Đêm bế mạc và trao giải LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ ba diễn ra tối 27/11 tại thủ đô. Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã vinh dự giành Giải thưởng của ban giám khảo dành cho phim truyện dài (Jury Award). Đây được coi là giải thưởng quan trọng thứ nhì của LHP Quốc tế Hà Nội.
Nguyễn Hoàng Điệp là nhà sản xuất của Bi, đừng sợ - tác phẩm độc lập của điện ảnh Việt Nam từng gây chú ý ở các liên hoan phim quốc tế vào năm 2010 và cũng từng tạo nên vô số tranh cãi. Đập cánh giữa không trung là bộ phim đầu tay chị làm đạo diễn và là dự án được ấp ủ trong suốt 5 năm. Cũng giống như con đường của Bi, đừng sợ; Đập cánh giữa không trung đã phải tìm kiếm nguồn tài trợ từ các nhà sản xuất nước ngoài và chật vật trong hành trình đến với khán giả trong nước. Sau khi chu du khắp Venice, Toronto, Kim Mã, Hollywood; Đập cánh giữa không trung đã có cơ hội được “đập cánh” ở nước nhà trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ ba.
Phim bắt đầu bằng tiếng mưa rơi, mở ra khung cảnh đêm Hà Nội ngập chìm trong cơn mưa trắng xóa. Nhân vật chính của câu chuyện là Huyền, cô sinh viên thuê trọ ở xóm đường tàu Hà Nội. Huyền bất ngờ dính bầu với bạn trai là Tùng, một anh chàng công nhân chuyên thay đèn đường và có sở thích chọi gà. Trong khi Huyền còn đang băn khoăn và mơ hồ với việc phá thai thì Tùng bỏ đi với số tiền dự định cho Huyền đi giải quyết “cục nợ”. Để có tiền, Huyền nhờ Linh - người bạn chuyển giới chuyên giả gái để bán dâm - môi giới cho một má mì. Tuy nhiên, dự định phá thai của cô gái trẻ cứ bị trì hoãn hết ngày này qua ngày khác, tới khi đứa trẻ trong bụng lớn dần lên…
Đập cánh giữa không trung là câu chuyện của Huyền và những người đàn ông xung quanh cô. Họ đến rồi đi, trở về rồi lại biến mất, để lại một cô gái tuổi đời còn chưa tới 20 phải đối mặt với sự bế tắc không lối thoát. Ở cái lứa tuổi vẫn còn vô tư, mải chơi; chuyện dính bầu với Huyền giống như mọi thứ xung quanh tối sầm lại, đôi mắt ngây thơ của cô không còn đủ tinh để nhìn rõ trong bóng tối. Đúng lúc cần một chỗ dựa thì người bạn trai của Huyền, vốn cũng chỉ là một cậu bé mới lớn, lại mải mê kiếm tiền từ thú vui chọi gà. Dường như cái tin Huyền có bầu cũng là một cú sốc với Tùng, khiến chàng trai trẻ ấy cũng hoang mang, lo sợ không kém bạn gái, và chỉ biết chọn cách ra đi, rũ bỏ để khỏi phải suy nghĩ gì.
