Lập đông được gần một tháng nhưng Hà Nội vẫn nhiều ngày "nóng chảy mỡ" như giữa hè. Vừa hay ngày "Bống" Hồng Nhung từ TP HCM ra luyện tập cho show Phố à phố ơi... Bống à Bống ơi, trời chuyển lạnh.

"Người Hà Nội gốc đi xa đều rất sợ mùa đông, nhất là cái thời của chúng tôi, mùa đông lạnh mà không có máy sưởi như bây giờ. Chúng tôi thường rót nước nóng vào chai thủy tinh, ủ vào chăn rồi chui vào xoa hai chân lên cái chai đó. Mùa đông Hà Nội ngày ấy khổ nhưng lại là mùa người ta nhớ về nhiều nhất. Bởi cũng như trong cuộc đời, bài hát hay những trang tiểu thuyết, mùa đông có điều gì cắt vào lòng làm sự rung động được nhân lên". Bống nói chương trình diễn ra vào mùa đông cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên, không chủ ý. Nhưng mùa đông Hà Nội cũng thật chiều chuộng Bống khi mang cái lạnh về đúng lúc, góp phần cộng hưởng cảm xúc. Coi như địa lợi, thiên thời.

hong_nhung2_4567_1449162441_gtjq.jpg
Hồng Nhung trong buổi tập với ban nhạc hôm 3/12.

Nữ ca sĩ chia sẻ cô có 18 năm cuộc đời gắn với Hà Nội. "Tôi sống trong ngôi nhà Pháp cổ trên con phố Điện Biên Phủ, có chiếc cổng sắt to, vườn có cây nhãn, cây táo, vỉa hè rộng với hai hàng sấu già mỗi mùa hoa rụng trắng. Đi khỏi Điện Biên Phủ là con đường Cao Bá Quát đầy hoa sữa. Tôi may mắn sinh ra trong toàn những điều đẹp đẽ nhất của Hà Nội nên tâm hồn được ôm ấp để trở thành một người nghệ sĩ, một con người rất Hà Nội".

Hồng Nhung nhớ cô đã lớn lên cùng đám bạn trên con phố, mỗi đứa có một tên giả: cái Bống, con Lỳ, thằng Bu, thằng Khẹc... với những buổi rủ nhau đào hố bắt dế, bắt ve. Cũng từ con phố đó, người con gái 16, 17 tuổi đã có những rung động đầu đời đầy trong sáng với một người con trai. "Ngày đó còn trẻ quá nên không thể nói được nhiều điều như bây giờ. Cũng không có nhiều phim ảnh để xem nên những rung động đầu đời nó đến mình còn chưa nhận ra. Chỉ biết ngóng chờ người đấy. Người đấy là nhạc sĩ, mình là ca sĩ, cùng đi hát bên nhau. Đến năm tôi 18 tuổi, hai người mới thổ lộ".

Ca khúc Phố à phố ơi viết cho riêng Hồng Nhung sẽ lần đầu tiên được cô thể hiện trên sân khấu, kể về thuở ban đầu ấy. "Phố ơi có nhớ/ Trên căn gác nhỏ/ Nơi tôi mơ thấy tình yêu đầu tiên". Nhưng tình yêu ấy không thành để rồi Hồng Nhung lại hát: "Để lại mối tình đã cũ/ Viết tên nhau bằng mùa thu" hay "Chỉ còn mang theo ký ức/ Bài hát xưa tôi hát cho bạn bè". Ngày ấy có cây đàn guitar, niềm sung sướng lớn nhất của cô là mỗi lần được ngồi vòng tròn cùng nhau ca hát. Ký ức đẹp đẽ khiến nữ ca sĩ mang theo câu hỏi: "Phố ơi có nhớ/ Nơi đây có người con gái mang tên một nhành hoa". "Nhành hoa ấy chính là tôi đấy", Hồng Nhung nói.

Hồng Nhung trẻ trung ở tuổi 45.

Nhưng Hồng Nhung không chỉ sống với quá khứ. Cô chia sẻ Phố à phố ơivà Bống à Bống ơi như hai vế của một câu đối. Có quá khứ - hiện tại. Có Bống hôm xưa - Bống hôm nay. Những mảng ký ức làm vốn cho Hồng Nhung mang theo ở hiện tại. "Cám ơn quá khứ, gia tài đó đã cho tôi có hôm nay. Mình giàu có bằng chính những điều đó".

Phố à phố ơi... Bống à bống ơi sẽ là câu chuyện kể năm phần, đan cài giữa câu chuyện của phố - quê hương, nguồn cội - và của con người là Bống. Sinh ra từ phố, Bống lớn lên với những tình yêu, xúc cảm đầu đời. Tình yêu ấy mở dần ra với quê hương, đất nước. Lớn hơn nữa là tình yêu với nhân loại, trong đó Hồng Nhung muốn truyền tải thông điệp bảo vệ tê giác, cứu loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cuối cùng là con người triết học của Bống - qua hành trình sống đã thu nạp những triết lý, chiêm nghiệm để nhận ra cuộc đời vốn buồn nhiều hơn vui, nhưng con người hãy chỉ nghĩ tới những điều vui mà sống.

Đêm nhạc diễn ra vào 5/12. Từ 3/12, nữ ca sĩ cùng ban nhạc đã bước vào tập luyện. Hồng Nhung thắt tóc bím, mặc đồ như nữ sinh, nhún nhảy ở phòng tập. Cô khoe chiếc vali nhỏ màu bạc đựng đồ ăn cho cả ngày mà mọi người đùa là Hồng Nhung mang cả bếp ăn theo. Buổi trưa, cô ăn sandwich lấy từ vali rồi kê ghế nằm nghỉ tạm ở góc phòng chờ buổi chiều tập tiếp. Hồng Nhung chia sẻ cô cũng rất run vì ba năm mới trở lại làm chương trình ở Hà Nội. Cô hứa mang tới cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ là một show ca nhạc, còn cảm nhận thế nào để dành cho khán giả./.