Những lần vào làm giám khảo chấm thi ‘Hát Dân ca trên sóng Phát thanh” khu vực phía nam, đồng nghiệp ở các Đài PT-TH: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng…hướng dẫn tôi đi “điền dã” về vùng đồng bào Khmer Nam Bộ. Tận mắt xem đua Ghe Ngo, xem múa, nghe đàn và hát các điệu dân ca…tôi đã được bổ sung thêm kiến thức về các thể loại văn hóa văn nghệ dân gian của miền Tây.
Với bà con dân tộc Khmer Nam Bộ không chỉ vào dịp lễ Tết, mà những ngày bình thường: một đêm trăng sáng, một chiều thư thả sau khi thu hoạch vụ mùa, nếu đến thăm các phum sóc của bà con ở đây, ta được nghe những lời ca tiếng hát những điệu nhạc rộn ràng của thanh niên nam nữ. Bà con Khmer Nam Bộ có một vốn văn nghệ dân gian rất phong phú.
Ảnh minh họa: Internet
Dân ca Khmer Nam Bộ có rất nhiều loại: Hát ru con (chằm-riêng bòm-pe kon); hát làm việc (chằm-riêng ka ngia), hát huê tình (chằm-riêng bôn-sơ rông)...
Những bài hát ru con thường mang nhiều âm điệu khác nhau, với làn điệu dịu dàng, âu yếm, lời ca ngắn gọn và đôi khi là những lời khuyên dạy con cái nhẹ nhàng: Con ơi, ngủ đi đừng khóc/Cơm nguội với mật ong/Ăn rồi con đi chơi/Đi chơi gần đừng đi chơi xa…
Trong lao động, như dệt chiếu, dệt vải, hoặc chèo thuyền trên sông, bà con Khmer Nam Bộ đều có bài hát riêng. Lời ca thật sinh động, âm điệu nhịp nhàng, tiết tấu khoẻ: Ái dầm vỗ nước dạt dào/Thuyền ra sông rộng, lại vào lạch sâu/Thuyền người về bến cắm sào/Thuyền anh còn ở chốn nào anh ơi?
Những ngày lễ, Tết truyền thống như Tết vào năm mới (Chol chnam thơ-mây), lễ cúng ông bà (đôn ta), lễ cúng trăng (ok-om-book)...cũng là dịp để mọi người vui chơi hò hát. Đặc biệt trong những dịp này, ở nhiều phum, sóc, thường có các buổi hát kể chuyện, hát chàm-riêng chà-pli.
Đó là lối hát mang tính tự sự độc đáo, có sức gợi cảm mạnh mẽ, tập trung được sự chú ý của nhiều người dân trẻ cũng như già. Họ gẩy đàn chà-pli đệm theo từng câu hát kể chuyện. Những câu hát này do nghệ nhân tự ứng tác theo một cốt truyện dân gian quen thuộc.Những buổi như thế có thể kéo dài đến sáng. Cùng với lối hát kể chuyện do một người biểu diễn, lối hát đối đáp a-day có kèm theo múa, hoặc hoá trang bằng mặt nạ, đã lôi cuốn được đông đảo thanh niên tham gia. Từng đôi trai gái vừa múa vừa hát. Họ đối nhau bẻ nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người bạn phải cất tiếng hát đáp thay.
Thường những câu hát a-day đối đáp giữa trai gái mang nhiều nội dung, màu sắc phong phú, khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Thí dụ:
Trai: Anh ném trái ch’hung
Ch’hung rớt trúng em
Hãy xem chừng em gái ơi
Đừng để ch’hung rơi
Gái: Hãy ném cho em,
Anh chớ lo xa
Nếu trái ch’hung rơi
Em sẽ hát thay anh.
Trai: Đây trái ch’hung đây
Hãy nhìn, hãy coi
Nếu không (bắt được) em phải hát
Lần này lần nữa
Nếu em ném trái ch’hung
Hãy nhớ chờ anh
Chờ khi chúng ta bằng lòng
Hát a-day vừa múa vờn nhau giữa những đôi trai gái vừa hát đối nhau. Trong đám hỏi, đám cưới người Khmer, thường có một bản nhạc biểu diễn suốt ngày đêm, và những cuộc rước dâu, chạm ngõ thường được biểu hiện bằng những điệu múa theo truyền thống dân tộc.
Ông mối phải biết múa mở cổng, múa quét chiếu, rồi các nghệ nhân đi kèm phải biết múa cắt hoa cau, cắt tóc thề…Thông thường những đám cưới của người Khmer có đến 33 điệu múa. Trong lễ cúng thần cầu an (Thơ vây tê vô da), cúng A rawck…những người chủ lễ và hành lễ đều biết múa hát.
Lời hát và điệu múa mang tính thần bí, tín ngưỡng của người Khmer, cầu mong cho làng xóm bình yên, cuộc sống con người trong phum sóc ấm no hạnh phúc... Trong dịp đua ghe rước nước vào ngày lễ Ok-om-bok (lễ cúng trăng–ăn cốm) bà con Khmer chọn thanh niên mạnh khoẻ tham gia chèo thuyền đua.
Trên thuyền có người vừa đánh cồng, vừa hát những lời ca thúc giục, kích lệ lòng hăng say của các tay chèo. Còn các tay trèo vừa chèo vừa cất giọng hoà theo. Hầy dô dô...Hầy dô dô...nhịp nhàng, đưa con thuyền lướt nhanh về đích.