Huyền giống như một cánh chim đang mê mải đập cánh giữa không trung nhưng chẳng biết phải bay về hướng nào. Bão tố ập tới càng khiến cho chú chim ấy cảm thấy lạc lõng, cô đơn và tiếp tục đập cánh một cách tuyệt vọng cho tới khi toàn thân trở nên trĩu nặng. Huyền mất phương hướng, không biết mình muốn gì. Cô cứ chần chừ giữa việc giữ lại đứa bé hay đi nạo thai, để rồi cuối cùng, ngày này qua ngày khác, bụng Huyền cứ thế to dần lên. Khi mà cả thế giới xung quanh sụp đổ, có lẽ việc trút bỏ một gánh nặng nào đó cho bản thân cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Bộ phim với lối kể ngày này qua ngày khác giống như những trang nhật ký của Huyền – hôm nay có gì xảy ra, ngày hôm sau có gì đặc biệt. Dần dần, người xem bị cuốn vào cái thế giới của những người trẻ hiện đại mà ở đó, ai cũng bị mất phương hướng và mang trong mình một gánh nặng nào đó. Với Huyền, là gánh nặng về tương lai, về tiền bạc. Ở Tùng là gánh nặng về trách nhiệm. Với Linh là gánh nặng giới tính và với Hoàng là một nỗi ám ảnh kỳ lạ. Cái thế giới trong Đập cánh giữa không trung được xây dựng đầy u ám, bi quan nhưng lại mang tông màu lãng mạn và đậm chất thơ.
Chọn âm thanh mở màn và kết thúc thay vì hình ảnh, Nguyễn Hoàng Điệp đã gieo rắc một cảm giác mơ hồ buộc người xem phải tưởng tượng ra một khung cảnh riêng, trước khi được bước vào cái thế giới đó bằng những khuôn hình mượt mà của tay máy Phạm Quang Minh. Hình ảnh mùa hè Hà Nội với khu phố nghèo bên đường tàu, căn phòng ngột ngạt cũ kỹ tạo nên một không gian bức bối, như chính tâm lý của các nhân vật. Tiếng tàu hỏa chạy ngang qua khu phố đôi lúc xen lẫn tiếng thoại càng làm tăng thêm cảm giác cô đơn, trống rỗng như thể đoàn tàu ấy vụt qua đã lôi đi mọi suy nghĩ.
Từ ánh đèn vàng mờ ảo phát ra từ chiếc tủ lạnh cho tới những hình ảnh mang tính biểu tượng như bể cá, chiếc cặp lồng, nồi cháo đang sôi sùng sục trên bếp lửa hay thậm chí là cả tấm rèm ngăn phòng tắm của nhà Huyền cũng mang một cái gì đó đầy ẩn ức, nhục cảm. Phong cách này cũng từng được Nguyễn Hoàng Điệp thể hiện ở một số phim ngắn của chị trước đó. Trong Đập cánh giữa không trung, phần thoại cũng rất “đời” với những câu thoại nhiều lúc sỗ sàng, trần trụi mà đôi khi người xem sẽ phải há hốc mồm. Hoàng Điệp cũng đã rất tinh tế khi kể được những vấn đề của xã hội hiện đại mà không bị biến bộ phim thành một tác phẩm tuyên truyền, “dạy đời”. Góc nhìn của chị tưởng như bi quan nhưng trong đó lại le lói sự lạc quan được thể hiện một cách mềm mại và dễ cảm.
Thùy Anh, cô bé Phan Linh của phim sitcom Bộ tứ 10A8 ngày nào, có một cuộc “lột xác” ngoạn mục với Đập cánh giữa không trung, ở ngay cảnh đầu tiên khi mới xuất hiện. Không quá xinh đẹp, lộng lẫy nhưng gương mặt Thùy Anh lại có một vẻ “cine” mà người xem sẽ bị ấn tượng ngay khi vừa nhìn thấy. Diễn xuất của Thùy Anh cũng biến Huyền, một nhân vật tưởng như “không có gì” lại trở nên rất cá tính và tạo ấn tượng mạnh mẽ. Từ ánh mắt nhìn xa xăm, cử chỉ bối rối khi đi phá thai, đài từ cho tới những cảnh nóng bạo liệt đều được Thùy Anh xử lý rất “ngọt”.
Ca sĩ Thanh Duy Idol cũng đã có một vai diễn đầu tay rất duyên. Linh, chàng trai đồng tính chuyên giả gái để đi bán dâm có tính cách sồn sồn, hấp tấp, đanh đá là nhân tố tạo nên tiếng cười và làm giãn không khí căng thẳng cho bộ phim. Mỗi câu chửi tục hay lời ca thán của nhân vật này đều có thể khiến người xem phá lên cười mà không hề gây phản cảm. Có thể nói rằng trong Đập cánh giữa không trung, Linh là nhân vật sở hữu nhiều câu thoại hay nhất.
