1%20copy.jpg

Đạo diễn Thanh Vân trên trường quay (ảnh: Nha Trang)

Gặp đạo diễn Thanh Vân, Nhuệ Giang vào những ngày gấp rút hoàn thành bộ phim mới nhận thấy tình yêu nghề của anh chị. Thanh Vân trên chiếc xe Cup 82 cũ kĩ đến trường quay từ sáng sớm cùng anh em sắp xếp bối cảnh vì “sợ bảo vệ thấy người lạ gây khó dễ”. Còn Nhuệ Giang vẫn vậy, giản dị với vẻ ngoài mà kĩ lưỡng trong từng chi tiết nhỏ nhặt, có những phân đoạn phải quay đi quay lại cả chục lần chỉ vì diễn viên quần chúng mắt nhìn không đúng hướng, trang phục không đúng kiểu hay nói gượng quá. Đảm nhận hai vai trò giám đốc sản xuất, đồng đạo diễn, NSUT Thanh Vân có những chia sẻ về dự án hấp dẫn này.

PV:  Thưa đạo diễn, lần đầu tiên, vợ chồng anh chung tay làm một tác phẩm phim truyền hình, lí do gì dẫn đến sự kết hợp thú vị này?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Đây là sản phẩm đầu tiên trong dự án đưa tác phẩm văn học 1930 – 1945 lên phim, nơi tôi đang công tác (Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam – PV) cùng Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam (VFC) muốn  khai thác, lấp đầy một khoảng trống lớn mà điện ảnh chưa làm được. Mở đầu là di sản của Vũ Trọng Phụng sau sẽ là Lan Khai, Thạch Lam có thể là Kim Lân nữa.

Đoàn làm phim tận dụng những không gian nhang nhác giống Hà Nội xưa để tạo dựng khung cảnh ưng ý (ảnh: Nha Trang)

Tôi đảm nhiệm vai trò nhà sản xuất kiêm đạo diễn cùng Nhuệ Giang. Trước đây, chúng tôi có kết hợp với nhau thực hiện nhiều phim nhựa, riêng phim truyền hình làm độc lập. Ngoài ý nghĩa công việc, cảm hứng là điều không thể thiếu, tuy nhiên, Nhuệ Giang vẫn là đại diễn chính chính.

P.V: Nhà văn Vũ Trọng Phụng là một cây đại thụ của văn học Việt Nam, những tác phẩm ông để lại mang dấu ấn lịch sử thời đại. Đạo diễn làm cách nào để bộ phim vượt qua cái bóng của tác phẩm văn học?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Khi chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng và có giá trị lâu bền người làm phim không tránh khỏi áp lực. Chẳng dễ gì có những tác phẩm điện ảnh vượt qua được tác phẩm văn học. Thứ nhất, sẽ bị đối chứng gắt gao; thứ hai, khó khăn về việc được đánh giá độc lập, dù sao vẫn bị ảnh hưởng nhất định.

Một cảnh trong phim "Ánh sáng kinh thành" (ảnh: Nha Trang)

Lịch sử cũng có rất ít tác phẩm điện ảnh chuyển thể đứng được độc lập và tôn vinh lại tác phẩm văn học. Tuy nhiên, theo tôi mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ và đặc thù riêng. Chúng tôi lường trước được trách nhiệm nặng nề làm sao để tác phẩm điện ảnh có giá trị tương xứng với tác phẩm văn học. Còn làm cách nào ư? Cách duy nhất là làm cho hay mà thôi.

P.V: Như nhiều nhà phê bình đánh giá, nét đặc trưng của tác phẩm Vũ Trọng Phụng là tính đa nghĩa. Đưa cùng lúc bốn tác phẩm nổi bật của ông lên phim, đạo diễn có quá tham và mạo hiểm?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Vấn đề là mình làm có hay hay không, hay thì ko tham còn dở thì tham thôi. Đang trong quá trình thực hiện nên tôi không nói trước được gì nhiều. Đưa bốn tác phẩm lên phim đương nhiên khó hơn rất nhiều nhưng chúng tôi muốn mang tới cho người xem nét khái quát tổng thể về lịch sử đương thời cũng như cái nhìn toàn diện về văn Vũ Trọng Phụng. Mặc dù gộp lại 4 tác phẩm nhưng “Số Đỏ” và Xuân tóc đỏ vẫn là trung tâm.

