước. Hoàng mê ca hát, Hùng thích vẽ, từ nhỏ hai đứa trẻ quấn quýt không rời cho tới khi đủ lớn để nhận ra tình cảm dành cho nhau.
Tình cảm của hai nhân vật chính bị bà mẹ phản đối dữ dội vì coi đồng tính là bệnh có thể lây lan. Cũng khóc lóc, van xin thảm thiết để bảo vệ tình yêu, rốt cuộc hai chàng trai không tránh khỏi bi kịch. Kết phim có vẻ hợp ý những người làm phim, muốn truyền thông điệp rằng, đồng tính không phải bệnh và muốn thức tỉnh người còn chưa ủng hộ cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới.
Bối cảnh phim được đẩy lên đến năm 2028, câu chuyện xảy ra 2014 có thể được hiểu là những người làm phim muốn nói, xã hội còn nhiều người chưa đón nhận cộng đồng này. Lối nghĩ vô tình đẩy lùi nhận thức xã hội, bởi thực tế xã hội Việt Nam ngày càng cởi mở, thậm chí nhận thức thay đổi nhanh chóng trong vài năm gần đây. Lấy bi kịch ra để thuyết phục người khác thay đổi nhận thức, vậy mà hành động của nhân vật trong phim thật yếu ớt, khó có thể nói là đã cố hết sức đấu tranh để được là chính mình.
Lấy nước mắt hay gặt tiếng cười?
Chưa xét đến tác động của phim đến nhận thức khán giả, đạo diễn hẳn chưa thành công chạm đến cảm xúc của người xem. Đây đó có bài viết cho rằng, phim lấy nước mắt khán giả. Tại suất chiếu cho báo chí, ở một số cảnh được nhà làm phim mặc định sẽ lấy nước mắt, một số khán giả lại cười phì. Hiệu ứng ngược này do tình huống phim gượng ép, diễn xuất của diễn viên kịch hóa và sến. Nước mắt rơi nhiều không có nghĩa khán giả sẽ đồng cảm, trái lại gây cảm giác mệt mỏi không cần thiết.
Người mẫu Vũ Tuấn Việt, MC Thanh Tú trước khi phim ra mắt cũng lăng xê cảnh nóng rất ghê. Hóa ra, cảnh tiếp xúc da thịt giữa hai chàng trai được thể hiện cầm chừng. Màn khóa môi trên sân khấu quán bar tự nhiên hơn một chút.
Một trong những khiếm khuyết của phim là nhân vật có tính cách mờ nhạt. Vũ Tuấn Việt có gương mặt lạnh có vẻ được xem là mạnh mẽ hơn, bao bọc cậu em (Thanh Tú đóng) luôn được cho là yếu đuối. Tình huống, lời thoại xuyên suốt bộ phim có vẻ thể hiện ngược lại. Bước ra khỏi rạp, đố khán giả định hình nổi tính cách hai nhân vật này.
Diễn cương là bệnh của nhiều diễn viên. Kim Khánh diễn cường điệu trong vai bà mẹ đau khổ khi phát hiện con đồng tính, có phản ứng đầy bảo thủ và độc đoán. Cầu vồng không sắc vẫn chọn lối mòn, khi nhất định phải cho vài nhân vật bóng xuất hiện rất lố lăng, để gây cười, trong đó có Minh Béo.
Người mẫu Vũ Tuấn Việt từng học điện ảnh, nhưng diễn xuất có phần thua kém Thanh Tú, dù Tú nhiều khi cũng làm quá. Việt có gương mặt lạnh rất thời trang, có phần không hợp với vai diễn cần nội tâm đậm đặc này. Đôi mắt lúc nào cũng u buồn, dường như cảnh nào cũng bắt gặp đúng nét diễn nhàm chán ấy.
So với nhiều phim, kịch về đề tài đồng tính khác, Cầu vồng không sắc chưa khơi gợi được những cảm xúc mới mẻ ở người xem./.