Những người Iran hẳn sẽ rất phiền lòng khi thấy tổ tiên mình (Ba Tư ngày xưa) bị mô tả như một thế lực xấu xa, bạo tàn đi chinh phạt các thành bang Hy Lạp trong 300: Rise of an Empire (300: Đế chế trỗi dậy) Đó là những gì mà họ từng thấy trên màn ảnh hồi năm 2007 qua phần một mang tựa 300.

Chọc giận hậu duệ đế chế Ba Tư

Vào thời điểm ấy, bộ phim chuyển thể từ loạt truyện tranh cùng tên của Frank Miller và Lynn Varley đã truyền đi khắp thế giới hình ảnh của Xerxes đại đế (519 - 465 TCN), người đã xây dựng một đế chế Ba Tư hùng mạnh trong dáng vẻ của một người đàn ông ẻo lả, xuyên giới tính. Hình ảnh này đối nghịch với vẻ cường tráng, rất đàn ông của 300 chiến binh thành Sparta, nơi mà ông đổ hơn 300.000 quân sang chinh phạt.

Bộ phim khiến chính phủ Iran vô cùng tức giận ra thông cáo cho bộ phim là "một bài tuyên truyền gây tổn thương của người Mỹ". Trong một động thái chưa có tiền lệ, Iran gửi kháng nghị lên Liên hiệp quốc và UNESCO bày tỏ phản đối bộ phim. Sứ quán nước này tại Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan cũng gửi công hàm phản đối việc trình chiếu bộ phim.

20140314163006-1.jpg
Hình ảnh Xerxes đại đế trong phim "300: Đế chế trỗi dậy." 

Nhưng dù vậy, 300 vẫn dễ dàng thu về 465 triệu USD trên toàn thế giới do được làm hoành tráng với kinh phí 65 triệu USD. Hình ảnh được đầu tư kỹ xảo rất lớn với các màn chiến đấu được quay chậm, làm đậm nét động tác, cơ bắp của dàn diễn viên, tạo được nhiều ấn tượng về thẩm mỹ.

Hiện chưa thấy có phản ứng gì từ phía Iran đối với phần 2. Bộ phim, chuẩn bị ra mắt tại VN từ ngày 21/3 tới đây, kể lại cuộc chiến thứ hai giữa Ba Tư và Hy Lạp sau khi cuộc chiến thứ nhất kết thúc. Lần này không phải với những người đàn ông Sparta "sinh ra đã là một chiến binh", mà với những người Athen chưa quen trận mạc. Hai trận thủy chiến có thật trong lịch sử là Artemisium và Salamis sẽ được thuật lại trong phim này.

Tuy nhiên, ý kiến của vị giáo sư nghiên cứu văn hóa Hy Lạp Paul Cartledge từ đại học Cambridge cho rằng "nên xem bộ phim như một vở nhạc kịch, nó không phải là một tài liệu chính xác về mặt lịch sử". Bằng chứng cụ thể được ông chỉ ra là phim còn nhiều sai sót, chẳng hạn như hai cha con Darius và Xerxus không xuất hiện tại cuộc chiến Marathon, Darius cũng không chết như cách phim mô tả, Artemisia không kiềm chế được hạm đội Ba Tư sau trận Salamis...

"Noah": Cả hai tôn giáo đều lo âu

Phát hành một tuần sau 300: Đế chế trỗi dậy là Noah: Con thuyền cứu nạn, bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện về ông Noah trong Kinh Thánh. Ông Noah là người công chính nên được chúa báo trước cho sự kiện ngài sẽ làm một trận đại hồng thủy để xóa sạch mặt đất khi xã hội con người toàn những đồi bại, xấu xa. Ông đóng một con thuyền theo ý chúa và cho mỗi loài động vật một cặp đực - cái lên thuyền.

Dù nhà phát hành cam đoan rằng sáng tạo của bộ phim không nằm ngoài những gì đã được kể trong kinh thánh để vẫn giữ được sự toàn vẹn, ý nghĩa và tinh thần cốt lõi của nó. Tuy nhiên, bộ phim vẫn gây nhiều lo âu cho người theo đạo Thiên Chúa khi nhìn thấy hình ảnh ông Noah qua diễn xuất của người hùng cơ bắp Russell Crowe, nhất là khi có chi tiết cho thấy ông đương đầu chiến đấu với những đoàn người xấu xa đang tìm mọi cách lao lên thuyền.

Huyền thoại về ông Noah xuất hiện cả trong Kinh Thánh và Kinh Koran. 

Tờ Variety trích dẫn cuộc khảo sát một tổ chức của nhà thờ Công giáo ở Mỹ, cho thấy 98% thành viên của tổ chức này không hài lòng với cách mà Hollywood chuyển thể các câu chuyện từ Kinh Thánh như kiểu phim "Noah". Tuy nhiên, Paramout sau đó đã chỉ trích tờ này trích dẫn sai cuộc khảo sát mà chính họ đã tiến hành. Để bảo vệ cho bộ phim, hãng này trích lại một khảo sát được thực hiện bởi một công ty độc lập cho thấy 83% những người theo đạo được điều tra nói họ thích thú với bộ phim và sẽ giới thiệu cho bạn bè xem.

Các bản phim mà Paramout tự cắt gọt rồi đem đi chiếu thử để lấy ý kiến khiến đạo diễn Darren Aronofsky (phim Thiên nga đen) tỏ ý rất phiền lòng. Bởi đây không phải là bản dựng cuối cùng của ông. Paramout sau đó đã phải dàn xếp bằng trấn an bản cuối cùng đem chiếu rạp vẫn là bản cắt gọt của đạo diễn.

Những ồn ào về Noah chưa hết khi tuần qua, ba nước Hồi giáo gồm Bahrain, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã chính thức ban lệnh cấm chiếu phim này vì "trái với điều mà đạo Hồi răn dạy". Phim cũng bị cấm ở Ai Cập với lý do vi phạm giáo luật của đạo Hồi và có thể "kích động phản ứng nơi các tín đồ". Noah và con thuyền của ông cũng là một huyền thoại được ghi chép lại trong kinh Koran./.