Chúng tôi liên hệ với nhà báo Lại Văn Sâm để mời anh tham gia cuộc phỏng vấn vào một ngày tháng 3 - nhiều tháng trước khi anh chính thức kết thúc công việc tại VTV.
Anh nói chúng tôi sẽ trò chuyện sau khi anh trở về từ Thanh Hóa – nơi anh cùng những người đồng nghiệp trẻ của VTV3 tổ chức sinh nhật kênh tròn 21 tuổi. Sau đó, anh có một chuyến đi nước ngoài ngắn ngày.
Vì thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi phải tới tháng 4 mới bắt đầu và nó diễn ra tại sân ngoài trời nằm ở tầng 5 tòa nhà trung tâm mới của VTV.
Thời điểm này, tòa nhà vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, có rất nhiều công nhân đi lại ở đây. Khi chúng tôi đi từ phòng anh ra thang máy ở tầng 18 để xuống tầng 5, một vài công nhân đang ngồi nghỉ gần đó. Nhìn thấy anh, một người đàn ông khoảng ngoài 40 tuổi thì thào: "MC Lại Văn Sâm kìa! Anh ấy dẫn SV96 đấy!".
Sau đó, anh ta đứng dậy và tiến lại gần nhân vật của chúng tôi, kiên nhẫn đứng bên cạnh chờ anh kết thúc cuộc điện thoại để chào và bày tỏ sự hâm mộ của mình. Anh ta nói: "Tôi biết anh từ thời SV96, bây giờ vẫn hâm mộ anh. Nhìn anh chẳng khác gì hồi ấy".
Đáp lại, người dẫn chương trình SV96 năm nào cười lớn: "Cảm ơn anh vẫn nhớ tôi! Nhưng bây giờ tôi già và béo hơn ngày đó nhiều, làm sao vẫn thế được…".
Hồi ấy nghèo lắm, nghèo kinh khủng nên chỉ định đi tìm quán cơm nào đó. Nhưng khi vừa xuống khỏi xe thì một ông chủ quán ghẹ nhìn thấy, ông ấy lao ra và kêu lên: A… Lại Văn Sâm, SV 96!.
Sau khi hỏi chúng tôi đi đâu, ông ấy tuyên bố: Hôm nay tôi mời cả đoàn ăn ở quán của tôi, ăn miễn phí, muốn ăn gì thì ăn!. Đấy là lần đầu tiên anh em được ăn một bữa ghẹ, bữa tôm, cua ngon như thế. Sướng kinh khủng. Đấy cũng chính là lần đầu tiên tôi được người ta nhận ra".
Khi chúng tôi đã ngồi đối diện nhau, tôi hỏi cảm giác của anh như thế nào khi nhận lời mời của chúng tôi vì tôi biết anh ít nhận lời phỏng vấn. Bằng chứng là trước khi gặp anh, tôi đã tìm nát Google mà chỉ thấy một bài phỏng vấn rất cũ, đã thực hiện từ rất nhiều năm trước…
"Bạn đừng tìm thông tin của tôi trên mạng" – anh cười và đáp – "Thông tin về tôi thì chắc khán giả biết nhiều, có thông tin đúng, có thông tin sai mà đa phần là sai hết".
Rồi anh nói thêm: "Tôi không hay nhận lời phỏng vấn với báo ngoài nên bạn sẽ khó tìm thấy bài nào của tôi trên mạng. Nói chung, tôi không thích trả lời phỏng vấn của các báo vì nhiều khi mình trả lời rồi các bạn ấy đưa những thông tin mà khi mình đọc nó khiến mình ngỡ ngàng".
(Cười) Thế thì chắc lúc đó tôi quá bận, công việc thường cuốn tôi đi rất ghê gớm. Thêm nữa, thời điểm đó cũng không có gì mới để nói. Bây giờ tôi đã có nhiều cái để nói hơn.
Có nhiều người tôi thấy khủng hoảng lắm nhưng tôi thì hơi khác một chút. Có lẽ cái khác này do nghề mình làm. Từ giờ cho đến tháng 7 tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm nên tôi chưa có lúc nào để nghĩ về giai đoạn đó. Tôi không biết với người khác thế nào nhưng với tôi, tôi luôn quan niệm cái gì cũng có quy luật.
Đến một độ tuổi nào đó thì chúng ta, không chỉ sức khỏe mà cả sự sáng tạo, thể trạng… không thể nào như hồi trẻ được nữa. Vì thế, người ta mới quy định đàn ông 60 tuổi phải về hưu, phụ nữ thì 55 tuổi. Tôi nghĩ đến độ tuổi ấy chúng ta cũng chững lại rồi. Nếu có ở lại, người nào tốt thì không cản trở những bạn trẻ.
