Nhạc sĩ Huy Thục: Hơn 40 năm trước, khi hay tin Bác mất, tôi đã cùng những nhạc sĩ quân đội khác có mặt tại Hà Nội để viếng Người. Sau đó, chúng tôi nhanh chóng trở lại chiến trường để cùng chia buồn với những người đồng đội, đồng bào cả dân tộc và cũng là để cảm nhận sâu hơn về nỗi đau của những người lính đang trực tiếp chiến đấu trên mặt trận ngày ấy. Bao trùm là không khí tang thương, đau buồn và tôi đã trăn trở, suy nghĩ để viết nên hợp xướng ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.
Nhạc sĩ Huy Thục với cây đàn đã từng theo ông đi khắp các chiến trường để phục vụ các chiến sỹ trong những năm chống Mỹ (Ảnh: K.T) |
Tôi viết ca khúc này vì với tôi và với những người con đất Việt, Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của chúng ta. Bác vẫn đưa đường dẫn lối để những người lính bước đi trên con đường hành quân chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Chính vì vậy, mở đầu bài hát, tôi đã viết: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác. Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người. Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời...”.
Tôi hoàn thành “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” vào năm 1969 nhưng mãi đến năm 1970, ca khúc mới chính thức được phát trên làn sóng phát thanh. Thời gian trôi qua, bản thân tôi cũng không thể ngờ rằng, đây là bài hát được toàn dân hưởng ứng, là 1 trong 10 bài hát quy định của quân đội và cho đến ngày hôm nay, các cháu vẫn đang cất cao tiếng hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”.
PV:Là một nhạc sỹ có khá nhiều ca khúc hay viết về Bác như “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Đời đời nhớ ơn Bác” và rất nhiều ca khúc khác nữa, chắc hẳn ông đã có khá nhiều kỷ niệm đẹp về Bác?
Nhạc sĩ Huy Thục:Tôi được gặp Bác nhiều lần nhưng có lần khiến tôi nhớ mãi, đó là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được tham gia Đoàn Nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế. Vì có nhiều thành tích nên tháng 10/1946, chúng tôi được vinh dự đến Ga Hàng Cỏ đón Bác Hồ trở về từ Pháp và được theo Bác đến Bắc Bộ phủ. Tại đây, tôi vinh dự đại diện đoàn đọc một bài thơ mừng ngày Bác trở về, được Bác ôm hôn và chia kẹo.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục “cuộc hành trình” cùng Bác. Đây cũng là dịp chúng tôi được chụp ảnh với Bác cùng các vị khách mời. Chỉ một hành động nhỏ nhưng với tôi, những điều này thật lớn lao và có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được những giây phút đó.
PV:Ông từng triển khai kế hoạch sưu tầm những ca khúc hay viết về Bác và dự định sẽ in thành sách “Tuyển tập các tác phẩm âm nhạc về Bác Hồ”. Động lực nào đã thôi thúc ông thực hiện điều đó?
Nhạc sĩ Huy Thục:Không chỉ riêng tôi mà các nhạc sĩ khác mỗi khi viết về Bác đều cảm thấy bồi hồi xúc động. Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một nhà văn hóa và cũng là một trong những nhà hoạt động chính trị tài năng xuất chúng được biết đến trên toàn thế giới. Ở Bác có sự bao dung, nhân hậu, hết lòng vì nước, vì dân, thương yêu đồng bào, dân tộc và cũng hết sức khiêm nhường. Tất cả những bản tính cao đẹp đó của Người chính là động lực lớn nhất giúp tôi thực hiện công việc sưu tầm và triển khai kế hoạch tuyển chọn những ca khúc hay nhất viết về Bác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cho đến thời điểm này, kế hoạch của tôi vẫn thực hiện được.