Đất diễn của Trần Bảo Sơn không nhiều nhưng nhân vật Hoàng của anh lại rất “dị”, độc đáo và tạo nên kịch tính cao độ cho câu chuyện. Nam diễn viên trẻ Hoàng Hà với gương mặt trẻ thơ cũng hoàn thành tốt vai Tùng. Ngoài Thùy Anh, khán giả cũng được gặp lại một cô bé nữa của Bộ tứ 10A8 ngày nào là Cao Dương Dương. “Lớp trưởng Mai Lâm” với vẻ tomboy ngày trước cũng đã thực sự trưởng thành qua một vai diễn tuy nhỏ nhưng lại có cảnh quay khoe thân rất táo bạo và dữ dội.
Trong bộ phim này, Nguyễn Hoàng Điệp còn quy tụ được nhiều diễn viên gạo cội của Việt Nam như NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Diệu Thuần hay NSƯT Chiều Xuân vào những vai phụ xuất hiện thoáng qua, để dàn diễn viên trẻ đương đại được tỏa sáng. Bản thân đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Phan Đăng Di cũng xuất hiện vào những khoảnh khắc rất bất ngờ, tạo nên sự thú vị cho bộ phim.
So với Bi, đừng sợ thì Đập cánh giữa không trung là một tác phẩm dễ xem hơn đối với khán giả đại chúng vì câu chuyện rõ ràng. Về tính hình tượng và cách tạo dựng không khí, bố cục đa lớp nghĩa; Phan Đăng Di vẫn nhỉnh hơn một chút về tay nghề đạo diễn nhưng ở Nguyễn Hoàng Điệp cho thấy một sự mềm mại, tinh tế và hài hước hơn trong lối kể chuyện.
Nguyễn Hoàng Điệp dường như cũng là một “cánh chim trong bão” khi suốt 5 năm, chị bôn ba đi nhiều liên hoan phim quốc tế, gặp gỡ và tìm cách thuyết phục từng nhà sản xuất quốc tế để xin từng khoản kinh phí cho Đập cánh giữa không trung. Chính vì thế mà dự án này còn được đứng tên bởi ba nhà đồng sản xuất đến từ Pháp, Đức, Nauy. Với thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và một tư duy điện ảnh cá tính, Hoàng Điệp đã tạo nên một Đập cánh giữa không trung chỉn chu mà chị hoàn toàn có thể tự hào.
Đập cánh giữa không trung cũng có thể coi là một tia sáng lạc quan cho điện ảnh Việt Nam trong thời gian gần đây. Giữa thời buổi các phim hài đề tài miền Tây Nam Bộ hay phim thương mại nửa vời đang lũng đoạn thị trường phim ảnh trong nước theo thị hiếu số đông, vẫn có một lớp đạo diễn như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp không dễ dàng thỏa hiệp và âm thầm “đập cánh” để những câu chuyện của họ vươn xa tới thế giới./.
Tối 28/11, bộ phim “Đập cánh giữa không trung” đã được tôn vinh với giải thưởng “Phim dài do BGK bình chọn” tại lễ bế mạc LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 -2014. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vô cùng xúc động khi đón nhận giải thưởng: “Đây là lần đầu tiên tôi có mặt trong lễ trao giải của bộ phim, đặc biệt lại ở trên Hà Nội, quê hương của tôi. Đến với LHP Quốc tế Hà Nội, tôi đã được đón nhận hai cơ hội, đó là được chiếu phim tại quê nhà và bộ phim được công nhận. Bộ phim này còn là tác phẩm tôi dành cho mẹ của mình, người đã không còn có thể xem được phim của tôi nữa”.