Tôi luôn sống theo quy luật tự nhiên. Cái gì đến sẽ đến. Khi chúng ta chấp nhận rồi thì tại sao chúng ta phải buồn, phải hoang mang?
Tôi nghỉ hưu nhưng chưa chắc tôi đã nghỉ làm.
-Trước khi gặp anh tôi đã nói chuyện với một "lính" của anh. Cô ấy nói không biết khi anh nghỉ thì ai sẽ lên thay và nói "chắc sẽ chẳng có chỉ huy nào hết mình với cấp dưới như chú Sâm"…
Tôi hiểu những lo lắng và hoang mang của các bạn ấy. Tôi vẫn nói với các bạn ấy là tất cả các dòng sông đều chảy, cuộc sống thì luôn tiếp diễn. Từ nhỏ cho tới bây giờ tôi vẫn tin một điều là không có gì không thể thay thế và không ai là không thể thay thế. Cho nên, không có tôi sẽ có người khác thôi.
Trong buổi sinh nhật VTV3 tròn 21 năm vừa rồi tôi đã nói với các bạn ấy: "Người ta có câu: Con chim sắp chết thì tiếng hót hay/Người sắp chết thì lời nói thật. Tôi thì không sắp chết nhưng tôi sắp rời xa các bạn với tư cách của Trưởng ban, nên tôi sẽ nói thật lòng – một điều duy nhất, đó là tôi yêu các bạn nhiều hơn là các bạn yêu tôi".
Không bao giờ và chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ như ngày hôm nay. Tôi rất thích truyền hình nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm truyền hình vì tôi không học về truyền hình, tôi không biết gì về truyền hình cả. Người ta nói mỗi người có một cái số. Đến bây giờ, khi tôi 60 tuổi, tôi tin là mỗi người có một số phận. Nhìn lại 60 năm qua, tôi nghĩ nếu như chỉ chệch đi một dấu mốc nào đó thôi, một sự kiện nào đó thôi thì cuộc đời tôi đã hoàn toàn khác.
- Khi học phổ thông, chưa bao giờ tôi nghĩ mình đi học nước ngoài. Hồi đó là thời chiến, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đi bộ đội bất cứ lúc nào.
Năm 1974, tôi tốt nghiệp và chỉ mong được vào trường Tổng hợp Văn vì tôi thích Văn. Đến khi nhận được giấy báo đi học ngoại ngữ tôi không hiểu tại sao mình xin học Tổng hợp Văn lại nhận được giấy đi học ngoại ngữ? Khi về đến Hà Nội mới biết một năm học ngoại ngữ là để đi nước ngoài. Lúc đó mình cũng không hiểu sao mình lại được đi nước ngoài vì tôi không ở diện ưu tiên, không học lớp chuyên, không phải đối tượng thi đi nước ngoài. Sau đó mới biết vì tôi thi điểm cao nên được gọi về. Đấy là bất ngờ đầu tiên của cuộc đời tôi.
Tuy nhiên, mọi việc sau đó còn bất ngờ nữa. Sau một năm học tiếng Nga, chúng tôi được thông báo ai sẽ đi học ở đâu và người ta xướng tên tôi là ông Lại Văn Sâm sẽ đi học tiếng Ấn Độ. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì, nghĩ: Quái lạ, tại sao mình lại đi học tiếng Ấn Độ nhỉ? Thế rồi tôi sang Nga và ở đó tôi gặp vợ tôi bây giờ. Sau nghĩ lại tôi thấy nếu tôi không đi học nước ngoài tôi sẽ không gặp vợ tôi, mà nếu không gặp vợ tôi thì có khi tôi lại không được tử tế như bây giờ.
Và nếu không gặp cô ấy, không vào gia đình ấy sẽ không có việc tôi phụ mẹ vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân và nhờ đứng phụ bán hàng tôi đã gặp được người giới thiệu tôi vào làm ở VTV.
Bây giờ, khi xâu chuỗi lại tất cả, mình mới thấy nó là số phận mà nếu chỉ trượt đi một mắt xích thôi thì cuộc đời mình sẽ khác hẳn.
Năm 1981 tôi về nước, đi xin việc các nơi nhưng không nơi nào nhận. Hồi ấy đang giảm biên chế. Tôi quay lại Nga đi lao động xuất khẩu, làm phiên dịch. Sau đó về nước vẫn không xin được việc nên tôi đứng phụ mẹ vợ bán hàng ở chợ Đồng Xuân.
