Với Phạm Phương Thảo, 20 năm ca hát mới có một liveshow riêng là điều rất muộn mằn. Những người đồng nghiệp thân thiết như Việt Hoàn, Hoa Trần, Tố Nga, Trọng Tấn, Đăng Dương... đều cảm thấy đáng tiếc cho một giọng ca như Phạm Phương Thảo.
Trong đêm liveshow "Mơ duyên" diễn ra vào tối 3/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Phạm Phương Thảo thậm chí đã phải xin lỗi khán giả và xin lỗi chính bản thân mình vì sự chờ đợi quá dài: "Tôi xin lỗi vì đến giờ mới làm được liveshow của riêng mình".
Phạm Phương Thảo. |
Nhưng, sự muộn mằn cũng có cái giá của riêng nó. Có lẽ khán giả là những người may mắn nhất khi được thưởng thức Phạm Phương Thảo một cách trọn vẹn ở độ tuổi "chín" nhất về nghề và người. Trải qua những truân chuyên, những mối tình đau đớn, Phạm Phương Thảo vẫn có chất "điên" của mình nhưng cô đã đằm thắm hơn, nữ tính hơn.
Cùng với đó, khán giả được nhìn thấy ở cả nữ ca sĩ một khía cạnh mới bên cạnh là một ca sĩ dòng dân gian - một tác giả chững chạc với những sáng tác đầy chất thơ.
"Mơ duyên" được chia làm 3 phần với kết cấu rõ ràng, xuyên suốt. Phần 1 là chân dung của "gái Nghệ" vừa nhẹ nhàng mà vẫn cứng cỏi, với một tình yêu âm nhạc tha thiết, rời xa quê hương để lập nghiệp. Trong bộ áo dài trắng duyên dáng, Phạm Phương Thảo đã hát lên "Duyên người Nghệ", "Neo đậu bến quê", "Ca dao em và tôi" và "Gái Nghệ".
Nữ ca sĩ chia sẻ, cô dành trọn phần 1 dành cho gia đình, cho bè bạn và rất nhiều người Nghệ có mặt trong khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô tối 3/11. Đặc biệt, là dành tặng cho cha mẹ - những người đã rất vất vả để nuôi cô nên người.
Khoảnh khắc xúc động nhất ở liveshow chính là những lời tâm tình của cha Phạm Phương Thảo. Cha mẹ cô là những người làm nông, gia đình đông con nên để lo ăn học là điều không dễ dàng. Khi Thảo rời nhà đi học xa, ông chạy theo chiếc xe để dúi cho cô chiếc chăn con công lành lặn nhất của cả gia đình. Đến giờ, khi thấy con gái trưởng thành, đứng trên sân khấu của riêng mình, ông thấy tự hào về con.
Phạm Phương Thảo bên cha mẹ. |
Phần 2 của liveshow là những ca khúc do cô tự sáng tác được các khách mời thể hiện. Có thể thấy rất rõ, Thảo đã đưa những câu chuyện của đời mình, cá tính của mình hòa với chất dân gian, chất thơ trong từng tác phẩm.
Khán giả rất bất ngờ khi được nghe sự hào sảng, mạnh mẽ của "Trai quê tôi" (Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn); sự lắng đọng, nghẹn ngào của phận gái bị phụ bạc trong "Mong manh em" (Nguyễn Ngọc Anh); sự đằm thắm, dịu dàng trong "Thương ơi lòng mẹ" (Nguyễn Thu Hằng); sự hồn nhiên, vui vẻ với "À ơi ngày thơ" và cả sự mãnh liệt trong "Hát đồng dao" (Thanh Lam)...
Trong một vài chỗ, Phạm Phương Thảo còn có sự "ngô nghê" của một người mới sáng tác. Nhưng nhìn vào tổng thể, những sáng tác của cô rất "đẹp" khi câu từ giàu hình ảnh, giàu chất thơ, âm nhạc được chau chuốt, tỉ mỉ.
Những khách mời trong chương trình và cả nhạc sĩ Thanh Phương (Giám đốc âm nhạc) cũng phải thừa nhận khả năng sáng tác của cô.
Đến phần 3, Phạm Phương Thảo đã trở về với những gì đã làm nên cô của ngày hôm nay với những sáng tác nổi tiếng. Ở đó, nữ ca sĩ đã bung ra toàn bộ sức lực của mình để hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh", "Quảng Bình quê ta ơi", "Bài ca thống nhất".
Phạm Phương Thảo và ekip đã rất tinh tế khi sắp xếp chương trình làm 3 phần: nữ ca sĩ là người mở màn và cũng là người kết thúc, các khách mời giống như những con thuyền đi ngang đời cô và kể lại một phần về con người của Phạm Phương Thảo.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một giọng hát mảnh và cao, dễ khiến khán giả cảm thấy "mệt tai" khi nghe liên tiếp Phạm Phương Thảo thì việc ngắt quãng là điều khá hợp lý.
Một điểm nhấn khác của chương trình là việc thiết kế sân khấu khá cầu kỳ với nhiều lớp lang. Việc sử dụng nhiều đạo cụ như dải lụa, nhà tranh, thuyền... cũng tạo ra một không gian rộng lớn và nhiều sức tưởng tượng hơn cho các ca khúc của nữ ca sĩ.
Dàn nhạc cũng là một điểm cộng lớn khi phối những bài hát đầy chất dân gian của Phạm Phương Thảo một cách mới mẻ, hiện đại và nâng được giọng hát của cô lên rất nhiều.
Đêm nhạc kết thúc với khoảng 16 bài hát đã được thể hiện. Sẽ là điều đáng tiếc khi đây là đêm nhạc cuối cùng trong sự nghiệp của Phạm Phương Thảo. Nhưng với những gì mà cô đã thể hiện trên sân khấu, nữ ca sĩ có lẽ sẽ không có điều gì phải hối hận. Và khán giả, sẽ lưu lại một kỷ niệm đẹp về đêm nhạc của một "gái Nghệ" truân chuyên mà nặng lòng với âm nhạc./.