Đây là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định Văn hóa giữa Việt Nam và Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và nhân dịp kỷ niệm tròn 5 năm Liên hoan phim tài liệu quốc tế.
Tiếp theo thành công của những lần Liên hoan trước, Liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam năm nay với sự tham gia của các nhà làm phim đến từ 8 nước Châu Âu như Bỉ, Đức, Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Anh sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để giới thiệu Liên hoan phim.
Các nhà làm phim đến từ Việt Nam và một số nước Châu Âu |
Sự kiện này là một hoạt động của các Viện văn hóa và các Đại sứ quán Châu Âu. Một trong những đặc điểm của Liên hoan là mỗi tối sẽ có một bộ phim tài liệu Châu Âu và một bộ phim tài liệu Việt Nam được trình chiếu. Qua sự lựa chọn các đề tài đa dạng và cuộc đối thoại giữa các phim tài liệu Việt Nam và Châu Âu, các nhà tổ chức mong muốn giới thiệu tới người hâm mộ phim Việt Nam và quốc tế sự sinh động của phim tài liệu đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Thành công trên phạm vi thế giới của các phim tài liệu cho thấy khán giả đã thực sự đón nhận “một nền điện ảnh hiện thực”. Bộ phim của Đức “Con tàu của kẻ săn bàn thắng” nói đến mối liên quan của một của một cựu cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp tới một vụ bê bối về lao động trẻ em ở Tây Phi. Hai bộ phim tài liệu của Pháp và Bỉ đề cập tới vấn đề đối mặt với chiến tranh. “Palme” và “Jean-Jacques Rousseau – Toutdire” của Thụy Điển và Thụy Sỹ là những bộ phim về những nhân vật lịch sử kiệt xuất đất nước họ.
Phim Một mùa hè với Anton sẽ chiếu mở màn cho Liên hoan phim |
Một cách hài hước và tinh tế, phim của Anh “Bóng bàn” lại đề cập tới vấn đề già hóa dân số toàn cầu thông qua câu chuyện của 8 nhà vô địch kỳ cựu bóng bàn kỳ cựu. Các bộ phim Việt Nam cũng đề cập tới những vấn đề xã hội sâu sắc như chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong “Chuyện dài ở bệnh viện” hay các khía cạnh khác nhau của vấn đề giáo dục trong “Chữ trên sóng”, “Bản đồ tư duy – Hành trình kết nối” và nhiều bộ phim khác như “Người thả chiều vào tranh”, “Ký ức một thời”, “Không chiếu”, “Cha mẹ xin lỗi con”, “Người thắp lửa”, “Chuyện một vùng non cao” và “Andre Menras – Một người Việt”.
Bên cạnh hầu hết các đạo diễn phim tài liệu Việt Nam, Jasna Krajinovic (Bỉ), Patrick Chauvel (Pháp) và Heidi Specogna (Đức) sẽ tới Hà Nội để giới thiệu tác phẩm của họ.
Liên hoan phim tài liệu quốc tế tại Việt Nam lần thứ 5 được diễn ra từ ngày 5/6 - 14/6 tại Hà Nội và từ ngày 10/6 – 29/6 tại TP.HCM./.