Ngoài ra, trước đó tôi đã viết khá nhiều những ca khúc về Bác như “Ngọn lửa Bác Hồ trao”, “Thủy điện Hòa Bình sáng tình Bác”, “Tượng đài Bác trên thủy điện sông Đà”, “Hành khúc từ làng Sen” và nhiều ca khúc nữa, nhưng tất cả cuối cùng viết rồi để đấy vì chúng tôi không có kinh phí để dàn dựng và cũng không có sự hỗ trợ để tác phẩm được phát hành, in ấn. Mỗi khi viết xong ca khúc nào đó về Bác, tôi vui và tự hào với thành quả mình đạt được nhưng rồi sau đó lại ôm trọn nỗi đau khi tập văn bản chỉ được đem cất trong tủ kính. Nhưng, vì tình cảm dành trọn cho Bác nên tôi vẫn viết, sẽ viết cho đến khi không còn khả năng để viết nữa.
PV:Được biết, Bác Hồ chính là người đã “cứu” ca khúc để đời “Tiếng đàn Ta Lư” của ông trước những lời chê bai của Hội đồng thẩm định âm nhạc?
Nhạc sĩ Huy Thục:Ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư” của tôi vang lên ở khắp mọi nơi trên mảnh đất này. Thế nhưng khi gửi ca khúc về Hà Nội, tôi rất bất ngờ và buồn khi Hội đồng thẩm định âm nhạc lên tiếng chê bai và yêu cầu tôi sửa lại với lý do ca khúc này có tiết tấu sôi động, không phù hợp để biểu diễn cho Bác nghe. Trước thông tin này, tôi gần như ngã quỵ bởi mọi công sức cũng như tâm huyết của tôi đã “đổ sông đổ biển”.
Cuối năm năm 1968, tôi trở ra Hà Nội để cùng các thành viên trong Đội xung kích vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn báo cáo Bác. Khi ca sỹ Tường Vy vừa cất tiếng hát đầu tiên thì bất chợt, Bác yêu cầu dừng lại và tôi thì cảm thấy vô cùng lo sợ vì chưa kịp sửa ca khúc theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định âm nhạc. Trong không khí tĩnh lặng, Bác hỏi: “Tác giả của ca khúc này hôm nay có mặt ở đây không?”. Lúc đó, tôi hồi hộp bước vào và nói: “Cháu là tác giả của ca khúc này, thưa Bác”. Bác hỏi tôi: “Cháu hiểu gì về người Pa Cô?”, tôi bẽn lẽn trả lời: “Người dân tộc Pa Cô, Vân Kiều không có họ. Họ ơn Đảng, ơn cách mạng và mang họ Hồ. Dù đói khát nhưng đồng bào không lấy một hạt gạo của cách mạng. Cháu mượn tiếng đàn Ta Lư của người Vân Kiều, Pa Cô để viết lên ca khúc này”. Sau khi tôi trả lời xong, Bác yêu cầu tôi cho đoàn biểu diễn tiếp. Lúc đó, trong tôi niềm tự hào xen lẫn niềm vui vô bờ bến.
Cũng chính cơ may đó mà tôi và ca sỹ Tường Vy được Bác trao tặng Huân chương Chiến công Hạng hai. Vì vậy, sau bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn thường nói vui rằng Bác chính là vị cứu tinh, là người đã ủng hộ tác phẩm của tôi để ngày hôm nay, ca khúc này được vang lên trên khắp nẻo đường của Tổ quốc
Tháng 4 vừa qua, tôi đã trở lại huyện A Lưới để thăm đồng bào Pa Cô. Thực sự, đặt chân đến mảnh đất này, biết bao kỷ niệm đã ùa về trong tôi. Tôi vui mừng vì sau bao nhiêu năm trở lại, người dân nơi đây vẫn nhớ đến và hát vang ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư” do chính tôi sáng tác. Họ không chỉ hát bằng tiếng Kinh mà còn hát bằng lời của người dân tộc Pa Cô.
PV:Cảm ơn nhạc sĩ Huy Thục./.