Tôi cứ đứng ở đó, lúc nào có khách ngoại quốc vào thì tôi phiên dịch cho bà và bà cho mình tiền đi uống cà phê, đi ăn sáng… Bà nuôi mình.
Một lần tình cờ đứng bán hàng tôi gặp ông bạn trước học cùng khóa. Tôi hỏi vu vơ: "Mày đang làm ở đâu?". Anh bạn đấy nói đang làm hợp đồng ở Đài THVN.
Tôi hỏi tiếp: "Có việc gì ở đấy cho tao làm không?" thì anh bạn đó bảo: "Ở đấy có phòng thể thao đang yếu. Có khi mày lên giúp được đấy". Nó nói thế vì biết tôi mê thể thao. Và thế là tôi vào làm ở phòng Thể thao. Đó là năm 1987.
Nhưng làm được một thời gian, đến đầu 1988, tôi thấy không ai đụng chạm gì đến mình, không ai gọi mình thì nghĩ đây không phải là đất của mình, mình không có cơ hội ở đây. Thế là tôi lại về phụ giúp mẹ vợ bán hàng.
Đến khi có giải Euro, anh Vũ Huy Hùng cho người đến nhà bảo tôi lên tham gia. Hồi ấy thiếu người. Thế là tôi đi bình luận thể thao. Tôi bám suốt vụ đấy cho đến năm 1989 khi anh Trần Đăng Tuấn về làm trợ lý cho anh Phạm Khắc Lãm (hồi ấy là Tổng Giám đốc) và đề xuất làm chương trình VKT. Tôi vào làm VKT thì lúc ấy mới được nhận vào biên chế.
Trong VKT có Văn hóa, Khoa học, Thể thao. Lúc đó mình nghĩ đơn giản lắm, là mình sẽ vào đó làm bình luận thể thao. Nhưng anh Trần Đăng Tuấn lại đẩy tôi lên dẫn chương trình.
Tôi nhớ chương trình đầu tiên được giao làm ở VKT là nói về tốc độ. Tôi đã không biết phải làm như thế nào cả. Tôi mới bảo anh Tuấn là tôi làm thế nào được, có biết gì đâu mà làm.
Sau đó anh Tuấn gợi ý cho tôi: Chương trình ông làm là tốc độ. Ông hãy sưu tập cho tôi tốc độ của con người, của các loài vật, của máy bay, ô tô, xe máy… Tôi mới bảo thế thì được và bắt đầu sưu tập tốc độ của đà điểu, hổ báo, cự ly ngắn dài, máy bay, tàu thủy…
Tôi làm hồn nhiên vì nghe gợi ý như thế thì mình làm theo thôi. Tôi nhớ trong cái kết của chương trình tôi có nói một câu: "Tốc độ của các con vật, con người, máy móc thiết bị nhưng bây giờ cái mà chúng ta quan tâm nhất là tốc độ sống của con người như thế nào…". Và tôi bị tuýt còi.
Họ nói tôi không thể nói thế được, nó nhạy cảm. Tranh luận mãi tôi bảo: "Thế thì thôi, chắc em không làm nữa. Nói câu đó mà bị cấm thì chắc em không làm được rồi".
Tôi có cảm xúc với truyền hình ngay khi tôi làm bình luận thể thao nhưng dưới góc độ là một thằng phóng viên thể thao chứ chưa nghĩ mình sẽ trở thành một biên tập viên, một người có thể nghĩ ra các chương trình. Vì tôi không biết các nguyên tắc về truyền hình.
Nhưng tôi là người may mắn. Tháng 9/1989 tôi vào biên chế thì tháng 11, Đài cử tôi đi học một lớp truyền hình dài 2,5 tháng ở Nga. Đấy là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc và biết những lý thuyết về truyền hình. Tới năm 1993, tôi được đi học một lớp ở Malaysia của tổ chức phát thanh truyền hình châu Á- Thái Bình Dương 3 tháng.
Lúc ấy mới chiêm nghiệm là hóa ra trước nay mình toàn bắt chước người ta, làm theo bản năng, mình làm đúng nhưng mình không biết tại sao làm thế. Bây giờ đi học mới biết tại sao phải làm thế.
Để ra đời được SV96 là một vấn đề cực kỳ khó khăn. Bạn biết, giai đoạn 94-95 là giai đoạn các phong trào sinh viên rất mạnh ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc. Vì thế, ở đâu tụ tập khoảng 100 sinh viên là cảnh sát sẽ đến giải tán, mà nếu làm chương trình SV thì số lượng sinh viên tham gia sẽ lên đến cả nghìn.
