PV: Thưa nhạc sĩ Lê Mây, bắt nguồn từ cảm xúc nào để nhạc sĩ viết ca khúc “Tháng 7” về đề tài Thương binh liệt sĩ?
Nhạc sĩ Lê Mây: Chưa có một đất nước nào trên thế giới này lại có một ngày giỗ chung như chúng ta – ngày 27/7. Việc giỗ chạp không dành cho người cao tuổi, không dành cho những bậc làm cha, làm mẹ, làm ông, làm bà… mà là cuộc đại giỗ của cả dân tộc dành cho những cô gái như hoa mới nở, những chàng trai khôi ngô tuấn tú, những người đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Mỗi lần đến viếng ở các nghĩa trang liệt sĩ, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Là một người nhạc sĩ sáng tác, đã nhiều năm qua, tôi có ý định viết một ca khúc về đề tài này nhưng mãi không viết được. Xúc động là một lẽ, nước mắt là một lẽ, còn cảm xúc để tuôn trào ra lời ca, giai điệu thì mãi đến tháng 7/2012 vừa qua mới có thể. Thật vô tình, tại nghĩa trang huyện Từ Liêm - Hà Nội, khi thắp nén nhang cho anh tôi và nhiều anh hùng liệt sĩ khác, tôi đã hoàn thành ca khúc “Tháng 7”. Cũng đúng dịp đó, bài hát “Tháng 7” của tôi đã được trao giải nhất trong cuộc thi viết về đề tài Thương binh liệt sĩ năm 2012.
Nhạc sĩ Lê Mây |
Điều làm tôi vui nhất là hình như tôi đã trả được món nợ với các anh, các chị, cũng như đã nói được điều mà tôi đang nghĩ về họ, về những gia đình thương binh, những anh hùng đã hy sinh thân mình để cho chúng ta được sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Và dù họ đã nằm xuống nhưng sự hy sinh đó sẽ mãi mãi sống trong lòng mỗi người dân đất Việt.
“Các chị vẫn sống, các anh vẫn sống
Như câu thơ Nam quốc Sơn hà
Các chị vẫn sống, các anh vẫn sống
Như thiên anh hùng ca…”
PV: Đưa cả câu thơ Nam quốc sơn hà của danh nhân Lý Thường Kiệt vào trong ca khúc của mình, nhạc sĩ muốn nhắn gửi điều gì?
Nhạc sĩ Lê Mây: Tôi muốn mượn câu thơ của Lý Thường Kiệt vào trong bài hát của mình vì tôi muốn cho mọi người biết rằng: để có được cuộc sống như ngày hôm nay, tất cả chúng ta phải làm gì đó để đền đáp công lao to lớn của các anh hùng thương binh, liệt sĩ, những người đã ngã xuống cho nền độc lập của dân tộc cũng như giữ gìn truyền thống đấu tranh anh dũng của ông cha ta, để xứng đáng với cái tên nước Việt.
PV: Khán giả biết đến nhạc sĩ Lê Mây qua rất nhiều bài hát, ở nhiều đề tài khác nhau. Khi viết về đề tài Thương binh liệt sĩ, chắc hẳn nhạc sĩ còn có một cảm xúc đặc biệt hơn phải không?
Nhạc sĩ Lê Mây: Phải nói là cảm xúc đó đã dồn nén trong tôi cả mấy chục năm nay rồi. Tôi đã từng đi đến nhiều nghĩa trang, từ nghĩa trang ở Hưng Yên - quê hương tôi, cho đến những nghĩa trang trong Quảng Trị. Thế nhưng, bao nhiêu năm qua, tôi vẫn chưa thể viết được một bài hát nào về đề tài Thương binh liệt sĩ. Chỉ có nhờ ơn các anh, các chị mà tháng 7/2012, tôi mới có thể chắp bút viết được một ca khúc mà mấy chục năm qua tôi vẫn ao ước.
Sau đó, tôi quay lại gửi cho BTC cây bút và nói với họ rằng: Tôi đã viết xong bài hát, xin cảm ơn mọi người và tôi xin gửi lại cây bút”. BTC đã tặng lại tôi cây bút đó, kèm với một lời nhắn là “đúng ngày này sang năm - tức 27/7/2013, cũng tại nghĩa trang này, chúng tôi sẽ được nghe ca khúc của nhạc sĩ”.
Tôi cũng đang có dự định là đúng ngày 27/7 này, tôi sẽ mang bài hát Tháng 7 đến nghĩa trang huyện Từ Liêm, nơi đã giúp tôi có cảm xúc để viết lên bài hát này. Đây cũng là món quà của riêng tôi muốn gửi tặng các anh, các chị, những gia đình thương binh liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27/7/1947- 27/7/2013.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Mây./.