Ngay sau khi được công bố, dự án phim "Phượng Khấu" đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người yêu điện ảnh khi bộ phim đầu tiên khai thác câu chuyện tranh đấu hậu cung ở Việt Nam. Bộ phim lấy mốc thời từ năm 1840- 1847, dưới thời trị vì của vua Thiệu Trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những phản ứng tích cực, "Phượng Khấu" cũng gặp phải nhiều tranh cãi về tính sát sử của những bộ trang phụ cổ (cổ phục). Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ekip "Phượng Khấu" đã có những chia sẻ, trò chuyện về vấn đề này trong tọa đàm kết hợp triển lãm “Cổ phục Việt - từ đời sống đến điện ảnh” diễn ra sáng nay (8/8) tại Hà Nội. 

vov__4132_fhzy.jpg
Toạ đàm "Cổ phục Việt - từ đời sống đến điện ảnh" diễn ra vào sáng 8/8. 

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc về các dữ liệu lịch sử xoay quanh phim Phượng Khấu. Đánh giá về tính sát sử của những bộ trang phục, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết những bộ cổ phục được chế tác không chỉ dựa trên những tư liệu hình ảnh, hiện vật quý hiếm của thời nhà Nguyễn mà còn dựa trên những kiến thức được kể lại từ nhân chứng lịch sử là Mệ công tôn nữ Trí Tuệ - chắt nội của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế Minh Mạng.

Mệ chính là một trong những người cuối cùng nắm giữ phương pháp may gối xếp năm lá từng được sử dụng trong Hoàng tộc triều Nguyễn. Sau khi chiêm ngưỡng những bộ cổ phục, Mệ giành lời khen ngợi những bộ trang phục rất sát so với lịch sử cả về màu sắc, hình dáng lẫn chất liệu. 

Bên cạnh đó, các khách mời cũng chia sẻ về những thuận lợi và hạn chế của việc phục dựng cổ phục tại Việt Nam, những thành tựu và tầm nhìn của cổ phục Việt, việc ứng dụng cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh và sân khấu hiện nay. 

Anh Nguyễn Đức Lộc, giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên, đơn vị chế tác trang phục chia sẻ kinh phí vẫn là một trong những vấn đề nan giải với phim lịch sử. Nói đến trang phục trong cung đình thời xưa là sự kết tinh tinh hoa trí tuệ và nghệ thuật thêu tay thủ công khéo léo của cả dân tộc nên phần nào trong tất cả khâu chế tác đòi hỏi sự thận trọng, tỉ mỉ, tốn rất nhiều thời gian, chi phí và công sức.

Với số lượng thực hiện hơn 300 bộ trang phục, nếu sử dụng chất liệu hoàn toàn từ các làng nghề dệt vải truyền thống nổi tiếng trong cả nước như làng Vạn Phúc, La Khê, Nha Xá, Mã Châu, Bảo Lộc Lâm Đồng, Mỹ A với nghệ thuật thêu tay thủ công đòi hỏi sự công phu, kỹ lưỡng thì chi phí rất cao. Vì thế ekip đã cố gắng phỏng dựng các cổ phục theo hướng gần nhất bằng cách kết hợp với nghệ thuật in ấn, thêu máy và sử dụng thêm các chất liệu nhập từ nước ngoài. 

Diễm My 9X chia sẻ trong buổi toạ đàm. 

Buổi toạ đàm còn có sự xuất hiện của nữ diễn viên Diễm My 9X. Đây là lần đầu tiên cô xuất hiện sau khi bày tỏ quan điểm về việc một nhãn hàng sử dụng hình ảnh bản quyền từ nam ca sĩ Trương Thế Vinh.

Diễm My 9X diện trên người bộ cổ phục sang trọng, nền nã với chiếc áo ngũ thân thêu hình chim phượng. Chiếc mấn đội đầu màu xanh cùng phụ kiện vòng cổ, bông tai ngọc trai càng làm tôn lên vẻ đẹp đài các của nữ diễn viên. 

Nữ diễn viên tỏ ra hào hứng khi giới thiệu về bộ trang phục cũng như nhân vật của bộ phim mà mình sắp tham gia. Trong phim, Diễm My sẽ vào vai Hoàng hậu Lệ Thiên Anh, vợ vua Tự Đức, con dâu vua Thiệu Trị. 

Trò chuyện về những khó khăn khi vào vai một nhân vật lịch sử, cô cho biết: "Tôi là một diễn viên thuộc thế hệ khá trẻ trong đoàn làm phim. Vì thế tôi cảm thấy vô cùng áp lực khi vào vai một nhân vật trong lịch sử. Để có thể khắc hoạ đúng hình tượng, người diễn viên không chỉ chuẩn bị về mặt tâm lý mà còn phải chuẩn bị về một số lượng kiến thức nhất định cho vai diễn của mình, từ cách ăn nói nhẹ nhàng, văn phong, đi đứng thời xưa đều phải học theo để ra được gần nhất với lịch sử”.

"Phượng Khấu" dự kiến ra mắt khán giả trong năm 2020. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, Diễm My 9X, Jun Phạm,.../.