Khi tôi đề xuất làm thì tôi nhận được sự phản đối của lãnh đạo Đài. Các anh ấy nói: "Tốt nhất không chạm vào tổ kiến lửa, làm cái khác đi!".
Thời điểm đó tôi cũng nhiều tuổi rồi, không trẻ nữa, va đập cũng nhiều rồi, làm nhiều chương trình truyền hình rồi nên có ít kinh nghiệm rồi (cười).
Lúc đó tôi nói với các anh ấy: "Bây giờ tôi sẽ tổ chức một trận demo, các anh đến xem trực tiếp, các anh thấy được thì tôi làm, các anh nói không được tôi sẽ không làm. Chứ bây giờ tôi mới đưa ra ý tưởng các anh đã gạt đi thì hơi bất công với tôi, với các bạn sinh viên".
Sau đó, tôi làm demo với trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa và ĐH Xây dựng. Tôi đến từng trường hướng dẫn các bạn ấy cách chơi, thành lập đội như thế nào và mọi thứ khác. Tôi cũng nói với họ rằng họ sẽ là những đội làm mẫu.
Mặc dù biết chỉ là chơi demo nhưng các bạn đều chơi hết mình, các bạn ấy thể hiện đúng tinh thần sinh viên, quậy tưng bừng. Kết quả là tôi đã được đồng ý cho làm chương trình SV.
Khi làm SV96, tôi muốn đưa tới cho mọi người một hình ảnh khác về sinh viên thay vì những suy nghĩ đã đóng đinh trong đầu mọi người là họ chỉ là những con mọt sách. Mục đích của tôi là muốn các bạn ấy thể hiện mình cho xã hội biết các bạn ấy là ai, ở đâu, các bạn ấy muốn gì, đang không thích gì, có nguyện vọng gì…
Tất cả những cái đó được thể hiện qua phần thi của các bạn. Và quả thật, đây là lần đầu tiên khán giả nhận diện được sinh viên Việt Nam đang như thế nào. Trước đó, họ chưa biết hết khả năng cũng như các mặt tích cực của sinh viên.
Đúng! Hồi đó VTV3 có 2 chương trình lớn mà chúng tôi làm theo chiến lược vết dầu loang. Đó là SV và Trò chơi liên tỉnh. Hồi đó chúng tôi không thể cùng lúc tổ chức nhiều chương trình do không có lực lượng để làm. VTV3 lúc đó chỉ có một nhóm người làm thôi. Từ hai chương trình này nó loang ra và sau đó là 7 sắc cầu vồng, Từ ánh mắt đến trái tim và một loạt các chương trình khác mới ra đời.
Bây giờ nhiều người họ nhớ tôi - từ Cà Mau, Bạc Liêu hay ra nước ngoài - thì họ vẫn nhắc tới SV96. Tất cả đều nhớ tôi qua SV96.
Chương trình này tôi xem ở bên Nga và rất thích. Thích đến mức còn gửi đơn đăng ký để được tham gia chơi. Nhưng họ không cho chơi (cười).
Sau đó, khi tôi làm ở VTV thì một đối tác ở bên Việt Ba hỏi tôi có thích chương trình nào của nước ngoài để có thể mua được không? Ngay lập tức tôi đã nói chương trình đó và bảo nếu mua được thì rất hay. Tôi chắc chắn chương trình sẽ thành công ở Việt Nam. Tôi nhớ số đầu tiên chúng tôi làm, cái bàn lúc ấy nó hệt nguyên bản Mỹ - một cái bàn mặt phẳng tròn, chỉ có 2 màu đỏ đen và những con số.
Tôi thì mặc một chiếc áo gile, trong áo trắng, thắt nơ. Tôi nhớ lần đầu khi tôi vừa bước ra, tất cả khán giả đã ồ lên và tôi cảm thấy chột dạ, nghĩ có gì không bình thường rồi. Tới lúc quay xong và xem lại, tôi nói với anh Trần Đăng Tuấn: "Ông ơi! Không ổn rồi, tôi thấy không khí không khác gì casino ở Las Vegas".
Lúc đó, chúng tôi đã ghi được 4 số. Anh Tuấn bảo tôi dựng khoảng 30’ và phát xem phản ứng khán giả thế nào. Ngày chương trình phát sóng tôi đi Hạ Long và tôi nhận được một cú điện thoại từ một người bạn. Anh ta hỏi tôi: "Mày đang ở đâu đấy? Mày đang ở Las Vegas à?". Lúc đó nghĩ thôi xong, chắc chắn là không ổn rồi.
