Nhìn lại điện ảnh Việt Nam năm 2014, cùng VOV.VN điểm lại một số bộ phim đã gây ồn ào trên công luận năm qua:
1, “Đập cánh giữa không trung” giành nhiều giải thưởng quốc tế
Đáng kể nhất là giải thưởng “Phim do Ban giám khảo bình chọn” của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, tháng 11/2014. Trước đó, “Đập cánh giữa không trung” từng tham gia các LHP như: Venice, Toronto, Kim Mã.. và giành một số giải thưởng quan trọng như : Giải “Phim hay nhất” từ Liên đoàn các nhà phê bình phim Châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA ); Nguyễn Hoàng Điệp giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại LHP Quốc tế Bratislava, Slovakia…
“Đập cánh giữa không trung” có thể coi là một tia sáng lạc quan cho điện ảnh Việt Nam giữa thời buổi các phim hài “nhảm” hay phim thương mại nửa vời đang lũng đoạn thị trường phim ảnh trong nước.
2, “Sống cùng lịch sử” làm tốn 21 tỷ đồng nhưng không bán được vé
Tháng 9/2014, bộ phim “Sống cùng lịch sử” đã gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông về việc ra rạp nhưng không bán được vé, buộc phải hủy suất chiếu.
Đây chỉ là “giọt nước làm tràn ly” khiến dư luận bức xúc vì Ngân sách Nhà nước bị lãng phí. Những người yêu điện ảnh không khỏi xót xa trước “thảm cảnh” này. Vài chục tỷ đồng “đốt” vào một bộ phim, ngốn công sức của bao nhiêu người trong cả một thời gian dài cuối cùng không có người xem. Nhưng điều đáng bàn là ngay từ đầu, khi đặt hàng, không có quy định nào yêu cầu phim làm ra… phải có người xem.
Có thể nói “Sống cùng lịch sử” là ví dụ tiêu biểu của việc phát hành phim quá nóng vội, không nghiên cứu kỹ thời điểm cũng như đối tượng khán giả nên bị thất bại nặng nề.
3, “Căn hộ số 69” dán mác 18+ bị phạt vì phát hành trên mạng
Tháng 6/2014, “Căn hộ số 69” – tập đầu của “bộ phim” dán mác 18+ do Nam Cito Creative thực hiện được phát hành trên mạng xã hội Youtube đã gây ra phản ứng trái chiều do có một số hình ảnh, chi tiết phản cảm.
Trước ồn ào của báo chí và dư luận, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đã gửi công văn tới Thanh tra Bộ VH-TT&DL, Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông đề nghị xem xét sản phẩm này. Cục Điện ảnh cho rằng ekip làm phim đã vi phạm Luật điện ảnh.
4, Hương Ga, Hiệp sĩ mù, Để mai tính 2…đạt doanh thu “khủng”
Hương Ga, Hiệp sĩ mù, Để mai tính 2…là những bộ phim giải trí ngay khi ra rạp đã gây “sốt” cho khán giả và đạt doanh thu cao nhất trong năm 2014. Không những thế, “Hiệp sĩ mù” – phim do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đứng ra sản xuất đã được một Việt kiều ngỏ lời muốn mua để chiếu các nước Châu Âu với giá 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 50 tỷ đồng).
Còn “Để mai tính 2” sau 1 tuần đầu công chiếu (tính đến hết ngày 18/12) đã nhanh chóng cán đích doanh thu hơn 42 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD), với 624.398 khán giả tới rạp. Hiện tại, “Để mai tính 2” đang được chiếu ở các rạp trên toàn quốc và vẫn có đông khán giả tới xem.
Ba bộ phim trên cho thấy “bí quyết” thành công chung để thu hút khán giả là tính giải trí, “hài nhảm”, cộng với chiến lược truyền thông bài bản, hoành tráng.
5, “Chàng trai năm ấy” hoãn ra rạp vì nghi án Sơn Tùng “đạo nhạc”
Ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” trong phim “Chàng trai năm ấy” ngay khi ra mắt đã gây “bão” và khiến Sơn Tùng vướng nghi án “đạo nhạc”. Bộ VH-TT&DL đã phải vào cuộc, lập Hội đồng thẩm định ca khúc “Chắc ai đó sẽ về”, yêu cầu Sơn Tùng phải thay beat, do vậy, “Chàng trai năm ấy” bị hoãn chiếu so với kế hoạch ban đầu.
Bộ phim “Chàng trai năm ấy” mang thông điệp sống tích cực cho mọi người đặc biệt là giới trẻ. Ai cũng có một tuổi trẻ để sống hết mình, sống có ích, sống cho lý tưởng và ước mơ… nhưng đôi khi chúng ta lại dễ dàng bỏ lỡ những phần đẹp, gần gũi nhất trong cuộc sống bên cạnh gia đình, bạn bè và những người yêu thương./.