Ngôi mộ này có 4 đường dốc dẫn lối vào bên trong, được đặt dưới lòng đất từ 2 đến 4,5 m. Phần móng nằm cách mặt đất từ 27 – 30m. Nhà nghiên cứu Mã Dũng Anh thuộc Viện khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây cho biết cấu trúc, qui mô của ngôi mộ này tương tự với hai ngôi mộ hoàng đế nhà Tây Hán khác, đặc biệt là với những dấu vết của diễn biến lịch sử.
“Bố cục của chứng tích cho thấy đây là một trong những ngôi mộ đặc biệt nhất vào thời nhà Hán. Những ngôi mộ kiểu này chỉ được sử dụng để chôn cất hoàng đế và hoàng hậu. Ngôi mộ bao gồm các lối đi, trải dài 250 mét từ đông sang tây và 140 mét từ Nam đến Bắc. Nó rộng đến mức tất cả các phòng đều dài hơn 70 mét. Những ngôi mộ của thượng thư và quan lại cấp cao sẽ không có quy mô như thế này”, ông Mã Dũng Anh nói.
Các nhà khảo cổ cũng tìm ra các ngôi mộ khác của thái hậu và hoàng hậu thời Hán Văn Đế được bố trí quanh ngôi mộ chính. Trong những ngôi mộ này, các nhà khảo cổ khai quật được hàng trăm món trang sức có phong cách trang trí kỳ lạ. Ông Mã Dũng Anh cho rằng chứng tích này đã lấp đầy chỗ trống về “sự tiến hóa” của các ngôi mộ hoàng đế thời Tây Hán.
“Ngôi mộ lớn của hoàng đế và mộ của hoàng hậu nằm trong cùng một nghĩa trang. Điều này phản ánh phong tục chôn cất của hoàng gia vào thời nhà Hán, cụ thể là hoàng đế và hoàng hậu được chôn cất trong những ngôi mộ riêng biệt nhưng trong cùng một nghĩa trang. Việc tìm ra nghĩa trang đã cung cấp một phần bằng chứng quan trọng, xác định ngôi mộ thuộc về hoàng đế”, ông Mã Dũng Anh cho biết thêm.
Ngôi mộ của Hán Văn Đế nằm trong số 3 phát hiện khảo cổ lớn vừa được Cục Di sản Văn hoá Quốc gia Trung Quốc công bố. Danh sách này cũng gồm một tàn tích khu dân cư cổ ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và một khu lăng mộ ở thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc./.