Và bạn không biết phản ứng khán giả lúc đó như thế nào đâu. Họ gửi thư về tới tấp, bảo là chương trình đánh bạc trên truyền hình, trông như ở casino… Thế là chúng tôi phải bỏ tất cả các số đã quay, sửa lại bàn xoay cho ra hình chóp nón, tôi cũng đổi trang phục sang vest… Rồi mọi thứ cũng êm dần. Đây là kỷ niệm rất vui và tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm ấy.
Tôi nghĩ có cái khó hơn nhưng cũng có cái dễ hơn. Cái khó là sự cạnh tranh khốc liệt hơn ngày xưa. Trong hàng trăm những chương trình truyền hình, các kênh khác nhau, làm thế nào mình có thể trụ được là một cái khó. Sự thuận lợi thì rõ rồi – điều kiện tác nghiệp bây giờ dễ hơn, máy móc, thiết bị phát triển hơn…
Ngày xưa không có nhiều kênh cho khán giả lựa chọn, các chương trình truyền hình cũng chưa nhiều, chỉ có mỗi kênh Hoa sen của Liên Xô. Họ cho cái gì thì mình xem cái đó thôi. Sau đó các kênh mới tăng dần lên. Tôi nghĩ nó cũng là cái may cho chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống giống như các dòng sông cứ chảy. Mọi sự so sánh chỉ là tương đối.
Cái tôi cho là mình thuận lợi hơn các bạn làm truyền hình bây giờ đó là tôi có nhiều cảm xúc hơn các bạn, bởi vì tôi phải trải qua mọi thứ rất khó khăn. Các bạn bây giờ sinh ra đã trong điều kiện thuận lợi nên tình cảm sẽ ít hơn. Vì thế, sự đánh giá, trân trọng những cái đang có, đang hiện hữu sẽ ít hơn.
Tôi ví dụ thế này. Khi vợ chồng tôi mới về nước, bố mẹ vợ cho chúng tôi căn gác 18m2 trên tầng 2. Chúng tôi sống ở đó từ năm 1987 đến đến 1998 – khi bố mẹ tạo điều kiện cho mua một cái nhà ở Ngọc Khánh 40m2, 4 tầng.
Khi có căn nhà rộng 40m2, 4 tầng thì mình phát hiện hóa ra 11 năm vừa rồi mình sống rất khổ. Nhưng trước đó mình cảm thấy mỹ mãn, hài lòng và sung sướng lắm. Mình thấy mình hơn người khác vì có một căn phòng 18m2.
Nên tôi mới nói, so với các bạn bây giờ những thứ về cảm xúc, tình cảm… mình sẽ hơn các bạn. Mà trong lĩnh vực truyền hình, trong lĩnh vực làm báo, văn học nghệ thuật, cảm xúc rất quan trọng chứ không phải điều kiện cảm xúc.
Tôi là một. Tôi không có sự phân định. Tôi có cảm giác tôi may mắn trong mọi việc - trong nghề nghiệp, trong công việc và may mắn cả khi làm lãnh đạo.
Trong suốt 20 mấy năm qua có thể có những cái các bạn ấy không hài lòng với tôi nhưng về cơ bản, chưa bao giờ tôi xử lý một ai đấy với tư cách lãnh đạo. Kể cả cách tôi thưởng cho các bạn cũng hoàn toàn không phải với tư cách lãnh đạo với nhân viên. Tôi không biết thế nào nhưng tôi không thể nào ra vẻ ta đây mình là thủ trưởng và ra lệnh này, kia...
Với tôi, tất cả mọi người là như nhau.
Tôi nghĩ truyền hình cho tôi tất cả. Tôi không biết mọi người nhìn nhận về tôi như thế nào, con người của tôi với mọi người được bao nhiêu phần trăm yêu quý. Tôi không dám nhận mình là người được mọi người yêu quý nhưng có điều này tôi dám nhận và lúc nào tôi cũng có quyền vỗ ngực và tự hào, đó là có lẽ không ai yêu truyền hình, yêu khán giả truyền hình như tôi. Đó là điều mà tôi chắc chắn.
Với tôi, bố mẹ tôi sinh ra tôi nhưng truyền hình cho tôi cuộc đời của tôi cho đến giờ, cho đến tuổi này. Mặc dù tôi cũng chỉ làm truyền hình 28 năm thôi nhưng đấy là tất cả những gì tôi có được.
Mãn nguyện. Tôi luôn luôn mãn nguyện. Người ta bảo người hạnh phúc là người hài lòng với những gì mình có. Tôi là người hạnh phúc.