P.V: Văn phong Vũ Trọng Phụng trào lộng thường gần với ngôn ngữ kịch hơn phim.  Anh có lo lắng phim của mình sẽ bị kịch hóa, làm sao để “Ánh sáng kinh thành” đích thị là phim truyền hình?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Đây là điều khá khó khăn, nếu chỉ đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thì đúng là ngôn ngữ kịch gần hơn, nhưng không có nghĩa là không thể làm phim. Chúng tôi  giảm bớt tính kịch bằng cách khai thác thế mạnh của điện ảnh.  Đi sâu vào chi tiết macro (đặc tả - PV) và lợi thế của hình ảnh là thứ mà kịch không có.

P.V: Trước đây đã từng có phim Số Đỏ ghi dấu cái tên Quốc Trọng trong vai Xuân tóc đỏ. Anh đã lựa chọn một Xuân tóc đỏ mới như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Việc một tác phẩm văn học được làm đi làm lại ở nhiều thời kì khác nhau là điều bình thường thôi mà. Ví như Xích Bích có hơn 20 bản phim khác nhau. Các thế hệ sau này có thể làm tiếp phim mới vẫn trên văn bản cũ. Về Xuân tóc đỏ, theo tôi cách lí giải nhân vật của mỗi đạo diễn khác nhau.

Diễn viên Việt Bắc vào vai "Xuân tóc đỏ" (ảnh SGTT)

Xuân Tóc đỏ của chúng tôi chắc chắn sẽ khác và gây tranh cãi khác. Tôi lựa chọn diễn viên Việt Bắc cho vai diễn này. Còn hay dở và có để lại dấu ấn hay không tôi muốn khán giả đánh giá.

P.V: Việt Bắc một gương mặt trẻ và không mấy nổi tiếng, liệu Xuân tóc đỏ có phải là vai diễn “quá nặng” với anh ấy?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: Tôi và Nhuệ Giang chọn vai hoàn toàn do phù hợp, các yếu tố khác đều là phụ. Chỉ cần họ đóng thử trước mặt mình tốt là ổn, còn nổi tiếng không phải là điều kiện. Xuân tóc đỏ trong truyện chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi, tìm diễn viên trẻ, hợp vai lại nối tiếng thì quá khó. Việt Bắc có hình thức gần với tưởng tượng của chúng tôi, diễn tốt thần thái nhân vật. Biết đâu bộ phim này sẽ giúp bạn ấy nổi tiếng.

Bộ phim “Ánh sáng kinh thành” dài 30 tập,  lấy cảm hứng từ bốn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng: Số Đỏ, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây và Làm đĩ. Phim được bấm máy vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Vũ Trọng Phụng (20/10/2012). Dự kiến sẽ lên sóng truyền hình vào 10/2013.

P.V: Phục dựng bối cảnh xưa là điểm yếu của phim Việt Nam, “Ánh sáng kinh thành” khắc phục nhược điểm đó như thế nào?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Đó là cái khó và khổ của nền điện ảnh không có phim trường. Bối cảnh phim nào chỉ dựng cho phim ấy, làm xong bỏ đi, tưởng là rẻ mà lại hóa đắt.

Chúng tôi phải tạo dựng hoàn toàn bối cảnh mới bằng cách tìm nhà cũ kiến trúc không pha tạp. Các nhà Pháp cổ là một phần quan trọng cho nội cảnh. Ngoài ra, Hoàng Thành, Bảo Sơn,… là nơi  giữ được cảnh nhang nhác Hà Nội xưa sẽ dùng cho ngoại cảnh. Tìm được một con phố Hà Nội xưa khó lắm, chúng tôi phải tạo dựng và né tránh nhiều. Tôi tin, với tài năng của họa sĩ Mạnh Đức khán giả sẽ được sống trong không gian Hà Nội cách đây gần một thế kỉ.

P.V: Nhiều đạo diễn than phiền việc ngắt quảng cáo nhiều lần trong một tập phim 45 phút làm nội dung và tiết tấu bị ảnh hưởng. Anh có tính toán trước yếu tố này?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:Chúng tôi không thể tính toán trước sẽ ngắt quảng cáo lúc nào, tuy nhiên lợi thế là tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có nhiều tình tiết hay, nội dung không dàn trải. Hy vọng trong mỗi đoạn phim ngắn vẫn có yếu tố hấp dẫn. Hấp dẫn ở đoạn này sẽ kéo khán giả xem đoạn sau. Còn ảnh hưởng đến tiết tấu phim hay không thì phải chấp nhận thôi.

P.V: Cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện này./.