Sân khấu dân gian là loại hình nghệ thuật quần chúng được bà con Khmer Nam Bộ yêu thích. Lối diễn hai người hát đối đáp nhau dựa theo một cốt truyện dân gian – Aday Rương – có lẽ là hình thức sơ khai của sân khấu dân gian Khmer. Hình thức biểu diễn Aday Rương tương đối giản đơn, căn cứ vào một cốt truyện, ứng tác thành những lời ca, có khi kèm theo các động tác múa minh hoạ.
Rô-băm hay còn gọi là Rom-dắc (múa chằng) là một loại hình ca, vũ, kịch khá cổ. Các diễn viên chủ yếu thông qua ngôn ngữ múa để thể hiện tính cách và tâm lí nhân vật. Những diễn viên đóng các vai chằng, đạo sĩ, chim thần, khỉ… đều mang mặt nạ, thì không phải hát chỉ múa và thể hiện bằng động tác quy ước.
Các diễn viên trong vai hoàng tử hoàng hậu, công chúa…không đeo mặt nạ mới hát đối thoại. Đề tài của kịch bản Rô-băm chủ yếu là các truyện cổ có tính chất anh hùng ca. Phổ biến nhất là vở Riềm-kê, kịch bản Rô-băm này được sáng tác dựa theo trường ca Riềm-kê, một dạng kể của người Khmer về bản trường ca Ramayana nổi tiếng của Ấn Độ. Vở Riềm-kê, nhiều vùng Khmer Nam Bộ phải diễn suốt hàng hai mươi đêm liền mới hết vở.
Dì-kê hay múa truyện (Rọm rương) cũng là một hình thức sân khấu đặc sắc khác của người Khmer phổ biến ở vùng Tri Tôn, Châu Đốc (An Giang). Diễn viên Dì-kê vừa múa vừa hát theo những vũ điệu đã được quy định chặt chẽ tuỳ tình huống.
Bên trong hậu trường có một tốp ca phụ hoạ, giúp người xem nắm vững tính cách nhân vật, còn tích tuồng thì do ‘thầy tuồng’ vừa vỗ trống dì-kê, vừa hát ‘hò hê’ dẫn tuồng, sân khấu dì-kê là loại hình ca múa mang tính chất ước lệ, động tác diễn viên được cách điệu hoá cao, có quy định khá tỉ mỉ.
Lưu ý các bạn, chúng ta cần phân biệt giữa loại sân khấu dì-kê trên đây với dù-kê, tránh sự nhầm lẫn như một số người đã nhầm. Dù-kê, có nơi còn gọi là À-pê là loại hình sân khấu ca kịch mới ra đời trong những năm 20 của thế kỉ trước. Song, đến nay đã sớm trở thành một hình thức biểu diễn sân khấu tương đối phổ biến. Rất nhiều phum sóc Khmer đã có tổ chức các đoàn dù-kê. Sân khấu dù-kê của người Khmer có thể xem tương tự với cải lương Nam Bộ. Ngôn ngữ múa rất ít, diễn xuất của diễn viên chủ yếu là lời ca và cách đối thoại.
Nói đến văn nghệ dân gian của bà con Khmer Nam Bộ không thể không nhắc đến giàn nhạc dân tộc Khmer, thường gọi là Phơ-lênh Khơ-xe. Dàn nhạc này được chia ra nhiều bộ phận nhỏ và khác nhau với nhiều loại nhạc cụ, đàn Tà-rô (đàn có vỉ kéo), đàn chà-pli (giống đàn đáy của người Việt), đàn tờ-ro-u (đàn gáo), đàn khum (giống đàn tam thập lục), kèn pây–e, trống sờ-co... Hầu hết các phum sóc đều có dàn nhạc nhằm phục vụ cho sinh hoạt trong các dịp cần thiết.
Bên cạnh dàn nhạc Phơ-lênh Khơ-xe, còn có dàn nhạc Phơ-lênh Xiêm, tức dàn ngũ âm chỉ sử dụng trong nhà chùa vào các dịp lễ tôn giáo.Dàn nhạc ngũ âm gồm năm nhạc cụ: Pết-kông (gồm 12 đến 16 chuông đặt trên giàn mây hình vòng cung, dàn Rô-niết bằng sắt, bằng gỗ, bằng tre, và trống Xàm-phô.
Vốn văn nghệ dân gian truyền thống của bà con Khmer Nam Bộ đang được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, góp phần tô điểm cho cuộc sống.
Gần hai chục năm nhớ lại, tôi càng biết ơn các bạn đồng nghiệp đã giúp tôi say thêm với dân ca phương Nam, trong đó có dân ca Khmer Nam Bộ. Với nếp sống văn hóa đoàn kết, nghiêm khắc và nhân ái bà con đã làm cho tôi nhớ mãi những lần đến từng Phum Sóc của những người thích tiếp khách và biết tiếp khách.
Khó quên và vui nhất là lần về xã Bình An,Hà Tiên, Kiên Giang, cả nhà cụ Thạch Ba (82 tuổi) gồm 9 người đã “đồng ca” để chúng tôi thu thanh bài dân ca “Cô gái xinh đẹp” (Sơ rây Pô rô xô):
“Anh như thấy dấu chân em
Biết em là cô gái đẹp, mà tại sao anh chưa biết
Em ở rẫy hay ở vườn, trên đất giồng hay đồng bưng
Em ơi xin em hãy nói, hãy chỉ cho anh biết với
Rằng em đang ở nơi nào?.../.